Trở lại Điện Biên

Du lịch - Ngày đăng : 03:05, 26/11/2013

Điện Biên đang thay đổi từng ngày nhưng vẫn vẹn nguyên tình người, tình đất...



Nghĩa trang Điện Biên

Chiếc máy bay ATR-72 của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam cất cánh lúc 9 giờ 45 từ sân bay Nội Bài, đưa chúng tôi về với Điện Biên. Đây là lần thứ hai tôi lên Điện Biên, nhưng một cảm giác thân quen cứ choán lấy tôi suốt hành trình. Những kỷ niệm của lần đầu lên vùng đất lịch sử này phút chốc ùa về như một cuốn phim tư liệu, gợi nhớ bao tên đất, tên người. Đó là lần lên dự Đại hội của Hội Doanh nhân trẻ Điện Biên vào dịp tháng 11-2011 và bây giờ chúng tôi lại có cơ hội gặp lại nhau trong chương trình kết nối, giao lưu.

Suốt quãng đường bay, trời nhiều mây, máy bay như đang trôi trên một biển mây trắng bồng bềnh, mênh mông bát ngát đến vô tận. Mới ngày nào chỉ nghe nói đến Điện Biên đã thấy vời vợi nghìn trùng, tạo cho người ta cái cảm giác cách trở giữa miền xuôi với miền rừng núi Tây Bắc xa xôi và đầy bí hiểm. Bây giờ thì nếu muốn, chỉ cần hai ngày nghỉ cuối tuần là có thể đã có một chuyến du lịch đầy thú vị và thoải mái ở vùng đất này. Mỗi ngày có 2 chuyến bay lên và 2 chuyến bay về rất thuận tiện, thời gian bay lại ngắn, không làm cho du khách mệt mỏi. Còn nếu muốn được khám phá nhiều hơn nữa thì đi theo đường bộ với tuyến quốc lộ đã được nâng cấp, trải nhựa phẳng lỳ qua Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La là tới. Nghe mấy anh bạn tôi kỳ trước đi về kể lại, thời gian đi đã phải kéo dài ngoài dự kiến vì dọc đường cứ phải dừng lại qua những đoạn đường cong cong, những con suối trong vắt, những nếp nhà sàn, vạt lúa bậc thang rất đẹp.

50 phút bay lượn trên bầu trời, máy bay nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân bay Nà Sản. Đón chúng tôi là anh Song Hùng, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Điện Biên và anh Nguyễn Văn Kiểm, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tây Sơn. Cứ trông các hội viên Hội Doanh nhân trẻ Điện Biên, hầu như ai cũng tự lái xe lấy, tác phong nhanh nhẹn và cởi mở đủ thấy sự năng động của họ đáng nể như thế nào rồi. Các anh đưa chúng tôi về khách sạn Mường Thanh, một địa chỉ quen thuộc, để nhận phòng. Các đoàn Cao Bằng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Phước, Bắc Cạn đã đến từ hôm trước. Chúng tôi không khỏi xuýt xoa thầm tiếc khi nghe kể chiều qua Văn phòng hội bạn đã tổ chức cho đi thăm bản và buổi tối lại có chương trình giao lưu đốt lửa trại, múa xòe hoa với các Pỉ noọng Thái, sáng nay lại đi thăm Mường Phăng, nơi đặt sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên lịch sử… Trong giai đoạn này, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp đều gặp những thách thức, khó khăn, bởi vậy các hoạt động kết nối, cùng nhau chia sẻ giữa các doanh nhân thật đáng quý và ý nghĩa.

Đúng 15 giờ 30, sau khi đã được nghỉ ngơi, đoàn xe 5 chiếc đưa mọi người thẳng tiến đến Nghĩa trang Điện Biên. Chúng tôi không khỏi xúc động khi đứng trước ngôi mộ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập tự do, dân tộc. Sau khi làm lễ dâng hương tại đài tưởng niệm, từng người đi thắp hương từng ngôi mộ, có những ngôi mộ ghi đầy đủ họ tên, quê quán, ngày hy sinh của liệt sĩ, lại có những ngôi mộ còn khuyết danh và kia là mộ của 4 anh hùng liệt sĩ Điện Biên: Trần Can, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn. Chúng tôi lặng đi trước sự hy sinh lớn lao của những người anh hùng đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước. Các anh nằm yên nghỉ nơi đây, chính trên mảnh đất đã thắm máu của các anh, cho dù có tên hay còn khuyết danh, nhưng mãi mãi các anh đều mang một cái tên chung "Anh hùng Điện Biên" mà ngàn đời sau dân tộc không quên

Rời Nghĩa trang Điện Biên, cả đoàn lên thăm đồi A1 lịch sử, tận mắt nhìn thấy hệ thống hầm hào của quân địch và hố bộc phá với 1.000 kg thuốc nổ năm xưa đã làm rung chuyển cả quả đồi. Theo hướng cầu Mường Thanh đến hầm Đờ-cát-xtơ-ri, mọi người tham quan và chụp ảnh lưu niệm. Em gái  Lưu Ly - cán bộ Văn phòng Hội Doanh nghiệp trẻ Điện Biên, một cô gái sôi nổi, nhanh nhẹn và tháo vát, làm dáng bên cửa hầm để anh Vinh (Bình Dương) chụp với các góc độ khác nhau. Em Son - một em gái người Thái, cũng là một cán bộ văn phòng có vẻ ngoài bẽn lẽn, lúc nào cũng cần mẫn lại đằm thắm như một bông hoa ban của núi rừng Tây Bắc. Gặp em, tôi chợt nhớ đến câu hát “con gái Thái trắng nõn những búp tay” trong bài hát ca ngợi những cô du kích Châu Yên năm xưa…

Chia tay Điện Biên trong lưu luyến và thân thương, mọi người hẹn gặp lại nhau trong những cái nắm tay bịn rịn mãi không rời. Câu hát “Inh noọng ơi, Slao noọng ời, khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời” theo mãi trong tâm trí tôi khi từ trên trời cao nhìn xuống TP Điện Biên đang thay da đổi thịt từng ngày, trong đó có bàn tay, khối óc của những hội viên Hội Doanh nhân trẻ Điện Biên góp sức.

 Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch văn hoá - lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ gồm: Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (khu hầm Đờ-cát). Quần thể di tích này là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch không những của tỉnh Điện Biên, của Tây Bắc mà còn của cả nước.  Điện Biên còn có tiềm năng văn hóa phi vật thể với 21 dân tộc anh em chung sống, mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng rất đa dạng, điển hình là các dân tộc: Thái, Mông.  Điện Biên có nhiều hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông, Huổi Phạ...



VŨ TRỌNG THÁI