Cái khó bó cái khôn
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 07:09, 20/11/2013
Các xã ở huyện Thanh Hà đã có quy hoạch khá tốt cho xây dựng NTM. Tuy nhiên, để thực hiện được quy hoạch lại là bài toán nan giải.
Vùng vải sạch 30 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của xã Thanh Xá được đầu tư 13,5 tỷ đồng
hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi, kho bãi...
Nâng cao chất lượng quy hoạch
Tiêu chí đầu tiên trong xây dựng NTM trên địa bàn huyện Thanh Hà tới năm 2020 là quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Xác định quy hoạch phù hợp với sự phát triển tổng thể của huyện, của tỉnh, đồng thời phù hợp với đặc thù của các địa phương mà nhiều năm sau không bị lạc hậu, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Thanh Hà đã yêu cầu gắt gao ngay từ đầu trong triển khai công tác quy hoạch. Đồng chí Nguyễn Văn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước hết, huyện chọn 6 xã thực hiện giai đoạn I là Thanh Xá, Thanh Bính, Thanh Hải, Tân An, Hồng Lạc và Cẩm Chế, yêu cầu các địa phương chọn các nhà tư vấn có năng lực trong quy hoạch đô thị và nông thôn. 18 xã còn lại được triển khai sau đó. Ban đầu chất lượng quy hoạch của một số địa phương chưa cao, huyện kiên quyết yêu cầu làm lại, điều chỉnh cho đạt yêu cầu. Có xã phải bổ sung thực hiện lại tới lần thứ 3 huyện mới phê duyệt.
Ngay sau khi có quy hoạch được duyệt, các xã đều lập đề án xây dựng NTM bám sát quy hoạch. Đến đầu năm 2013, tất cả 24 xã của huyện Thanh Hà đã hoàn thành việc quy hoạch, lập và được duyệt đề án xây dựng NTM. Đi đôi với việc lập quy hoạch, huyện chỉ đạo các địa phương khi xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phải phù hợp với quy hoạch và đáp ứng theo tiêu chí xây dựng NTM mà Chính phủ đã hướng dẫn. Các công trình hạ tầng xây dựng trước thời điểm được quy hoạch lại; địa phương có điều kiện từng bước mở rộng, xây dựng bổ sung để đạt yêu cầu tiêu chí NTM.
Trong công tác quy hoạch về giao thông, Thanh Hà chỉ đạo các địa phương bám sát các trục giao thông chính như đón bắt sự phát triển trục giao thông bắc - nam của tỉnh, các tuyến đường tỉnh 390A, 390B, các trục đường mới bám hai bên sông Hương, thuộc dự án du lịch sông Hương. Trong quy hoạch phát triển kinh tế theo vùng, Thanh Hà xác định quy hoạch vùng sản xuất lúa khoảng 3.800 ha, tập trung ở khu vực Hà Tây; 6.200 ha cây ăn quả. Diện tích trồng cây ăn quả gồm 1.000 ha vải sớm ở khu vực Hà Đông; trên 3.000 ha vải thiều ở khu vực Hà Nam, phát triển vùng vải sạch, chất lượng cao sản xuất theo quy trình và tiêu chuẩn VietGAP (gồm các xã Thanh Sơn, Thanh Thủy, Thanh Xá, Thanh Khê); vùng quất ở Cẩm Chế, Phượng Hoàng; vùng ổi ở khu vực Hà Bắc. Trong chăn nuôi, các xã đều quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư nhằm tránh ô nhiễm môi trường …
Nhìn chung công tác quy hoạch và xây dựng đề án phát triển NTM của các xã ở huyện Thanh Hà có chất lượng tốt; các mảng trong quy hoạch như phát triển không gian kiến trúc khu trung tâm hành chính xã, hệ thống giao thông, hệ thống trường học, trạm xá, công trình văn hóa, thể dục thể thao, khu vui chơi giải trí, khu dân cư của mỗi địa phương… đáp ứng cho vùng nông thôn có dáng dấp hiện đại, phục vụ phát triển lâu dài. Sau 3 năm tập trung xây dựng NTM, các xã trên địa bàn huyện đã thực hiện xây dựng 65 công trình hạ tầng như trụ sở làm việc của UBND xã, trường học, đường giao thông, trạm xá…với tổng kinh phí 103 tỷ đồng. Ngành điện cũng đầu tư trên 50 tỷ đồng nâng cấp, xây mới các trạm biến áp và đường dây hạ áp nông thôn. Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM theo các tiêu chí của Thanh Hà còn hạn chế. Đến nay mới có xã Thanh Xá đạt 14 tiêu chí; 5 xã khác đạt từ 10 đến 12 tiêu chí; 18 xã mới đạt từ 5 đến 9 tiêu chí.
Vốn đâu để làm theo quy hoạch?
Là một huyện thuần nông, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, việc thu hút các dự án phát triển công nghiệp rất hạn chế, vì vậy Thanh Hà gặp nhiều khó khăn trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cơ sở hạ tầng như trường học, giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa còn yếu. Đặc biệt theo tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, các xã đều đã lập quy hoạch, nhưng để thực hiện theo đó, mỗi xã cần xấp xỉ 100 tỷ đồng. Ông Quách Đại Thưởng, Chủ tịch UBND xã Thanh Xá hết sức trăn trở về các nguồn vốn để xây dựng NTM. 3 năm qua, bằng tất cả các nguồn vốn, toàn xã mới đầu tư được trên 30 tỷ đồng cho xây dựng NTM. Trong đó, ngân sách nhà nước mới hỗ trợ cho xã được 1,7 tỷ đồng, còn lại là nguồn đầu tư từ các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia, dự án của VietGAP, của các doanh nghiệp và nhân dân đóng góp... Nhu cầu vốn cho xây dựng NTM của Thanh Xá cần khoảng 230 tỷ đồng. Nếu chỉ trông chờ vào nội lực thì chắc chắn đến năm 2015 các tiêu chí như hạ tầng văn hóa, thủy lợi không thể thực hiện được. Việc đầu tư phải từng bước, theo từng giai đoạn mới thực hiện được.
Bên cạnh đó, tiêu chí hệ thống đường ra đồng, kênh mương được kiên cố hóa cũng là một thách thức cho hầu hết các xã. Một tiêu chí khác là tiêu chí thu nhập bình quân đầu người tới 2015 phải đạt 29 triệu đồng/năm là một mốc khó đạt cho huyện thuần nông như Thanh Hà…
Trước những khó khăn trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, Huyện ủy, UBND, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM huyện Thanh Hà đang tập trung cho các xã điểm thực hiện giai đoạn I; phân đoạn hoàn thiện tiêu chí cho các xã xây dựng giai đoạn II. Huyện tập trung nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; khai thác hiệu quả các nguồn đầu tư tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng; huy động doanh nghiệp, nhân dân tham gia xây dựng công trình phục vụ dân sinh; vận động nhân dân hiến đất giải phóng mặt bằng cho giao thông thôn xóm, giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi, ưu tiên các công trình đang xây dựng phục vụ tiêu chí NTM.
ANH TUẤN