Kết quả của những biện pháp tổng hợp

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 04:31, 09/12/2013

Sau hơn 2 năm qua, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở huyện Tứ Kỳ đã đạt được những kết quả rất khả quan.



Hiện nay ở xã Minh Đức có một số gia đình mở xưởng sản xuất mặt hàng giày da, may mặc...
 tạo việc làm cho lao động nông thôn


Chuyển dịch lao động

Từ năm 2011 đến nay, công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở huyện Tứ Kỳ được chú trọng. Toàn huyện đã mở 68 lớp dạy nghề cho 5.880 lao động nông thôn, đạt trên 94% kế hoạch. 2.380 lao động được học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 1.000 người được truyền nghề, 2.500 người được đào tạo nghề qua các doanh nghiệp. Đã có 75% số lao động được đào tạo nghề có việc làm.

Hiện nay, cơ cấu lao động trên địa bàn huyện Tứ Kỳ có sự chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và dịch vụ, được thể hiện lần lượt là: nông nghiệp 52%, công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp 33%, dịch vụ 15% (mục tiêu đề án: 60%-25%-15%). Tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày càng được nâng cao, từ  25% (năm 2010) lên 35% (năm 2013). Cũng hơn 2 năm qua, Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động các xã, thị trấn của huyện được kiện toàn, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia xuất khẩu lao động tại địa phương. Toàn huyện đã đưa hơn 600 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Cùng vào cuộc

Để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm mang lại hiệu quả, hầu hết các ngành, các địa phương ở huyện Tứ Kỳ đều tích cực, chủ động tìm ra các giải pháp sát với tình hình thực tế. Tiêu biểu như xã Minh Đức hằng năm đều chỉ đạo các đoàn thể, đặc biệt là các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tích cực phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hội viên. Một số chủ hộ đứng ra thành lập các cơ sở sản xuất hàng may mặc, giày dép, thêu ren, hàng thủ công mỹ nghệ... để tạo việc làm cho lao động nông nhàn. Hiện nay, toàn xã có 5.613 người trong độ tuổi lao động, trong đó có hơn 40% đã được đào tạo nghề.

Hằng năm, Hội Phụ nữ huyện đều phát động tới tất cả các hội cơ sở xây dựng và triển khai các mô hình dạy nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ. Bên cạnh đó, hội tích cực phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm 8-3 (Hội Phụ nữ tỉnh) mở các lớp dạy nghề miễn phí cho chị em. Trong 2 năm qua, bình quân mỗi năm, các cơ sở hội đã phối hợp mở được 20 lớp dạy nghề (mỗi lớp từ 25-70 lao động). Hầu hết lao động sau khi học nghề đều tìm được việc làm ổn định.


Nhiều phụ nữ xã Quang Trung tham gia lớp học nghề làm nơ hoa, có việc làm với mức
thu nhập từ 50-70 nghìn đồng/người/ngày


Bên cạnh việc dạy nghề cho học sinh, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề Tứ Kỳ luôn chú trọng việc đào tạo nghề cho người lao động. 3 năm qua, trung tâm đã mở được gần 20 lớp dạy nghề (mỗi lớp 30 người) cho những nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ xây dựng các dự án công nghiệp và những lao động tự do, với các nghề chủ yếu: điện, may, thêu. Có khoảng 60% số lao động sau khi học nghề được trung tâm giới thiệu việc làm.

Tuy nhiên, tính ổn định, bền vững trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở Tứ Kỳ chưa cao, định hướng giải quyết việc làm chưa rõ nét. Số lao động có tay nghề kỹ thuật cao không nhiều, chất lượng lao động còn thấp. Một số làng nghề đang dần mai một, không giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Công tác dạy nghề chưa gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu sử dụng. Một số chương trình dạy nghề còn mang tính hình thức, không thực tế, hiệu quả thấp. Nguồn vốn ưu đãi để giải quyết việc làm còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế gia đình và sản xuất, kinh doanh.

Thời gian tới, huyện Tứ Kỳ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền trong công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo ở địa phương gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các đơn vị chức năng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các lớp dạy nghề; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ phụ trách công tác dạy nghề, giải quyết việc làm ở cơ sở để công tác này thực sự có hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Huyện đẩy mạnh tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm; tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

TIẾN MẠNH