Bảo hiểm y tế bắt buộc toàn dân chưa khả thi
Tin tức - Ngày đăng : 17:46, 26/11/2013
* Thừa nhận hôn nhân đồng giới cần phải có lộ trình
Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) với đa số phiếu tán thành. Sau đó, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Nhiều ý kiến cho rằng tiến tới BHYT toàn dân là cần thiết nhưng nếu thực hiện ngay e là chưa khả thi.
Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình): Tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình là phù hợp nhưng cần
hạ mức đóng góp để khuyến khích nhiều người dân tham gia. Ảnh: TTXVN
Lo ngại chất lượng dịch vụ khám BHYT, đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cũng cho rằng BHYT bắt buộc là phù hợp nhưng hiện tại phải làm sao để người dân tự nguyện tham gia là tốt nhất. “Từng bước phải tiến tới cho người khám chữa bệnh BHYT phải được ưu tiên khám trước, được hưởng các dịch vụ hiện đại... Nếu khám BHYT mà được như khám dịch vụ thì tôi tin toàn dân sẽ tham gia”, đại biểu Phương nói.
Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Thái Bình) đề nghị không nên bắt buộc người dân tham gia BHYT mà chỉ nên quy định “tham gia BHYT là trách nhiệm của toàn dân". Theo đại biểu Hoàn, điều kiện kinh tế và thu nhập của rất nhiều hộ dân còn thấp, họ không có điều kiện tham gia. Nhưng giải quyết vấn đề này thế nào thì không thấy dự thảo luật đề cập. Đại biểu Hoàn nhất trí với quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình nhưng cần hạ mức đóng góp để khuyến khích người dân. Cụ thể, người thứ hai trong gia đình sẽ đóng tiền bằng 70% người thứ nhất, người thứ ba đóng bằng 50% người thứ nhất… Như vậy thì người dân sẽ có điều kiện tham gia nhiều hơn.
Đại biểu Chu Đức Quang (Lạng Sơn) cho rằng quy định hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu và sống trên cùng địa bàn xã phường thị trấn là chưa phù hợp. Lý do là thực tế nhiều người có chung hộ khẩu nhưng lại sinh sống làm ăn ở nhiều nơi khác nhau. Nếu quy định như thế sẽ hạn chế quyền tham gia và thụ hưởng các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT của người dân. Với những hộ gia đình có những người làm ăn xa vì mưu sinh thì đề xuất cho họ được đăng ký hai nơi khám chữa bệnh ban đầu để tạo thuận lợi cho người dân.
Trước đó vào buổi sáng, QH thảo luận dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình. Nhiều đại biểu đã bàn về quy định đối với việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.
Theo dự luật, quy định cấm việc kết hôn giữa những người đồng giới trong luật hiện hành đã được hủy bỏ thay vào đó là quy định Nhà nước không thừa nhận việc hôn nhân giữa những người đồng giới. Quy định mới này được hiểu là việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính không còn bị coi là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, họ không có quyền đăng ký kết hôn như các cặp vợ chồng bình thường khác.
Ngày 27-11, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, QH thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể về thủy điện và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Buổi chiều, QH thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp (bao gồm cả nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng) và thảo luận về dự án Luật Đầu tư công. |
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho biết, về hôn nhân đồng giới, các quốc gia khác cũng đều có lộ trình, ví dụ như Đan Mạch là 22 năm, từ việc không cấm hôn nhân đồng giới đến thừa nhận và cho phép đăng ký kết hôn. Đại biểu Thủy đề nghị dự luật phải quy định rất cụ thể, chặt chẽ các hậu quả do việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính phát sinh. “Ví dụ, họ xin con nuôi thì ai là bố, ai là mẹ, hay cả hai cùng là bố hoặc cả hai cùng là mẹ?”, đại biểu Thủy nêu vấn đề.
Đại biểu Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang) đề nghị quy định việc giải quyết vấn đề tài sản của những người đồng giới không thể như những cặp vợ chồng bình thường mà phải tuân theo Bộ luật Dân sự.
Cũng trong buổi thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình, nhiều đại biểu ủng hộ quy định được phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Đại biểu Thủy đề nghị phải quy định rất chặt chẽ, cụ thể để tránh những hậu quả phức tạp nảy sinh mà không đủ quy định pháp lý để giải quyết. “Chế độ khám sức khỏe, chăm sóc người mang thai hộ trong quá trình mang thai như thế nào? Hay là bố mẹ chia tay trong quá trình đang nhờ người mang thai hộ thì giải quyết ra sao? Tôi đề nghị không nên quy định chỉ người thân thiết trong gia đình mới được mang thai hộ. Quy định như vậy sẽ giới hạn chính sách nhân đạo cho phép mang thai hộ. Theo tôi nên mở rộng đối tượng được phép mang thai hộ vì đây là quan hệ dân sự, miễn là đối tượng đó đủ điều kiện và việc mang thai hộ không bị thương mại hóa”, đại biểu Thủy đề nghị.
Đại biểu Lê Văn Hoàng (Đà Nẵng) phân tích, mang thai hộ có ý nghĩa rất quan trọng và mang tính nhân đạo. Tuy nhiên, mang thai hộ rất ít trường hợp tự nguyện, trừ trường hợp đặc biệt như chị, em gái. Việc mang thai hộ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Ví dụ, việc mang thai hộ nếu chỉ cam kết bằng lời, sau đó sinh ra trẻ khuyết tật mà người nhờ mang thai không nhận con thì sao? Hoặc sinh ra 2-3 con nhưng chỉ nhận một con thì thế nào? Còn nếu có văn bản thì đó là quan hệ dân sự, ít ý nghĩa nhân đạo… Đại biểu Hoàng đề nghị chưa nên đưa quy định này vào luật, mà cần có thời gian xem xét, thu thập ý kiến của nhân dân và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Cũng trong sáng 26-11, với đa số phiếu tán thành, QH biểu quyết thông qua Luật Đấu thầu (sửa đổi).
TTXVN-TT-NA
Nên thành lập cơ quan giám định bảo hiểm y tế độc lập Khoa học ngày càng phát triển nên chi phí cho việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh (KCB) ngày càng tăng, dễ dẫn đến bội chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Do đó, đã có tình trạng cơ quan giữ quỹ BHYT thì lo thâm hụt, không duyệt chi trả nhiều; cơ quan y tế thì buộc phải điều trị, kê đơn theo danh mục được BHYT chi trả để giảm chi phí cho người bệnh, nên đôi khi không đạt được hiệu quả điều trị như mong muốn. Cơ quan giám định BHYT lại do Bảo hiểm xã hội quản lý nên việc giám định cũng phải tuân thủ tiêu chí tiết kiệm nguồn chi. Cùng với thủ tục KCB rườm rà, phân tuyến KCB ban đầu chưa phù hợp, chi phí gián tiếp có xu hướng tăng cao, thì việc Bảo hiểm xã hội vừa giữ quỹ, vừa duyệt chi... càng thêm cản trở nhân dân đến với BHYT. Theo tôi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nên quy định vai trò độc lập của giám định BHYT để tạo sự minh bạch, trung lập giữa bên cung cấp dịch vụ y tế và bên chi trả BHYT. Nên tách cơ quan này khỏi Bảo hiểm xã hội hoặc trưng dụng đội ngũ thầy thuốc có trình độ cao về chuyên môn y tế, hoạt động độc lập trong kiểm tra thủ tục KCB BHYT; kiểm tra, đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh; kiểm tra, xác định chi phí KCB BHYT. Việc giám định BHYT hoạt động độc lập sẽ bảo đảm tính chính xác, công bằng, công khai, minh bạch cho những người đóng tiền để xây dựng quỹ BHYT. NGUYỄN VĂN QUÝ(Phường Ngọc Châu, TP Hải Dương) Ưu tiên sử dụng thuốc đông y đã qua bào chế cho bệnh nhân có thẻ BHYT Theo tôi, khi sửa đổi Luật BHYT, Quốc hội cần bổ sung quy định đối với những trường hợp KCB đông y sử dụng thẻ BHYT. Cần ưu tiên sử dụng thuốc đông y đã qua bào chế và đăng ký. Những loại thuốc này được bảo đảm về chất lượng, có giá cả cụ thể, người bệnh sử dụng được yên tâm hơn. Trong trường hợp chữa bằng thuốc thang, cơ quan BHYT cần ký hợp đồng với cơ sở KCB BHYT theo từng bài thuốc chứ không ký hợp đồng theo vị thuốc. Những bài thuốc được sử dụng phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chuyên môn về y dược; được thẩm định và có danh sách cụ thể. Việc ký hợp đồng theo vị thuốc khiến việc chữa trị nhiều khi không hiệu quả, không rõ ràng trong giá cả, bệnh nhân không kiểm soát được việc chữa trị cũng như những tác dụng phụ của thuốc. NGUYỄN THỊ TÂM (Xã Thượng Vũ, Kim Thành) Một số điểm cần quy định sát thực tế Theo tôi nên quy định sử dụng quỹ KCB cho người nghèo ở địa phương cùng hỗ trợ chi trả viện phí. Quy định này cũng sẽ góp phần tránh lạm dụng quỹ BHYT. Hiện nay, tình trạng trẻ em, nhất là học sinh, sinh viên mắc các bệnh về mắt rất phổ biến nên luật cần bổ sung quy định để giảm gánh nặng trong KCB cho đối tượng này. Việc thanh toán BHYT cho người bị tai nạn giao thông cần quy định linh hoạt hơn. NGUYỄN THỊ BẢY (Xã Nam Chính, Nam Sách) |