Ý kiến cử tri
Tin tức - Ngày đăng : 10:01, 20/12/2013
Cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân sẽ trách nhiệm hơn
Những năm qua, phường Chí Minh (Chí Linh) luôn thực hiện nghiêm việc bố trí cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Tuy nhiên, các cán bộ làm công tác này chưa có chế độ bồi dưỡng. Chỉ khi nào Ban hòa giải của phường tổ chức hòa giải, lúc đó mới được chi trả mức 25 nghìn đồng/ngày/người.
Qua theo dõi Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XV, chúng tôi thấy HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về việc quy định cụ thể chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo từng cấp với từng mức bồi dưỡng khác nhau, trong đó đối với cán bộ, công chức tiếp công dân tại trụ sở UBND cấp xã sẽ được hưởng mức 60 nghìn đồng/người/ ngày. Việc quy định cụ thể mức chế độ bồi dưỡng và thời gian thực hiện từ năm 2014 thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân nói chung và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân cấp xã nói riêng. Khi thực hiện chế độ bồi dưỡng này, tôi tin sẽ khuyến khích cán bộ, công chức được giao làm công tác tiếp dân có trách nhiệm hơn trong
NGUYỄN VĂN NHI (Chủ tịch UBND phường Chí Minh, Chí Linh)
Nâng phụ cấp để khuyến khích người trẻ tuổi tham gia công tác xã hội tại địa phương
Tôi được biết Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XV vừa thông qua việc điều chỉnh mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách tại các tổ chức chính trị, xã hội ở xã, thôn, khu dân cư. Mức tăng phụ cấp chung là 0,1 của mức lương tối thiểu. Tuy chưa phải là cao song chúng tôi hiểu rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, đây là cố gắng lớn của tỉnh, thể hiện sự quan tâm đối với những người hoạt động không chuyên trách, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ xã, thôn, khu dân cư. Tuy nhiên từ thực tiễn công việc, tôi cho rằng, cùng với việc nâng mức phụ cấp, tới đây UBND tỉnh nên tiếp tục nghiên cứu, trình HĐND tỉnh việc điều chỉnh quy mô các thôn, khu dân cư cho phù hợp. Hiện nay mức chênh lệch phụ cấp cho trưởng thôn, khu dân cư loại 1 với loại 2, loại 3 không nhiều, chưa đáp ứng được công sức làm việc của cán bộ ở từng loại thôn. Về lâu dài, chúng tôi mong rằng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách của tỉnh tiếp tục được quan tâm nâng cao để họ yên tâm công tác, nhiệt tình với việc làng, việc phố, đặc biệt sẽ khuyến khích được những người trẻ tuổi, có trình độ tham gia công tác xã hội tại địa phương.
PHÙNG XUÂN ÂN (Trưởng khu dân cư số 12, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương)
Điều chỉnh kịp thời mức thu phí bảo trì đường bộ đối với xe mô-tô
Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XV vừa thông qua Nghị quyết quy định về mức thu, tỷ lệ điều tiết nguồn thu phí sử dụng theo đầu phương tiện đối với xe mô-tô trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết lần này đã điều chỉnh giảm mức thu theo đầu phương tiện, cụ thể xe mô-tô có dung tích xi lanh đến 100 cm3 từ 70 nghìn đồng/xe/năm xuống còn 50 nghìn đồng/xe/năm; xe mô-tô có dung tích xi lanh trên 100 cm3 từ 120 nghìn đồng/xe/năm xuống còn 100 nghìn đồng/xe/năm. Việc điều chỉnh này phù hợp với mặt bằng chung với mức thu của một số tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giảm mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô-tô trên địa bàn tỉnh sẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân. Việc nộp phí sử dụng đường bộ là chính sách đúng nhằm tạo nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo trì và nâng cấp các công trình giao thông, qua đó góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Tuy nhiên, vấn đề thu, chi phải minh bạch, rạch ròi và có chứng từ cụ thể, nhất là từ cơ sở. Là cơ quan được giao nhiệm vụ thu phí, UBND xã, phường, thị trấn khi chỉ đạo thôn, khu dân cư hướng dẫn chủ phương tiện kê khai, nộp phí trên địa bàn cần phải quán triệt triển khai thực hiện một cách trung thực, khách quan. Ngoài ra theo tôi, UBND tỉnh cũng cần quy định chế độ miễn, giảm thu phí bảo trì đường bộ đối với hộ nghèo, mô-tô chuyên dùng của người khuyết tật...
VŨ TỚI (Khu 7, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương)