Hậu quả nặng nề của tai nạn giao thông
Tin tức - Ngày đăng : 07:54, 19/11/2013
Từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) tiếp tục diễn biến phức tạp, hậu quả do tai nạn giao thông (TNGT) gây ra vẫn rất nặng nề.
Điều trị nạn nhân tai nạn giao thông tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Nỗi đau không nguôi
Hơn 5 tháng kể từ ngày con trai qua đời trong một vụ TNGT, vợ chồng ông Lê Văn Khuyến và bà Phạm Thị Huê ở khu 4, phường Việt Hòa (TP Hải Dương) vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn. Khi xảy ra tai nạn, con trai Lê Văn Luyến của ông bà mới 19 tuổi. Luyến là con trai duy nhất trong nhà, thường ngày phụ giúp bố mẹ đồng áng rồi lại tranh thủ đi làm thời vụ ở Bắc Ninh. Đầu năm nay, ông Khuyến đã tích cóp, vay mượn tiền mua chiếc máy gặt với dự định để 2 bố con cùng làm. Thế nhưng, TNGT đã khiến dự định của ông không thể thành hiện thực. Trước đây, có hai bố con, mọi việc trong nhà có người san sẻ. Giờ mất con, ông Khuyến cảm thấy chán nản, buồn bã và thậm chí với công việc cũng không còn thiết tha như trước. Nửa năm trôi qua nhưng nỗi đau mất con của vợ chồng ông vẫn chưa nguôi. Trong căn nhà trống trải vì thiếu bóng con trai, trò chuyện với chúng tôi, đôi mắt ông Khuyến đỏ hoe, cố ghìm những giọt nước mắt mỗi khi nhắc đến con: "Tai họa ập đến là cú sốc quá lớn, quá đau xót đối với gia đình tôi. Tôi mong rằng mọi người hãy cẩn thận khi lái xe vì không có gì đáng giá bằng sự sống".
Sáng 15-11, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi ghi nhận khá nhiều trường hợp nạn nhân TNGT đang điều trị tại đây. Được các bác sĩ thông báo trường hợp của vợ mình sẽ tiến hành phẫu thuật, anh Nguyễn Đình Cẩn ở thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) phải huy động rất nhiều người thân lên để truyền máu khi cần. Gia đình hoàn cảnh khó khăn nên cũng mới chỉ xoay xở được vài triệu đồng lo ứng trước viện phí. Tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi, anh Cẩn nghẹn ngào: "Vợ tôi làm công nhân may, tối qua đạp xe đi làm về gần đến nhà thì bị một thanh niên đi xe máy cùng chiều va phải. Bây giờ cứ nửa tỉnh, nửa mê, không còn nhận ra ai nữa".
Từ nửa tháng nay, bà Đào Thị Giang ở xã Duy Tân (Kinh Môn) một mình chăm sóc con trai tại Khoa Ngoại II. Con trai bà, anh Đào Văn Lanh (sinh năm 1992) bị chấn thương sọ não, hôn mê sâu sau một vụ TNGT. Từ lúc con vào viện, bà Giang đêm nào cũng phải thức trắng để chăm sóc con. Sau khi phẫu thuật, anh Lanh bị rối loạn tâm thần, thường xuyên giẫy giụa, cắn xé. Nhìn con bị trói chặt chân tay, bà không cầm được nước mắt. Bà Giang kể: "Con trai tôi mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự được 3 tháng. Nộp hồ sơ xin làm công nhân, chờ mãi, đến khi công ty gọi đi làm thì bị tai nạn. Hai vợ chồng tôi đều làm nông nghiệp, hoàn cảnh khó khăn nên khi tiến hành phẫu thuật, bệnh viện phải cho nợ viện phí hoàn toàn".
Theo tổng hợp của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong 10 tháng đầu năm nay đã có 1.538 bệnh nhân bị TNGT điều trị tại đây. Tại Khoa Ngoại II, nơi chuyên cấp cứu, điều trị thương tích não, cột sống, lồng ngực hiện có 40 giường bệnh nhưng luôn trong tình trạng quá tải. Bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Trưởng khoa Ngoại II cho biết: "Hằng tháng công suất giường bệnh dao động từ 110- 126%. Từ đầu năm đến nay, khoa đã cấp cứu, điều trị 175 ca chấn thương sọ não, trong đó 80% là nạn nhân TNGT. Chi phí điều trị những ca chấn thương sọ não có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Chính vì vậy, nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần vì TNGT. Nhiều bệnh nhân phải sống phần đời còn lại trong vô thức và mất khả năng lao động".
