Giảm gánh nặng cho người bệnh
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 04:35, 22/11/2013
Từ hiệu quả dự án phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã cho thấy căn bệnh mạn tính này hoàn toàn có thể phòng và kiểm soát được...
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hiện là gánh nặng đối với người bệnh và hệ thống y tế
Mô hình mới hiệu quả
Khoảng 1 năm nay, đều đặn hằng tháng ông Đặng Văn Tài (66 tuổi, ở xã Thanh Xuân, Thanh Hà) đều lên Phòng Quản lý người bệnh COPD, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh để khám, đo chức năng hô hấp và lấy thuốc về điều trị ngoại trú. Do tiền sử hơn 20 năm hút thuốc lá, thuốc lào nên những năm gần đây, sức khỏe của ông Tài kém hẳn đi. Ông thường xuyên bị khó thở. Mấy năm trước, chỉ khi nào thấy mệt nhọc, khó thở nặng ông mới đến bệnh viện khám, điều trị. Cứ như vậy, đợt sau bệnh của ông lại diễn biến nặng hơn đợt trước. Qua đợt khám, sàng lọc tại cộng đồng, hơn 1 năm nay, ông Tài được Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đưa vào danh sách quản lý của Phòng Quản lý bệnh nhân COPD. “Nhờ được theo dõi đều đặn hằng tháng nên bệnh tình của tôi ổn định hơn, ít xuất hiện các đợt cấp phải vào viện điều trị”, ông Tài cho biết.
Phòng Quản lý bệnh nhân COPD vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Ngọc (57 tuổi, ở phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) vì những lần nhập viện điều trị của ông ngày càng gần nhau. Tuy mới phát hiện bệnh được hơn 2 năm nay nhưng biểu hiện bệnh của ông Ngọc đã nặng và sức yếu nhanh. Mỗi đợt cấp, ông Ngọc đều vào viện trong tình trạng cấp cứu, khó thở liên tục, phải hỗ trợ thở ô- xy. Bác sĩ Trần Quốc Truy, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết: “Những trường hợp như bệnh nhân này rất cần được quản lý sớm để tăng cơ hội và khả năng hồi phục sức khỏe”.
Hơn 600 bệnh nhân COPD trong tỉnh hiện đang được quản lý tại Phòng Quản lý bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh hiện đã giảm đáng kể số lần phải nhập viện điều trị. Việc thành lập Phòng Quản lý bệnh nhân COPD đã phần nào giải quyết được nhu cầu của người bệnh COPD. Mô hình chú trọng đến việc kết nối điều trị người bệnh từ khi họ điều trị nội trú đến khi xuất viện, điều trị ngoại trú và coi trọng việc tư vấn, giáo dục người bệnh thường xuyên để duy trì điều trị, dự phòng đợt cấp (đợt phát bệnh nguy hiểm). Hằng tháng, bệnh nhân đến khám, đo chức năng hô hấp và được cấp thuốc điều trị theo mức độ của bệnh. Đồng thời, khi người bệnh được quản lý tại bệnh viện sẽ được chẩn đoán nhanh, giảm thời gian chờ đợi và chi phí do có các thông tin tại hồ sơ theo dõi. “Sau khoảng 2 năm triển khai mô hình mới này, dù số lượng bệnh nhân được quản lý còn ít nhưng 100% số người bệnh đã bớt lo lắng về bệnh tật, hầu hết người bệnh đã biết cách giảm thiểu và phòng tránh các yếu tố nguy cơ đợt cấp, biết phối hợp tốt với thầy thuốc và biết xử trí các tình huống tại nhà. Đặc biệt, gần như tất cả người bệnh đều cai được thuốc lá. Chất lượng cuộc sống của người bệnh được nâng lên, tinh thần phấn chấn hơn”, bác sĩ Truy nói thêm.
Cần nhân rộng
Từ nhiều năm nay, tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, số bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ngày càng gia tăng. Hằng năm, số bệnh nhân COPD vào khám, điều trị tại bệnh viện chiếm khoảng 30% tổng số bệnh nhân. Ô nhiễm môi trường, chất thải công nghiệp, nhiễm trùng (do vi-rút), nấm mốc, lông thú, sử dụng thuốc và hóa chất tùy tiện, nhịp sống căng thẳng dẫn đến stress và khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn là những nguyên nhân căn bản khiến cho căn bệnh này ngày càng tăng. Cả người bệnh và hệ thống y tế đang phải chịu gánh nặng về chăm sóc y tế, chi phí điều trị căn bệnh này. Nếu không có bảo hiểm y tế, mỗi đợt điều trị cấp có thể tiêu tốn của người bệnh hàng chục triệu đồng.
Thời gian qua đã có nhiều công trình nghiên cứu lớn trên thế giới chứng minh được hiệu quả của việc quản lý, điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Tuy nhiên, ở tỉnh ta mới chỉ quan tâm đến điều trị đợt cấp, không quản lý người bệnh khi họ xuất viện. Trong khi đó, nhu cầu được quản lý COPD của người bệnh sau khi được điều trị tại bệnh viện là rất lớn. Phòng Quản lý COPD hiện tại rất cần được nhân rộng.
Nhằm duy trì, phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được trong điều trị COPD, yếu tố con người sẽ có vai trò quyết định. Các bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng phải được đào tạo đúng theo chức năng, nhiệm vụ của từng vị trí. Trong khuôn khổ phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, năm 2014, tỉnh ta sẽ đào tạo lại cho 50% số bác sĩ hệ nội nhi của các bệnh viện đa khoa tuyến huyện, đào tạo 100% số cán bộ trạm y tế xã thực hành xử trí tốt các bệnh hô hấp. Toàn tỉnh phấn đấu có 30% các bệnh viện tuyến huyện có phòng quản lý COPD và 40% số bệnh nhân được chẩn đoán COPD được kê đơn đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không lạm dụng kháng sinh và các thuốc khác, qua đó giúp giảm chi phí tối đa cho người bệnh và gia đình.
Mở rộng mô hình quản lý người bệnh COPD tại các địa phương sẽ mang lại lợi ích rất lớn đối với người bệnh và cả với chính hệ thống y tế, là biện pháp hữu hiệu và bền vững để chống quá tải bệnh viện.
MINH HẠNH