Danh thắng đền Quát - Điểm đến hấp dẫn

Di tích - Ngày đăng : 08:17, 24/12/2013

Đền Quát ở thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc), nơi thờ danh tướng thủy quân thời Trần là Yết Kiêu (Phạm Hữu Thế).




Đền Quát thờ danh tướng Yết Kiêu thời Trần


Đền nằm giữa một vùng sông nước hữu tình, mang giá trị văn hóa, lịch sử, danh thắng, hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn.

Đậm giá trị dân gian

Đền Quát với thiết kế truyền thống độc đáo, uy nghi tọa lạc trên khu đất rộng nhìn ra sông Đình Đào. Ngày rằm, trong đền có nhiều du khách tới thắp hương làm lễ. Anh Phạm Văn Dân ở xã Liên Hồng (Gia Lộc) cho biết: “Đền có ý nghĩa tâm linh quan trọng với nhân dân trong vùng. Gia đình tôi tuần rằm, mồng một nào cũng tới lễ ngài cầu may”.  Hẳn không ai lạ lẫm với truyền thuyết người anh hùng Yết Kiêu có tài bơi lội. Giặc Nguyên Mông sang cướp nước, ông mang theo chiếc dùi đêm đêm lặn sông đục thuyền giặc khiến hàng chục chiến thuyền bị đắm. Một lần bị giặc bắt, hỏi: "Nước Nam có bao nhiêu người tài như ngươi?", ông đáp: "Nước tôi nhân tài như sao trên trời, chỉ tôi hèn kém nhất nên mới bị bắt". Rồi lừa quân giặc sơ ý, ông nhảy xuống nước lặn mất.

Chỉ pho tượng phỗng đá quỳ ở trung từ, ông Phạm Quang Nhẫn, thủ nhang đền Quát cho biết: Pho tượng đá cổ này là đô Châu, người đã bại dưới tay ngài. Khi giặc Mông sang xâm lược năm 1258, ông Phạm Hữu Thế được tuyển vào thủy quân. Triều đình mở hội vật ở Vạn Kiếp để tuyển người tài. Đô Châu liên tiếp vô địch, không ai dám thách đấu. Bỗng từ dưới hàng quân vang lên tiếng reo, ông Phạm Hữu Thế đi lên võ đài. Đô Châu cười khẩy lao vào định quật cho chết, ai ngờ lại bị ông nhấc bổng lên và cho lấm lưng. Đô Châu liền quỳ phục trước người lính trẻ có tài. Sau hội thi, ngài được Trần Hưng Đạo nhận làm gia nô, đặt tên Yết Kiêu (tên loài cá lớn).

Ở trung từ đền còn có tượng trâu trắng và câu đối cổ “Nhập thủy như bình địa” (đi lại dưới nước như đi trên đất liền) gắn với truyền thuyết về tài bơi lội của Yết Kiêu. Sinh ra trong một gia đình nghèo, cha mất sớm, từ nhỏ, ông đã lăn lộn trên sông nước mò cua bắt ốc nuôi mẹ. Ông có sức khỏe và dũng cảm lạ thường. Một hôm, thấy hai con trâu trắng húc nhau trên bãi sông, ông dùng đòn gánh phang, cả hai con trâu chạy biến xuống nước. Ông trở lại gánh nước thấy hào quang ở đầu đòn gánh. Sờ thử thấy hai chiếc lông trâu trắng dính ở đó, liền nuốt lấy. Từ đó ông bơi lặn giỏi, đi lại dưới nước như đi trên đất liền.

Tượng cáo thần gắn với chuyện một lần ông đục thuyền bị giặc phát hiện bủa vây. Ông nhanh trí lặn vào một cái hang trong đám lau sậy. Giặc vây và thuốn hang, có con cáo trong hang chạy ra, giặc thấy vậy bỏ đi, ông thoát nạn.

Điểm nhấn của đền Quát là lễ hội dân gian với những nghi lễ, trò chơi hội đặc sắc. Ông Phạm Quang Nhẫn cho biết: Sau khi đất nước khải hoàn, nhà vua tổ chức ban thưởng. Yết Kiêu xin nhà vua cho dân làm nghề chài lưới được 3 thước đất hai bên bờ sông để phơi lưới không phải nộp thuế. Nhớ ơn, ông được dân chài lưới tôn làm tổ nghề. Hằng năm, dịp lễ hội ngày 10- 20 tháng giêng, dân chài khắp nơi tìm về cúng tế. Lễ hội độc đáo với các nghi lễ truyền thống như rước thủy, rước bộ, mộc dục, thi cỗ đơm. Trò hội có tổ tôm điếm, đập niêu, đi cầu thùm…

