Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Hải Dương khóa XV
Tin tức - Ngày đăng : 08:14, 17/12/2013
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thanh Quyến phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Thành Chung
Dự kỳ họp có các đồng chí: Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh; các đại biểu Quốc hội ứng cử trên địa bàn tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban xây dựng Đảng; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; 58 trong tổng số 61 đại biểu HĐND tỉnh.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Bùi Thanh Quyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nêu rõ: năm 2013, kinh - tế xã hội (KT-XH) tỉnh ta có nhiều khởi sắc. 12 trong số 13 chỉ tiêu phát triển KT-XH chính đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tăng trưởng kinh tế đạt 7,1%, vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 6.325 tỷ đồng, vượt 3% dự toán. Một số sản phẩm chủ lực của ngành sản xuất công nghiệp như ô-tô, điện thương phẩm, xi-măng, sắt thép, thức ăn chăn nuôi... có mức tiêu thụ khá; chỉ số hàng tồn kho giảm; hoạt động xuất, nhập khẩu đạt kết quả cao...
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Chung
Nêu bật tầm quan trọng của nhiệm vụ phát triển KT-XH trong năm tới, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thanh Quyến nhấn mạnh, năm 2014 là năm cần đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chính trị tạo đà phát triển cho năm 2015 và phấn đấu cho mục tiêu chung của kế hoạch 5 năm (2010-2015). Đồng chí đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh phát huy cao tinh thần trách nhiệm, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, từ kinh nghiệm thực tiễn ở ngành, địa phương, đơn vị mình, phân tích làm rõ những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2013; phân định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, tìm ra nguyên nhân, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành, đề ra được nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa trong phát triển KT-XH năm 2014. Lấy mục tiêu: “Tăng cường hỗ trợ thị trường, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; đổi mới cơ bản tác phong, lề lối làm việc; ưu tiên các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định xã hội và đời sống nhân dân” làm điểm nhấn quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2014...(Toàn văn phát biểu khai mạc của đồng chí Bùi Thanh Quyến).
Vượt thu ngân sách 3%
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2013, kế hoạch năm 2014.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển trình bày báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ
phát triển KT-XH năm 2013, kế hoạch năm 2014. Ảnh: Thành Chung
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình KT-XH cũng còn bộc lộ một số hạn chế. Sản xuất nông nghiệp ở mức thấp, chưa có nhiều vùng sản xuất quy mô lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm, niềm tin trong sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm. Sức mua trên thị trường thấp, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp chưa được cải thiện. Tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm, chất lượng lập quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới còn thấp. Tổng vốn đầu tư xã hội không đạt kế hoạch; chưa thu hút được nhiều dự án lớn, công nghệ hiện đại; tiến độ lấp đầy các khu công nghiệp chậm. Thu ngân sách chưa vững chắc, thu tiền sử dụng đất thấp. Chất lượng giáo dục ngoài công lập, giáo dục hướng nghiệp chưa cao; dạy thêm, học thêm và thu trái quy định vẫn còn tồn tại ở một số đơn vị. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao, tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng. Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Đời sống một bộ phận người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Cải cách thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu...
Năm 2014, tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 7 - 7,5%, tổng vốn đầu tư xã hội đạt 22.570 tỷ đồng, từ 1 - 2 xã đạt đủ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 38,5 triệu đồng, giảm 1% hộ nghèo....
Tiếp đó, HĐND tỉnh nghe Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2013 và kế hoạch phát triển kinh tế năm 2014; Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thẩm tra về tình hình văn hóa - xã hội năm 2013.
