Từ tờ tin lên tờ báo
Tin tức - Ngày đăng : 08:05, 01/12/2013
Đã hơn năm chục năm trôi qua nhưng những ký ức về thời khắc lịch sử báo Hải Dương mới ra đời vẫn không phai mờ.
Nối tiếp truyền thống tờ Tin Hải Dương và báo Hải Dương mới, các ấn phẩm
của báo Hải Dương ngày càng phong phú, đa dạng
Những năm sau khi miền Bắc được giải phóng, cuộc sống thiếu thốn đủ bề. Bên cạnh cái khó về vật chất, còn có một cái thiếu đáng quan ngại - ấy là sự trống vắng về thông tin. Không ai được biết gì về thời sự diễn ra hằng ngày. Ở nông thôn, may là còn có tiếng loa cầm tay của anh cán bộ thông tin, phát vào lúc nhập nhoạng tối, từ một chạc cây nào đó...
Tờ Tin Hải Dương bấy giờ mới phát đến xã, to hơn tờ giấy A4 bây giờ một chút, chữ in kín hai mặt, có tin trong tỉnh, một số tin miền Bắc, có cả ít dòng về cuộc đấu tranh chống Mỹ - Diệm. Báo chí trung ương ít về tới xã. Không mấy người có máy thu thanh để bắt sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tờ tin của tỉnh lúc ấy quý lắm.
Tờ tin mấy lần thay đổi cơ quan quản lý, cuối cùng là Phòng Thông tin tỉnh Hải Dương, thực sự là tòa soạn tờ tin nằm trong Ban Tuyên huấn tỉnh, sử dụng ngân sách của chính quyền. Tờ tin đưa tin đều đặn về việc sửa sai trong cải cách ruộng đất, xây dựng tổ đổi công, khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất. Các số tin ra vào dịp lễ, Tết bài vở vui hơn. Số 346 (16-2-1957) có bài Tết năm nay vui lắm, như một bài phóng sự về không khí đón xuân. Người dân đều mong nông thôn tiến bộ. Đến bản tin số 397 (3-7-1957), ai cũng vui khi đọc tin tỉnh nhà đã có 5 HTX nông nghiệp đầu tiên là An Bài, Nhân Huệ (Chí Linh), Nam Đồng (Nam Sách), Cẩm Chế (Thanh Hà), Gia Tân (Gia Lộc). Lại qua tờ tin, thấy các gương nông dân sản xuất giỏi như ông Thế (Tứ Kỳ, sau này được phong là Anh hùng Lao động), ông Tọa (Nam Sách, sau là chiến sĩ thi đua toàn quốc), ông Dịch (Kim Thành)... Tin Hải Dương còn nêu bật mối tình kết nghĩa Hải Dương - Phú Yên, tin đấu tranh, vạch trần tội ác của Ngô Đình Diệm, tay sai đế quốc Mỹ. Những dòng tin ngắn gọn, sinh động nhưng náo nức lòng người.
Gian trưng bày của Báo Hải Dương tại Hội báo Xuân Quý Tỵ 2013 thu hút đông đảo người xem
Học xong lớp báo chí Trung ương, đầu năm 1960, tôi về công tác ở Tin Hải Dương. Được các anh đi trước dìu dắt và khuyến khích, tôi được tham gia từng bước cải tiến tờ tin, đồng thời chuẩn bị đề án xây dựng tờ báo của tỉnh, một điều mà từ trước đến nay chưa từng đặt ra. Ngoài tin tức các mục, còn có ảnh, song ảnh bấy giờ làm kẽm nên ảnh rất mờ, đen, dù sao vẫn là có ảnh đi theo bài. Các tin thời sự quan trọng được phản ánh chi tiết, như tin đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thăm HTX Kỳ Sơn (Tứ Kỳ) trong số ra ngày 21-6-1961; tin bà Vát-xơ Ít-xtơ-van, Phó Chủ tịch Quốc hội Hung-ga-ri thăm Vũ La (Nam Sách) trong tờ tin 14-10-1961... Các chiến dịch sản xuất, thi đua với Đại Phong (Quảng Bình), làm thủy lợi, phòng, chống hạn, chống úng được tuyên truyền khá nổi bật. Lại có đủ các tin tức kinh tế - xã hội khác, các bài ca dao, câu chuyện cảnh giác khá toàn diện và hấp dẫn. Gặp các thông tín viên tích cực như anh Phạm Xuân Lánh ở Đoàn Thượng (Gia Lộc), Ngô Tựa ở Nghĩa An (Ninh Giang), các anh nói: Bản tin có tiến bộ, nhưng còn "khô" lắm, như "cái áo chật" nên kém hấp dẫn (!) Các anh có biết đâu, chính giữa lúc ấy thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có một quyết định quan trọng: nâng tờ tin lên thành tờ báo, lấy tên là báo Hải Dương mới. Toàn văn nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được đăng trên trang đầu bản tin. Và trên các số Tin Hải Dương cuối cùng (ra 10 và 14-11-1961), Ban Biên tập đã có thư gửi cán bộ, đảng viên, cộng tác viên, thông tín viên và nhân dân toàn tỉnh. Nội dung nói rõ nhiệm vụ của tờ báo Hải Dương mới:
"Báo Hải Dương mới, cơ quan của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Hải Dương, phổ biến chủ trương, hướng dẫn công tác của Tỉnh Đảng bộ; phản ánh tin tức, tình hình hoạt động mọi mặt của nhân dân trong tỉnh; trao đổi kinh nghiệm công tác và sản xuất. Nội dung báo phong phú, thiết thực, với các thể tài sinh động, khổ 4 trang, to gấp đôi tờ Tin Hải Dương cũ. Báo ra 5 ngày 1 kỳ vào các ngày 1, 6, 11, 16, 21 và 26 hằng tháng. Số đầu tiên ra ngày 1-12-1961. Giá bán 3 xu một tờ. Đặt mua trước tại các trạm bưu chính xã, phòng bưu điện huyện và Ty Bưu điện Hải Dương".
Đúng ngày 1-12-1961, cũng là ngày mở đầu chiến dịch sản xuất đông xuân của toàn tỉnh, báo Hải Dương mới số 1 ra mắt bạn đọc. Báo có nhiều chuyên mục. Ngoài tin tức, các bài phản ánh, còn có cụm tin vắn Đó đây... trong tỉnh. Có các mục Bạn cần biết, Thơ ca, Tiếng nói bạn đọc rất được độc giả hưởng ứng và cộng tác. Đặc biệt, mục luận bàn thế sự trong tỉnh có nhan đề Nói mà nghe. Bài đầu tiên trong mục này có nhan đề Bỏ cái dở học cái hay. Suy cho cùng, cho đến nay, đó vẫn là vấn đề thời sự: phải chống cái xấu, cái tiêu cực, mà xây dựng cái tốt, cái tích cực... Báo Hải Dương ngày nay vẫn duy trì mục Nói mà nghe. Rõ ràng đây là một cách tiếp nối và phát triển truyền thống của một tờ báo Đảng địa phương có bề dày hơn nửa thế kỷ. Báo Hải Dương luôn luôn làm tốt nhiệm vụ là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, được bạn đọc xa gần tin yêu, mến mộ. Đó thực sự là một phần thưởng lớn đối với những người làm báo hôm nay.
NGUYỄN HỮU PHÁCH