“Tôi không tin con số 1-2% công chức không làm được việc”
Tin tức - Ngày đăng : 06:35, 21/11/2013
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)
* Hiện đang có tranh cãi giữa con số 30% cán bộ công chức cắp ô, theo dư luận và 1% cán bộ công chức không làm được việc, theo thông tin của cơ quan chức năng. Bản thân ông nghĩ thế nào?
- Con số “30% cắp ô” là do một phó Thủ tướng nói khi nghe dư luận chứ không phải báo cáo cụ thể. Đến khi rà soát lại, người ta nói chỉ có 1-2% thôi.
Tôi thì không tin con số chỉ có 1-2% không làm được việc.
* Thưa ông, nhưng bộ ngành, cơ quan nào cũng nói tuyển dụng đúng quy trình?
- Nếu nói theo lý thuyết thì đúng quy trình hết, có đầy đủ bằng cấp hết, nhưng các bằng cấp ấy có phản ánh đúng thực lực hay không, có thật không mới quan trọng. Ngoại ngữ cứ bảo bằng C, D nhưng không nói được. Còn máy tính bây giờ phần lớn là chuyên viên sử dụng chứ thủ trưởng có dùng mấy đâu. Đó là thực tế.
Cán bộ là cái gốc nhưng 5 năm qua chưa thực hiện được tinh giảm biên chế. Ta cứ kêu gào tinh giảm nhưng thực sự bộ máy của ta lại tăng. Ta có tổ chức thi tuyển nhưng tại sao trên thực tế các cơ quan xí nghiệp người ta đánh giá năng lực trình độ một số cán bộ không đạt yêu cầu. Đây là vấn đề cần phải suy nghĩ.
Còn về thi tuyển cán bộ công chức, Bộ nội vụ đang siết lại chất lượng nên đánh trượt rất nhiều. Nhưng chúng tôi cũng chưa đồng tình khi lại có chuyện phúc tra. Nếu phúc tra để nâng điểm lên rồi cho đỗ nhiều quá thì không khéo lại trở thành sân sau của tham nhũng.
Tôi yêu cầu đã trượt là để cho trượt và sang năm thi lại, không nên phúc tra kiểu như vậy. Vì chấm một bài thi có phải một người đâu, phải 3-4 người, phải có hội đồng. Trong thi tuyển cán bộ thì ngoài bằng cấp ra phải căn cứ vào năng lực và trình độ, ví dụ ngoại ngữ, vi tính.
Cái này phải kiểm tra thực tế: ngoại ngữ anh có nói được không, anh có viết được văn bản không. Vi tính anh có sử dụng thành thạo không.
* Theo ông, cách nào để làm rõ số cán bộ không làm được việc?
- Chuyện này không cần làm rõ nữa, vì đã rõ rồi. Tại sao anh nói thi tuyển đúng quy trình mà chất lượng đội ngũ yếu như thế. Vậy thì trong các khâu đào tạo tuyển dụng, thi cử, sử dụng có vấn đề. Muốn siết lại chất lượng theo tôi phải đào tạo theo quy hoạch, đào tạo có địa chỉ. Hai là thắt chặt từ đầu vào.
Tôi thấy bên công an, quân đội làm rất tốt. Khi đào tạo xong về đơn vị, địa phương nào là bố trí được ngay. Hiện đào tạo của ta cứ thả tự do. Như tài chính ngân hàng một thời cứ ồ ạt vào, giờ lại thôi. Rất lãng phí.
- Xin cảm ơn ông.
MAI HƯƠNG (Tuổi trẻ)