Nhật, Trung triệu đại sứ của nhau để phản đối "vùng phòng không"
Tin tức - Ngày đăng : 16:31, 25/11/2013
"Vùng nhận diện phòng không" chồng lấn trên vùng trời có các hòn đảo do Tokyo kiểm soát mà cả hai bên đều tuyên bố chủ quyền ở biển Hoa Đông.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Akitaka Saiki đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Nhật là Cheng Yonghua tới để phản đối về hành động mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói là "nguy hiểm."
Ngay lập tức, Trung Quốc cũng đã có hành động đáp trả. "Các quan chức ngoại giao Trung Quốc đã triệu đại sứ Nhật Bản tới để bày tỏ sự bất bình mạnh mẽ liên quan tới những tuyên bố thồi phồng bất hợp lý của Nhật Bản về việc Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không," người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói trong cuộc họp báo thường kỳ.
Trung Quốc đã tuyên bố thành lập ADIZ ngày 23/11, một động thái nhằm chống lại “những đe dọa tiềm tàng trên không,” theo lời các quan chức quốc phòng Bắc Kinh.
Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida ngày 24-11 nói nước ông sẽ không chấp nhận biện pháp của Trung Quốc, gọi đó là “hành động đơn phương có thể dẫn tới những sự cố không thể lường trước ở địa điểm này”.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu ở Washington rằng ông “hết sức quan ngại” về động thái này, vốn có “rủi ro lớn dẫn tới các sự cố khác”. “Hành động đơn phương này tiếp nối nỗ lực thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông”, ông Kerry nói.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhắc lại rằng quần đảo do Nhật Bản kiểm soát Senkaku, mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư (Diaoyu), nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, có nghĩa là Washington có trách nhiệm pháp lý phải phòng thủ nếu vùng này bị tấn công.
Tranh cãi về quần đảo này đã kéo dài nhiều năm, nhưng lên tới đỉnh điểm năm 2012 sau khi Tokyo mua lại một số đảo từ sở hữu tư nhân.
Kể từ đó, Trung Quốc đã liên tục cử các tàu tuần duyên và tàu khác của nhà nước, cũng như máy bay, xâm nhập vào vùng biển và vùng trời xung quanh hòn đảo.
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc nói nước này phản đối “mạnh mẽ” những bình luận của Nhật Bản với ADIZ. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương (Qin Gang) gọi những bình luận này là “không có căn cứ và hoàn toàn sai trái.”
Vùng nhận diện phòng không do Trung Quốc công bố hôm 23-11 (Nguồn: Xinhua)
Ông Tần cũng hối thúc Mỹ không đứng về bên nào trong cuộc tranh cãi và Bắc Kinh đã “có ý kiến” với đại sức Mỹ Gary Locke về những bình luận từ Washington.
Một bài xã luận trên tờ Thời báo Hoàn Cầu đã cáo buộc Nhật Bản "hành xử hai mặt" khi nước này đã thiết lập ADIZ của họ chỉ cách Nga 50 km và Trung Quốc 130 km.
“Tokyo đạo đức giả và trơ trẽn khi phản đối Bắc Kinh”, bài xã luận viết. “Trung Quốc có mọi lý do công bằng và hợp pháp để thiết lập vùng phòng không của mình.”
Tờ báo tuyên bố “Washington đã đưa ra một bình luận khá mơ hồ”, đồng thời cảnh báo nước láng giềng châu Á về bất cứ động thái nào của Nhật Bản với ADIZ.
“Nếu Nhật Bản đưa máy bay chiến đấu tới ngăn chặn máy bay phản lực chiến đấu của Trung Quốc, các lực lượng quốc phòng Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp phòng ngự khẩn cấp,” tờ báo viết.
“Trung Quốc không tuyên bố bất kỳ mục tiêu nào khi thiết lập vùng phòng không, nhưng chắc chắn sẽ đáp trả với những kẻ khiêu khích liều lĩnh vùng phòng không này.”
Hai nền kinh tế lớn thứ hai và ba thế giới có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ, nhưng quan hệ chính trị giữa họ đang căng thẳng vì nhiều vấn đề lịch sử.
Bắc Kinh khẳng định quần đảo không người ở Senkaku đã là lãnh thổ của họ hàng trăm năm và bị Tokyo chiếm cứ bất hợp pháp trong quá trình Nhật Bản mở rộng ra khắp châu Á, bao gồm cuộc xâm lược đẫm máu ở Trung Quốc.
Tháng trước, sau khi Tokyo triển khai phản lực cơ chiến đấu đáp lại việc một máy bay không người lái xâm nhập vào không phận quần đảo, Bộ quốc phòng Trung Quốc đã nói bất kỳ vụ nổ súng nào của Nhật Bản với các máy bay của nước này sẽ bị coi là “một hành động chiến tranh”.
(Nguồn: TTXVN)