Chỉ khởi công những dự án mới thực sự cấp bách
Tiếp đó, đồng chí Nguyễn Dương Thái, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 và dự kiến kế hoạch năm 2014.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái trình bày báo cáo thực hiện
kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 và dự kiến kế hoạch năm 2014. Ảnh: Thành Chung
Tổng giá trị khối lượng thực hiện từ thời điểm khởi công đến ngày 31-12-2013 của các dự án trong kế hoạch vốn năm 2013 ước đạt 6.612 tỷ 751 triệu đồng, bằng 118,6% kế hoạch vốn đã giao (5.576 tỷ 994 triệu đồng). Trong đó, năm 2013 tổng giá trị khối lượng thực hiện đạt 1.870 tỷ 557 triệu đồng, bằng 105,5% kế hoạch vốn đã giao; hoàn thành và cơ bản hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng 33 dự án trong tổng số 76 dự án đầu tư chuyển tiếp và khởi công mới. Tính đến ngày 31-12-2013, nợ xây dựng cơ bản của các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 2.086 tỷ 527 triệu đồng; nợ vốn vay tín dụng ưu đãi đầu tư, vốn ứng trước khoảng 751 tỷ 512 triệu đồng.
Về kế hoạch thực hiện đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Dương Thái nhấn mạnh, vốn bố trí phải bảo đảm dự án nhóm B hoàn thành trong 5 năm, dự án nhóm C hoàn thành trong 3 năm và theo nguyên tắc bố trí đủ vốn cho dự án đã được phê duyệt quyết toán; tập trung ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp bách, dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển KT-XH của địa phương; dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng và dự án dự kiến hoàn thành năm 2014; hạn chế tối đa dự án khởi công mới. Dự án khởi công mới năm 2014 phải là dự án thực sự cấp bách, tổng số vốn giao cho dự án trong năm so với tổng mức đầu tư được duyệt phải bảo đảm tối thiểu bằng 20% đối với dự án nhóm B và 35% đối với dự án nhóm C...
Bảo đảm chi cho con người
Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Trọng Hưng báo cáo kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách năm 2013;
dự toán thu chi ngân sách năm 2014 và phương án phân bổ ngân sách tỉnh năm 2014. Ảnh: Thành Chung
Tổng chi ngân sách địa phương năm 2013 ước đạt 9.620 tỷ 499 triệu đồng, đạt 135% dự toán năm, chủ yếu tăng chi do tăng lương tối thiểu chung, các chế độ phụ cấp, chương trình mục tiêu ngân sách trung ương bổ sung và chuyển nguồn từ năm 2012 sang.
Năm 2014, dự kiến tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh là 6.798 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 5.460 tỷ đồng (trong đó thu tiền sử dụng đất 700 tỷ đồng), tăng 9% so với dự toán năm 2013, bằng 105% so với mức thực hiện năm 2013. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 1.338 tỷ đồng, tăng 9% so với dự toán 2013.
Trên cơ sở dự toán nguồn thu năm 2014, tổng chi ngân sách địa phương năm 2014 là 7.635.019 triệu đồng. Nguyên tắc phân bổ dự toán năm 2014 phải bảo đảm chi cho con người (gồm lương, phụ cấp... ); chế độ chính sách an sinh xã hội; ổn định định mức chi thường xuyên ngân sách địa phương; không bố trí nguồn để thực hiện chế độ chính sách mới đặc thù riêng của địa phương phát sinh trong năm 2014; giành 50% số giao tăng thu 5% thu nội địa để thực hiện cải cách tiền lương, 50% để dự kiến thực hiện các chế độ, nhiệm vụ đã có kế hoạch trong năm 2014.
Cử tri kiến nghị nhiều vấn đề bức xúc
Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thành Công báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 6,
HĐND tỉnh khóa XV. Ảnh: Thành Chung
Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, cử tri đề nghị cần tăng cường quản lý giá cả, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp khác giúp nông dân yên tâm sản xuất. Cử tri xã Tân Việt (Bình Giang) đề nghị sớm giải quyết việc hỗ trợ cho diện tích nuôi thủy sản của xã bị thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai từ năm 2010. Cử tri huyện Thanh Hà đề nghị tiếp tục có chính sách tăng cường hỗ trợ, xây dựng phương hướng phát triển cây vải thiều để giữ vững giá trị đặc sản Hải Dương, quảng bá thương hiệu. Cử tri xã Tân Dân (Chí Linh) đề nghị giảm diện tích quy định hỗ trợ vùng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tập trung vì hiện nay nhân dân khó tiếp cận được nguồn hỗ trợ của tỉnh đầu tư cho sản xuất nông nghiệp...
Lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng nhận được nhiều ý kiến của cử tri đề nghị tiếp tục tăng cường chính sách và nâng mức hỗ trợ kinh phí xây dựng đường giao thông nông thôn. Cử tri các huyện Cẩm Giàng, Tứ Kỳ, Ninh Giang tiếp tục phản ánh về tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông làm thiệt hại đất canh tác của nhân dân, ảnh hưởng đến hệ thống đê kè phòng, chống lũ, đề nghị cần có biện pháp tăng cường chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Cử tri xã Thái Học (Bình Giang) tiếp tục đề nghị tỉnh yêu cầu đơn vị thi công đường ô-tô cao tốc Hà Nội –Hải Phòng đền bù một số công trình sản xuất của xã bị hư hỏng do ảnh hưởng từ việc thi công đường. Cử tri xã Cộng Hòa (Kim Thành) đề nghị quan tâm đầu tư xây dựng cầu vượt qua quốc lộ 5 giúp nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn...
Về lĩnh vực tài nguyên, môi trường, cử tri huyện Kim Thành phản ánh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở huyện quá chậm, nhiều hộ dân chưa được cấp. Cử tri xã Ái Quốc (TP Hải Dương) đề nghị cho kiểm tra đề án sản xuất, kinh doanh của Công ty VINAMIT, tránh lãng phí đất đai. Cử tri các xã Hiệp Sơn (Kinh Môn), Cộng Hòa (Kim Thành) đề nghị xử lý nghiêm vấn đề ô nhiễm môi trường do khói bụi, mạt sắt, rác thải và tiếng ồn do các doanh nghiệp đóng trên địa bàn gây ra.
Trong lĩnh vực xã hội, cử tri một số huyện trong tỉnh đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, đặc biệt quan tâm bậc học mầm non; đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét việc dừng thu tiền dạy 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học khiến nhiều trường không có kinh phí chi trả cho giáo viên dạy buổi 2. Cử tri xã Gia Hòa (Gia Lộc) đề nghị quan tâm giải quyết việc làm cho thanh niên; có chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động và nâng mức phụ cấp cho cán bộ đài truyền thanh cơ sở.
Về chế độ chính sách, cử tri các xã Tân Việt (Bình Giang), Hiệp Lực (Ninh Giang) đề nghị tỉnh chỉ đạo việc hướng dẫn giải quyết chế độ chính sách cho bộ đội phục viên xuất ngũ có đủ 15 năm tham gia trong quân đội nhưng chưa đủ giấy tờ theo quy định và giải quyết sớm cho các trường hợp đã đủ hồ sơ. Cử tri xã Đoàn Kết (Thanh Miện) đề nghị sớm thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ...(Chi tiết tại đây).
Kỳ họp đã nghe Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lương Anh Tế thông báo kết quả tham gia xây dựng chính quyền năm 2013 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 của Ủy ban MMTQ tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lương Anh Tế thông báo kết quả tham gia xây dựng chính quyền năm 2013
và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2014. Ảnh: Thành Chung
Năm 2014, Ban Thường trực MTTQ cấp huyện, cấp tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức tốt Đại hội MTTQ cấp huyện, cấp tỉnh theo kế hoạch đã đề ra. Ban Thường trực MTTQ các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đề án "Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội giai đoạn 2011-2015" của Tỉnh ủy...
Buổi chiều, các đại biểu tiếp tục làm việc tại hội trường.
SỸ THẮNG