Nặng lòng với bệnh nhân phong
Việc tử tế - Ngày đăng : 05:06, 10/12/2013
Tại Bệnh viện Phong Chí Linh, có một nữ hộ lý đã hơn 20 năm gắn bó với những con người đau khổ vì bệnh tật và định kiến xã hội.
Hằng ngày, hộ lý Nguyễn Thị Vân lo cơm nước, thuốc thang, tắm giặt... cho bệnh nhân phong
Tình yêu là sự đồng cảm
Ở Bệnh viện Phong Chí Linh, chị Nguyễn Thị Vân là một trong những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân lâu năm nhất. Về làm việc tại đây từ khi mới 20 tuổi, đến nay chị Vân đã có 23 năm gắn bó với bệnh nhân phong. Làm y tá trong khoảng 10 năm, kinh nghiệm nhiều nhưng bằng cấp có hạn nên sau đó chị chuyển sang làm hộ lý cho đến tận bây giờ.
Tình yêu đối với bệnh nhân phong của hộ lý Vân bắt nguồn từ sự đồng cảm, bởi cha mẹ chị là người mang trong mình căn bệnh này. Chứng kiến cảnh những người thân yêu nhất đau đớn, vật lộn với sự tàn khốc của bệnh tật và định kiến xã hội nên chị thấu hiểu hơn ai hết nỗi niềm của bệnh nhân phong.
Cụ Nguyễn Ngọc Lương - một bệnh nhân ở Bệnh viện Phong Chí Linh nói về chị Vân rất trìu mến: “Vân làm việc tốt lắm! Nhiều việc bệnh nhân chúng tôi chưa nói hoặc ngại không dám nhờ, Vân đều hiểu ý và làm rất tận tình, chu đáo. Vân chăm sóc bệnh nhân chẳng khác nào chăm sóc người thân của mình”.
Đồng lương eo hẹp, cuộc sống khó khăn, song khi được hỏi điều gì đã níu giữ chị ở lại mảnh đất này, chị chỉ cười bảo: “Tôi ở lại đây trước hết là để có điều kiện chăm sóc cha mẹ. Những bệnh nhân ở đây là người cùng cảnh ngộ với cha mẹ tôi. Cho nên tôi chăm sóc họ cũng như chăm sóc người thân của mình. Chỉ có vậy thôi!”.
Chính mái ấm gia đình của hộ lý Vân cũng được xây dựng bằng sự đồng cảm. Là người hoàn toàn khỏe mạnh nhưng chị đã gắn bó cuộc đời mình với anh Tụng - một bệnh nhân phong. Được lãnh đạo bệnh viện cấp đất dựng nhà, họ cùng nhau vun vén, xây dựng mái ấm gia đình để phục vụ chính người thân và những người đồng cảnh ngộ. Hạnh phúc đã nở hoa trên mảnh đất vốn chỉ có sỏi đá và bệnh tật này.
Hết lòng vì bệnh nhân
Nhiều năm gắn bó với Bệnh viện Phong Chí Linh, hơn ai hết, chị Vân hiểu rõ về hoàn cảnh của từng người bệnh. Chị kể về những mảnh đời bất hạnh ấy với một nỗi niềm trăn trở. Chị bảo, ước muốn lớn nhất của mình là bệnh nhân phong được quan tâm nhiều hơn cả về vật chất và tinh thần.
Ông Thiều Quang Tiềm, Chủ tịch Hội đồng Bệnh nhân phong chia sẻ: “Hộ lý Vân cùng nhiều y, bác sĩ khác đã gắn bó với bệnh viện từ những ngày gian khổ, thiếu thốn. Đối với chúng tôi, những người chăm sóc bệnh nhân phong là những người đạo đức nhất!”.
Theo phân công của bệnh viện, mỗi tháng hộ lý Vân phải trực 5 ngày. Nhưng có tháng, số ngày trực của chị lên tới 15 ngày, bởi chị luôn sẵn sàng trực thay những đồng nghiệp nhà xa, bận bịu việc gia đình. Có những bệnh nhân phong bị bệnh tâm thần, nửa đêm thức giấc gào thét. Những lúc ấy, dù mưa gió hay giá rét, chị Vân đều có mặt để vỗ về, dỗ dành người bệnh, đồng thời canh chừng không để bệnh nhân đi lang thang.
Hằng ngày, chị cùng các hộ lý, y tá khác lo cơm nước, thuốc thang, tắm giặt... cho bệnh nhân. Công việc hết sức vất vả, bởi bệnh nhân phong ở đây hầu hết là người cao tuổi. Tuổi cao, sức yếu, có bệnh nhân bị bại liệt, mù lòa, lại mang trong mình di chứng nặng nề của bệnh tật nên họ hầu như không thể tự chăm sóc bản thân. Khi có ca bệnh nặng, chị Vân lại là người đưa bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên rồi ở lại chăm nom cho đến khi người nhà bệnh nhân đến. Có những bệnh nhân neo đơn, không nơi nương tựa, chị lặng lẽ thay thân nhân của họ làm tròn trách nhiệm. Chị kể về những lần vật vờ ngủ ghế đá, ăn cơm bụi túc trực ở bệnh viện với thái độ “như không”, như thể sự vất vả ấy đã trở thành một phần của cuộc sống. Khi tiếp xúc với hộ lý Vân, đọng lại trong tôi là nụ cười vô tư, nồng hậu như chưa bao giờ tắt trên môi chị.
Đối với bệnh nhân phong ở đây, gia đình chị Vân là người thân của họ. Không một tấm bằng ghi nhận nhưng tình yêu thương thầm lặng của hộ lý Nguyễn Thị Vân cùng các y, bác sĩ khác ở Bệnh viện Phong Chí Linh đã được ghi nhận ngay trong chính trái tim của những bệnh nhân phong.
LỤC KHÁNH CHI