Qua phân tích của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, có tới hơn 76% số nạn nhân TNGT đang trong độ tuổi lao động, đặc biệt có 50% số người ở độ tuổi từ 18 đến 27. Ngoài những nạn nhân tử nạn thì còn có số lượng không nhỏ những nạn nhân bị giảm hoặc mất khả năng lao động.
Ông Khuyến chưa nguôi nỗi đau mất con
Diễn biến phức tạp
Từ đầu năm đến nay, công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh có chuyển biến tích cực, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên TNGT vẫn ở mức cao, đặc biệt tiêu chí giảm 5% số người chết vẫn chưa đạt được. TNGT nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn nhiều. Trong 10 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh xảy ra 262 vụ TNGT làm 136 người chết, 126 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2012, TNGT giảm 13% số vụ, giảm 1,4% số người chết và giảm 11,3% số người bị thương. Nhiều huyện, thành phố, thị xã, số vụ TNGT, số người chết và bị thương đều ở mức cao như Tứ Kỳ, Chí Linh, Kinh Môn, TP Hải Dương... Có 2 huyện Thanh Miện và Bình Giang tăng số người chết, 2 huyện Nam Sách, Thanh Hà tăng số vụ. Đặc biệt, huyện Kinh Môn tăng cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Bên cạnh đó tình hình TNGT trên các tuyến quốc lộ và các đường tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Trên quốc lộ 5 xảy ra 17 vụ, làm 16 người chết và 5 người bị thương; trên quốc lộ 37 xảy ra 25 vụ làm 26 người chết và 6 người bị thương. Tại các tỉnh lộ, huyện lộ xảy ra 51 vụ làm 54 người chết và 42 người bị thương. Theo phân tích của Công an tỉnh, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông còn kém với các lỗi như: đi không đúng phần đường, làn đường (chiếm 36%), chạy quá tốc độ (chiếm 38%), không chú ý quan sát (chiếm gần 10%)... Trung tá Hoàng Tiến Nam, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) cho biết: "Mặc dù TNGT giảm nhưng chưa thể hiện vững chắc, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng. Tình hình trật tự ATGT vẫn diễn biến phức tạp, vi phạm còn nhiều, đang có biểu hiện tái diễn tình trạng người đi xe mô-tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm". Trong 10 tháng đầu năm nay, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý trên 66.833 trường hợp vi phạm pháp luật trật tự ATGT, tước 1.481 giấy phép lái xe, tạm giữ 1.981 phương tiện và phạt tiền, chuyển Kho bạc Nhà nước trên 23,1 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm, tình hình trật tự ATGT sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Nhằm thực hiện được mục tiêu giảm thiểu TNGT, Ban ATGT tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT. Đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt, tập trung vào đối tượng xe ô-tô chở khách, xe mô-tô và các hành vi vi phạm có nguy cơ dẫn đến TNGT như: vi phạm về tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, xe chở quá tải, chở quá số người, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy... Các địa phương có số vụ TNGT tăng phải làm rõ các nguyên nhân, đồng thời đề ra các giải pháp kiềm chế, giảm TNGT trên địa bàn trong thời gian tới. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý đường tổ chức giải tỏa các điểm lấn chiếm lòng, lề đường, hành lang ATGT làm che khuất tầm nhìn trên các tuyến đường qua địa bàn, hoàn thiện hệ thống báo hiệu đường bộ do các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Phối hợp với ngành đường sắt và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai biện pháp bảo đảm ATGT tại các đường ngang giao nhau với đường sắt. Có biện pháp tăng cường ATGT đường thủy nội địa, đặc biệt là tại các bến đò ngang.
HẠO NHIÊN
20 giờ tối nay, ngày 17-11-2013, Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Hải Dương tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong vì TNGT tại Nhà đa năng Trường Cao đẳng Hải Dương. Đây là dịp để các cấp, các ngành và mỗi người dân nghiêm túc nhìn lại những hậu quả, tác động của thảm họa TNGT đối với xã hội, cùng chung tay đẩy lùi và hạn chế những thiệt hại do TNGT gây ra. |