"Nắng Nghi Sơn" - thơ trong ký

Tác giả - Tác phẩm - Ngày đăng : 10:29, 03/12/2013

"Nắng Nghi Sơn" Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 2013 là tập bút ký thứ 6 của Lê Đình Cánh - nhà thơ có "thương hiệu" về lục bát, được nhiều thế hệ bạn đọc mến mộ. Sách dày 216 trang, gồm 25 bút ký và tản văn.

Chỉ nhìn vào số lượng đầu sách Lê Đình Cánh đã xuất bản và năm in đã thấy ông là người viết nhiều, viết nhanh và bám sát đời sống xã hội.


Ở "Nắng Nghi Sơn" ngòi bút ông hướng đến những người lao động với bản chất tốt đẹp, với lòng yêu quê hương đất nước và tinh thần xả thân trong lao động. Đó là những nông dân trồng hoa giỏi, những công nhân ngày đêm bám máy, những kỹ sư không ngại mưa to gió lớn, đường sá sình lầy quyết tâm hợp long thành công cầu Thanh Trì trong mưa bão (Mưa hợp long). Đó là thanh niên đường sắt Sài Gòn bằng tình yêu và ý chí đã biến những cung đường, các ga Rừng Lá heo hút âm u, người bụng báng da vàng vì sốt rét năm xưa thành những cung đường, những ga mới với trụ sở khang trang, nội thất sang trọng, đường sá tấp nập như các thị trấn trung du. Họ là một thế hệ mới của hoa mai Rừng Lá, sống trên đá khát cát cằn, tươi trẻ sắc vàng, năng động hương thơm (Hoa mai Rừng Lá). Họ cũng là những giám đốc, bí thư đảng ủy, thợ lò… khi vui vui đến hết mình như các cầu thủ, ca sĩ thực thụ khi lao động cũng hết mình dưới những hầm lò sâu - 225 m so với mực nước biển để lấy lên những hòn than cho Tổ quốc (Thầm lặng Khe Chàm). Đó là Đặng Thị Em 17 năm gắn bó với trời với biển, với đất đá nắng mưa và những thanh tà vẹt trên đỉnh đèo Hải Vân. Chị là nữ công nhân duy tu duy nhất của Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng. Ở Hoa anh đào nở muộn, Thông xanh lại là câu chuyện về một trường đại học mới mở cho lớp trí thức trẻ, trong đó có các trí thức các dân tộc học tập góp phần làm giàu Đà Lạt, Lâm Đồng, làm giàu Tây Nguyên.

Các bút ký của nhà thơ Lê Đình Cánh thường ngắn, chỉ hai, ba nghìn chữ. Văn ông khi nhẹ nhàng, tinh tế, khi tưng tửng ý vị, khi lại ngậm ngùi một nỗi buồn kín đáo. Là người yêu thiên nhiên, hiểu biết thiên nhiên và với quan sát tinh tế, những đoạn văn ông tả về thiên nhiên và tình yêu thiên nhiên bao giờ cũng đẹp, giàu chất thơ, có chiều sâu riêng và nhiều sáng tạo.

Vị ngọt ngào đưa đẩy và nét riêng ở bút ký, tản văn ông còn nằm ở hồn vía những câu ca dao tục ngữ ông trích dẫn - nhiều khi rất bất ngờ -  ở những mạn đàm về phong thủy và cả những kiến giải về lịch sử. Những yếu tố đó đã làm nên sự hấp dẫn riêng và mang lại những hiệu quả thẩm mỹ cao.

"Nắng Nghi Sơn" bài bút ký được đặt tên cho toàn tập cũng là bài bút ký khép lại tập sách ông dành viết cho một khu kinh tế mới tại Thanh Hóa quê ông. "Từ ngày có điện, nơi đây như thể một mảnh Ngân Hà rơi xuống trần gian. Sao sáng trong ô cửa nhôm kính long lanh. Sao sáng bắc bậc lên cao theo ngõ xóm quanh co triền đá cổ. Sao sáng theo đường phố dọc theo bờ biển. Sao sáng song song chùm đôi theo băng chuyền từ nhà máy xi-măng Nghi Sơn ra cảng nước sâu". Bên cạnh chất thơ trong ký, bên cạnh sự phong phú và sâu sắc trong kiến thức còn là chất hóm hỉnh, tự trào, lộng ngôn rất riêng của Lê Đình Cánh.

"Nắng Nghi Sơn" không phải là tuyển tập bút ký nhưng những thành công ở "Nắng Nghi Sơn" là rất đáng ghi nhận của nhà thơ Lê Đình Cánh.

NGUYỄN TRÁC