Công bố 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất
Công nghiệp - Ngày đăng : 14:42, 29/11/2013
Sáng 29-11, Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), báo VietnamNet, tạp chí Thuế (Tổng cục Thuế) đã tổ chức lễ công bố Bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000).
Theo số liệu của ban tổ chức, trong bảng xếp hạng V1000 năm nay, với sức mạnh của mình, các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn giữ vững vai trò quan trọng trong việc nộp thuế. Cụ thể, tổng số thuế thu nhập DN của các DN V1000 năm 2013 khoảng 77.000 tỷ đồng, tăng hơn 42% so với năm trước.
Cùng quá trình tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty, theo thống kê này, các DNNN chiếm tới 52,6% tổng số thuế 1.000 DN nộp thuế lớn nhất VN nộp cho Nhà nước.
Theo Ban tổ chức, điều này chứng tỏ lợi nhuận kinh doanh của nhóm DNNN ở mức cao và hiệu quả hoạt động của các bộ máy "cồng kềnh" đang được cải thiện, phần lớn nhờ vào việc tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi và cắt giảm chi phí một cách hợp lý.
Bên cạnh đó, trong top 100 DN đứng đầu bảng xếp hạng năm nay có tới 42% DNNN. Chỉ số này gián tiếp cho thấy khu vực DNNN vẫn nắm giữ nguồn lực rất lớn…
Đặc biệt, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có ý thức ngày càng tốt hơn về nghĩa vụ nộp thuế. Cụ thể, trong tổng số thuế 1.000 DN đã đóng, khối DN FDI đã góp tới 24%. Tuy chưa phải là con số thật sự ấn tượng nhưng so với tỷ lệ 19,6% của năm trước đánh dấu một sự thay đổi tích cực của nhóm DN nước ngoài về ý thức đóng góp cho ngân sách VN.
Nếu xét riêng nhóm mới gia nhập bảng xếp hạng (khoảng 460 DN xuất hiện mới trong V1000 năm 2013) thì tỷ lệ DN nước ngoài chiếm tới hơn 45%, trong khi tỷ lệ tương ứng của nhóm DN tư nhân là 37,1% và DNNN 17,5%.
Phân tích thêm, Ban tổ chức cho biết nhóm ngân hàng - tài chính và viễn thông vẫn là hai ngành có đóng góp thuế thu nhập lớn nhất trong V1000 năm 2013. Tuy nhiên, đo lường khả năng sinh lời, ngành viễn thông và thực phẩm - đồ uống lại vượt trội hơn cả. Báo cáo cho thấy ngành viễn thông đang thu về gần 5 đồng lời trên mỗi 10 đồng vốn bỏ ra.
Tiếp nối theo đó là ngành thực phẩm - đồ uống thu được 0,37 đồng trên 10 đồng vốn bỏ ra.
Trong khi đó, ngành ngân hàng - tài chính có chỉ số lợi nhuận trên vốn thấp hơn 0,1. Điều này cho thấy quy mô nguồn vốn của ngành ngân hàng hiện vẫn đang rất lớn, trong khi lợi nhuận hoạt động lại không cao, do vậy yêu cầu tái cơ cấu nguồn vốn, giảm thiểu nợ xấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành này là vô cùng cấp thiết.
Đáng lưu ý là trong bảng xếp hạng, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán lại chỉ chiếm chưa tới 15%, với số thuế đóng góp tính trên tổng số thuế của 1.000 doanh nghiệp V1000 chỉ ở mức khiêm tốn 22%, mà phần đông vẫn là các DN thuộc ngành tài chính, ngân hàng, khoáng sản, xăng dầu.
Một vấn đề đáng cảnh báo nữa, theo ban tổ chức V1000, nếu xét trong toàn bảng V1000 năm 2013 thì có tới 53% số doanh nghiệp thuộc bảng có hệ số nợ/ tổng tài sản trên 50%, đồng nghĩa với việc phần lớn DN hiện nay vẫn phải dựa vào nguồn vốn vay để duy trì hoạt động, do đó mức độ rủi ro tài chính của các DN Việt Nam là khá cao.
Nhóm có hệ số nợ/ tổng tài sản cao có ngành thép, dệt may - da giày, xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng, khoáng sản, xăng dầu, điện (từ 50-65%). Các ngành có hệ số nợ/ tổng tài sản dưới 50% bao gồm: thủy sản, nông lâm nghiệp, viễn thông, hóa chất, thực phẩm - đồ uống, dược và thiết bị y tế, vận tải, bán lẻ, cơ khí và giấy - in ấn - xuất bản.
Biểu đồ: Tỷ trọng nộp thuế theo loại hình DN trong bảng xếp hạng V1000 năm 2013 - Nguồn: Vietnam Report |
CẦM VĂN KÌNH(Tuổi trẻ)