Doanh nghiệp chung tay xây dựng nông thôn mới

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 06:05, 28/11/2013

Qua 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ta đã tích cực tham gia, góp phần quan trọng đổi mới nông thôn.



Công ty CP Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng Trạm cấp nước sạch
 xã Tân Việt (Thanh Hà), công suất 1.500m3/ngày đêm, cung cấp nước cho trên 2.000 hộ dân


Những công trình mới

Trước đây, đường trục chính dài hơn 3,2 km nối từ thôn Mộ Trạch đến đường 392 của xã Tân Hồng (Bình Giang) đã được bê-tông hóa nhưng chỉ rộng 3 m. Áp theo chuẩn xây dựng NTM thì không đạt về độ rộng, chiều dày. Những lần về Mộ Trạch tham dự ngày giỗ tổ Vũ Hồn (mùng 8 - tháng giêng), ông Võ Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng công ty Bến Thành - Mát-xcơ-va thấy con đường nhỏ, khó khăn cho việc đi lại. Với mong muốn làm đẹp làng quê và tạo điều kiện thuận lợi cho con cháu họ Vũ cũng như du khách, từ năm 2010 đến nay, Tổng công ty Bến Thành - Mát-xcơ-va đã ủng hộ địa phương 14,7 tỷ đồng để làm lại đường. Hiện nay, đường đã làm được 70%, dự kiến đến hết tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành. Đường mới rộng 10 m, dày 20 cm, 2 bên đường có vỉa hè rộng 1,5 m và được trồng cau vua. Tổng công ty Bến Thành - Mát-xcơ-va thường xuyên cử cán bộ về giám sát thi công. Khi hoàn thành, đây sẽ là đường xã bằng bê-tông rộng nhất tỉnh.

Để đạt tiêu chí môi trường, một trong những chỉ tiêu các địa phương phải đạt được là tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt từ 90% trở lên. Nếu địa phương tự thực hiện thì sẽ rất khó. Những năm qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh nước sạch đã đầu tư trạm cấp nước và mở rộng hệ thống ống dẫn. Ông Phạm Hồng Căn, Trạm trưởng Trạm cấp nước sạch xã Lê Hồng (Thanh Miện) thuộc Công ty TNHH Nước sạch Hưng Đạo (Tứ Kỳ) cho biết: “Sau khi tìm hiểu nhu cầu của người dân địa phương, năm 2012, công ty quyết định xây dựng nhà máy nước tại xã Lê Hồng với công suất 700 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Hiện nay, chúng tôi đang mở rộng đường dẫn sang xã Hồng Quang, trong thời gian tới là xã Đoàn Kết và Cao Thắng. Mỗi xã chúng tôi đầu tư thêm khoảng 5 tỷ đồng nữa để lắp đường ống dẫn nước và đồng hồ. Đầu tư nước sạch nông thôn gặp nhiều khó khăn vì khoảng cách giữa các thôn, xã lớn, đường dẫn nước từ xã nọ sang xã kia dài, có thôn lắp đến 300-400 m đường ống nhưng chỉ có 1-2 gia đình đăng ký sử dụng nên công suất tiêu thụ thấp, dẫn đến thu hồi vốn chậm. Tuy nhiên, xác định việc đầu tư nước sạch là góp phần cùng địa phương thực hiện xây dựng NTM nên doanh nghiệp vẫn mở rộng mạng lưới”.

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng vốn đầu tư cho NTM trên địa bàn tỉnh đạt gần 10 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp 278 tỷ đồng. Các nguồn vốn trên chủ yếu đều từ xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống nước sạch, trạm y tế, trường học, đường giao thông... Một số huyện có nguồn đầu tư, hỗ trợ của doanh nghiệp lớn như Gia Lộc (gần 98,6  tỷ đồng), TP Hải Dương (65 tỷ đồng), Kinh Môn (40,9 tỷ đồng).

Cùng địa phương tháo gỡ khó khăn

Đồng chí Nguyễn Đức Diến, Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa (Kim Thành) cho biết: “Trạm Y tế cũ của xã được xây dựng từ lâu, sân vườn đều thấp, khi có mưa là đọng nước, gây khó khăn cho việc đi lại của cán bộ, công nhân viên và người dân đến khám, chữa bệnh. Đây còn là chốt cấp cứu các vụ tai nạn giao thông đường 5. Do cơ sở vật chất nghèo nàn nên chưa đáp ứng được yêu cầu. Nếu để địa phương bỏ tiền ra xây dựng trạm xá thì rất khó do thu nhập của người dân thấp, xã không có nguồn thu. Với sự giúp đỡ của  Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trạm xá mới được xây dựng với tổng kinh phí 3 tỷ đồng, gồm 2 tầng, 18 phòng, trong đó có nhiều phòng chức năng. Nhờ vậy, xã Cộng Hòa đã cơ bản đáp ứng được tiêu chí về y tế”.


Một đoạn đường mới ở xã Tân Hồng (Bình Giang) do Tổng công ty Bến Thành - Mát-xcơ-va
tài trợ đã được hoàn thành



Đánh giá về sự hỗ trợ của doanh nghiệp đối với việc xây dựng NTM ở địa phương, đồng chí Dương Hữu Nội, Chủ tịch UBND xã Tân Hồng (Bình Giang) cũng cho biết:  Việc Tổng công ty Bến Thành - Mát-xcơ-va hỗ trợ địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, vừa giúp xã tháo gỡ khó khăn về kinh phí vừa cổ vũ người dân đóng góp làm đường. Ngoài số tiền của doanh nghiệp, chúng tôi còn vận động được nhân dân trên 2,3 tỷ đồng, 116 hộ hiến 5.053 m2 đất để hoàn thiện con đường. Nhân dân thôn Trạch Xá đã đóng góp 150 nghìn đồng/khẩu để làm 1 km đường trục chính thôn với độ rộng trung bình 7 m, có chỗ lên đến gần 10 m. Ngoài việc đóng góp theo quy định, người dân còn đóng góp được thêm 200 triệu đồng.

Các công trình mới được hoàn thành đã góp phần làm cho làng quê đổi thay, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên. Chị Lê Thị Liêm ở thôn Đông Bích, xã Hồng Quang (Thanh Miện) cho biết: “Cách đây 3 năm, khi xây nhà, tôi đã làm hệ thống ống dẫn và mua téc nước lắp trên nóc nhà. Nhưng từ đó đến nay, do chưa có nước máy nên gia đình tôi vẫn phải dùng nước giếng khoan và nước mưa. Tôi nghe nói, nước mưa hiện nay không sạch nhưng do không có nguồn nước nào khác nên vẫn phải dùng. Chính vì thế khi có nước máy, gia đình tôi đã bỏ 2,3 triệu đồng để được dùng nước sạch”.

Đánh giá về việc doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ địa phương xây dựng NTM, đồng chí Nguyễn Văn Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay thì việc doanh nghiệp hỗ trợ địa phương có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Trong thời gian tới, các địa phương cần đa dạng hóa hình thức vận động hơn nữa để có thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương.

THANH HÀ