Đặc sản của lễ hội đền Quát là bơi chải. Tục thi bơi chải có từ khi xây dựng đền, gắn liền với việc tôn vinh danh tướng Yết Kiêu và nghề nghiệp của người dân Hạ Bì. Ngày bơi chải, nhân dân thập phương kéo về đông vui, nhộn nhịp. Tiếng trống, chiêng giục giã. Đội bơi có 15 người gồm 12 tay bơi chính, 1 người cầm lái, 1 cầm mõ và 1 người phất cờ là các thanh niên khỏe mạnh tuyển từ các hà chài. Tư thế sẵn sàng, sau tiếng trống lệnh các thuyền cùng xuất phát. Khi bơi người cầm cờ đứng giữa sàn thuyền để điều hành, hai tay phất cờ chéo nhau tạo khí thế. Người cầm mõ ngồi phía đuôi thuyền gõ đều theo nhịp chải. Được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, các tay bơi hăng hái chải đẩy con thuyền rẽ sóng lao về phía trước. Hai bên bờ, nhân dân hò reo tán thưởng.

Từ năm 1976 lễ hội chuyển sang mùa thu, tổ chức vào 14 đến 16 - 8 âm lịch để hưởng ứng lễ hội truyền thống Kiếp Bạc tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Tại lễ hội, một số nội dung tế lễ được rút ngắn, song hội thi bơi chải vẫn được duy trì. Bơi chải trở thành đặc trưng của lễ hội đền Quát, thế mạnh của xã Yết Kiêu và tỉnh ta trong các kỳ thi đấu vùng miền và toàn quốc.

Chưa nhiều du khách tìm đến

Được xây dựng từ thời Trần, đến thời Nguyễn, đền Quát được mở rộng với 7 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Trong kháng chiến chống Pháp, đền bị đốt cháy, chỉ còn lại 3 gian hậu cung. Từ năm 1973 trở lại đây, nhân dân địa phương, du khách thập phương đã góp công, của xây dựng lại 5 gian tiền tế, 3 gian trung từ, 3 gian hậu cung. Năm 1988, danh thắng đền Quát được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Để khẳng định công lao, vị thế của vị tướng tài ba với lịch sử dân tộc, đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của nhân địa phương, du khách, năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND tỉnh tiến hành dự án trùng tu toàn diện đền Quát với kinh phí dự toán hơn 31 tỷ đồng. Sau 5 năm, đến nay khuôn viên di tích rộng 4 ha, tường bao, kè Lạch Xanh, Lạch Đỏ, kè bờ sông, cầu đá bắc qua Lạch Đỏ, đường vào đền cổng phía bắc với kinh phí đầu tư 8,5 tỷ đồng đã hoàn tất. Năm 2011-2013, di tích tiếp tục được tu bổ 5 gian trung từ mặt bằng chữ đinh, 3 gian hậu cung với số tiền 13 tỷ đồng. Tới đây các hạng mục tiền tế, dải vũ, nghi môn và đường vào di tích sẽ tiếp tục được tu bổ mở rộng. 

Hằng năm, nhân dân địa phương đến với đền Quát khá đông nhưng lượng khách du lịch còn hạn chế. Ông Vũ Xuân Chiến, thành viên Ban Quản lý di tích đền Quát cho biết: “Tuần rằm, mùng một chủ yếu là người trong làng và trong huyện về thắp hương, cúng tế. Còn dịp đầu xuân và hội tháng tám là khách khắp các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ tìm về với di tích bằng cả hai đường thủy, bộ. Ngày ít vài trăm người, ngày đông lên đến vài nghìn lượt người. Còn về khách du lịch mỗi năm chỉ vài chục đoàn”.
Ông Phạm Văn Khoa, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lộc cho biết: “Danh thắng đền Quát là một trong những di tích lớn được xếp hạng cấp quốc gia của huyện Gia Lộc. Hằng năm cứ dịp rằm tháng giêng và rằm tháng 8, nhân dân địa phương, du khách thập phương về dự hội rất đông. Tuy nhiên tiềm năng du lịch của di tích đang bị bỏ ngỏ. Đến nay chưa có "tua" du lịch nào được tổ chức đến địa điểm này”.

Công tác giữ gìn các giá trị văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng tại danh thắng đền Quát đã được ngành văn hóa và người dân làm tốt. Để phát huy tiềm năng du lịch của danh thắng này, phải hoàn thiện cơ sở vật chất, quảng bá, giới thiệu hình ảnh danh thắng ra bên ngoài.

NGỌC HÙNG