Bài học ông dạy
Các em viết - Ngày đăng : 10:18, 27/11/2013
Ông thường ngồi ở một phần chiếc xích đu và phần kia là tôi ngồi. Chiếc gậy trong tay ông cầm run run - tôi vẫn cảm nhận được điều đó. Ngồi trên xích đu, tôi được nghe ông kể chuyện chiến trường, chuyện về những năm tháng đầy gian khổ và vất vả. Sau những năm đánh Pháp và đánh Mỹ, hòa bình trở về, ông chỉ còn một tay. Ông cũng bị mất cả mấy ngón chân nữa. Có một lần tôi ngô nghê hỏi ông:
- Những ngón chân và cánh tay trái của ông đã đi đâu mất rồi ạ?
- Chúng hy sinh, cháu à!
Tôi không hiểu. Tại sao những ngón chân và cánh tay lại biết hy sinh, chúng hy sinh thế nào được nhỉ? Ông nói, nó mất đi để các bộ phận khác được tồn tại. Ông còn kể rằng có rất nhiều người đã hy sinh cả bản thân để có được hòa bình, để không ai phải chết vì bom đạn, vì chiến tranh nữa.
*
- Tại sao chị lại tranh giành của em? - Giọng cái Linh (em gái tôi) nghe chua chát.
Tôi nói:
- Đây không phải của em, chị không tranh giành, chị chỉ lấy lại cái của chị thôi.
Đó là con búp bê anh An hàng xóm mua cho tôi đợt anh lên Hà Nội chơi. Tôi yêu con búp bê này vì chẳng những nó đáng yêu, ngộ nghĩnh mà nó còn là một kỷ niệm quan trọng đối với tôi. Bởi lẽ nó là món quà cuối cùng anh An tặng tôi trước khi anh theo gia đình ra nước ngoài sinh sống. Thế nhưng Linh cứ đòi. mẹ bảo tôi phải nhường con búp bê ấy cho em.
- Không đời nào - Tôi nói như hét.
- Con cho em, rồi khi nào bố lên Hà Nội sẽ mua con khác cho con. - Mẹ nài nỉ tôi.
Tôi lắc đầu:
- Mua con khác cũng chẳng bằng con này được đâu mẹ. Con này là kỷ niệm, con không muốn đánh mất đi kỷ niệm, anh An sẽ buồn lắm.
- Là chị, con phải nhường em chứ.
- Nhưng có những thứ không thể nhường được mẹ ạ!
Tôi giành lại con búp bê, ngồi đong đưa trên chiếc xích đu. Chắc Linh đang ghét tôi lắm vì tôi là chị mà không nhường đồ chơi cho nó. Nhưng con búp bê này đối với tôi là vô giá, bất cứ giá nào tôi cũng không để ai sở hữu nó.
Hình như ông buồn vì chuyện này - Tôi đoán thế - Nhưng ông không nói gì. Ông vẫn đi lom khom trong vòng sân. Có lẽ hình ảnh của ông sẽ là một ký ức đẹp trong thời niên thiếu, sẽ dệt nên chiều dài của kỷ niệm tuổi thơ trong tôi. Tôi luôn mong ông khỏe, khỏe để đi xa hơn khoảng sân ấy, để mãi sống hạnh phúc bên gia đình tôi.
*
Rồi một ngày, khi tôi đi học về thấy trong nhà có rất nhiều người. Tôi hoang mang, hụt hẫng, không thể tin nổi là ông đã mãi mãi ra đi, mãi mãi không bao giờ tồn tại trên thế gian này nữa. Sự hụt hẫng, tiếc thương ông đã khiến nước mắt tôi không ngừng rơi. Nước mắt làm lu mờ mọi thứ, chỉ hiện rõ hình ảnh ông chống gậy lom khom đi quanh vòng sân ngày nào. Tôi nhớ, ông đã từng nói với tôi: "Ông có mất đi thì cháu đừng buồn. Chỉ cần cháu tin là ông luôn ở trong tim cháu là được rồi". Vâng, ông mãi mãi ở trong tim cháu ông ạ! Và cháu cũng tin ở một nơi nào đó, ông vẫn luôn dõi theo cháu, ủng hộ và khích lệ cháu. Sự ra đi vĩnh viễn của ông đối với tôi cũng là một kỷ niệm, nhưng nó là kỷ niệm buồn, đầy nước mắt và sự xót thương.
*
Những con chữ cứ nhảy múa trước mắt tôi, những nét chữ run run thân thương khiến tôi trào nước mắt. Tôi nắm chặt mảnh giấy trong tay, lòng dâng lên nỗi ân hận, cắn rứt. Tôi đã không nghe lời ông dạy. Bài học về sự hy sinh còn đó mà ông thì đã mãi mãi xa...
NGUYỄN THỊ THÊU(Lớp 10 văn, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi)