Nhiều hành vi không đẹp
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 05:56, 26/12/2013
Sống xa nhà, không chịu sự quản thúc của gia đình, nhiều công nhân đi ở trọ đã có những việc làm “không đẹp” làm mất niềm tin của chủ nhà...
Nhiều nam công nhân đi ở trọ thường tổ chức ăn uống, mở loa đài to, thậm chí dẫn đến say bia, rượu
gây xích mích, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh (ảnh mang tính minh họa)
Mấy tối nay, cứ ăn cơm xong là bà Nguyễn Thị Khanh ở khu 4, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) lại phải đứng canh chừng không cho mấy công nhân ở trọ bên nhà hàng xóm mang rác ra ngõ vứt. Bà Khanh cho biết: "Nếu họ có ý buộc gọn gàng rồi để dồn thành một đống thì không sao, nhưng đằng này mạnh ai nấy vứt, đủ mọi loại rác. Đã thế, đêm đến, cả đàn chuột ra đục khoét, chúng lôi rác tràn ra ngõ, thậm chí tha cả vào nhà xung quanh, vừa mất vệ sinh, vừa khiến mọi người khó chịu". Bà Khanh còn cho biết thêm, ở xóm này chủ yếu là công nhân của các công ty: TNHH Samil Hà Nội, May Trấn An, Minh Long đến trọ. Phần lớn là công nhân nữ nhưng ý thức giữ gìn vệ sinh chung rất kém, thay vì bỏ rác ra buổi tối, họ có thể để đến khi trời sáng mới mang ra vứt. Mọi người đã nhắc nhở nhiều lần nhưng “đâu lại hoàn đấy”. Cực chẳng đã nên giữa trời rét mướt thế này, bà Khanh mới phải ra đứng canh...
Không chỉ có chuyện vứt rác bừa bãi mà trong cái ngõ nhỏ có khoảng 30 phòng trọ, hầu hết cho công nhân thuê này còn có nhiều câu chuyện khiến chủ nhà “mất lòng”. Chỉ căn phòng trọ cửa quay ra ngõ ngay cạnh chỗ chúng tôi đứng, bà Khanh cho biết thêm, hôm trước có một nam công nhân nghe đâu làm ở Công ty TNHH Rosviet đến thuê. Cứ đi làm thì thôi chứ về đến nhà, anh ta lại mở nhạc hết công suất, khiến cả xóm khó chịu. Có những buổi tối đi chơi về đến nhà khoảng 11 giờ đêm, anh ta cũng mở. Mấy gia đình có con bé đã nhiều lần sang nhắc nhở nhưng anh này chỉ vặn bé lúc ấy, sau lại mở to lên. Dù chưa hết tháng, nhưng chủ nhà đành phải trả lại tiền để anh công nhân này đi thuê chỗ khác cho... yên. Phía dãy trọ đối diện có khoảng 10 phòng. Chủ nhà không ở cùng nên không quản lý được. Vì vậy mới xảy ra chuyện dù còn nợ tiền nhà nhưng người trọ đã “cao chạy xa bay”. Để hiểu kỹ hơn, chúng tôi đến gặp và được bà Hoàng Thị Hường, chủ dãy trọ cho biết: “Trước tôi cho 2 bạn nữ thuê nhà. Tôi không kiểm tra thẻ, chỉ biết các bạn ấy bảo là đang làm công nhân may. Hằng ngày tôi ghé qua đều thấy họ đi làm. Tiền nhà tháng nào họ cũng trả hết tháng ấy. Sau một thời gian, tạo được tình cảm và lòng tin, viện lý do công ty ít việc, họ đã nợ tôi tiền nhà 2 tháng liền. Sau đấy, giữa đêm họ dọn đi mất. Tôi cũng chẳng biết họ làm ở công ty nào để đến đòi”.
Tương tự, nhà bà Trần Thị Đức ở phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) có 8 phòng trọ cho thuê. Trước đây, công nhân đến thuê nhà dù là nam hay nữ bà Đức đều đồng ý. Mấy lần bà cho công nhân nam thuê, họ tụ tập ăn uống nhậu nhẹt đến tận đêm khuya, thậm chí say rượu, bia dẫn đến ẩu đả. Nhiều khi đi đêm về muộn, họ cũng không có ý tứ mà rồ ga xe máy làm mọi người mất ngủ. Vậy là dù có thời gian phòng để trống nhưng bà Đức nhất định không cho công nhân nam thuê nữa. Cũng bức xúc về việc công nhân đến ở trọ, ông Lê Xuân Anh ở thôn Độc Lập, xã Ái Quốc (TP Hải Dương) cho biết: “Một lần tôi cho anh H. làm công nhân trong khu công nghiệp Nam Sách thuê nhà. Đến trọ được 5 tháng thì 3 tháng anh ta chậm tiền nhà, 2 tháng gần đây xin khất nợ. Hôm trước có mấy người đến tìm, tôi mới vỡ lẽ anh này vì ham chơi lô, đề nợ đến hàng chục triệu đồng nên phải trốn. Kiểm tra phòng anh ta thấy chẳng còn đồ đạc gì giá trị, vậy là tôi biết mình mất toi gần 1 triệu đồng”.
Cần loại bỏ
Tuy không phải là phổ biến bởi hầu hết công nhân đều muốn “an cư lạc nghiệp” nhưng vẫn có một số người có những hành vi không đẹp khi đi ở trọ. Nguyên nhân thì nhiều nhưng phần lớn là vì lợi ích cá nhân và thiếu trách nhiệm với mọi người xung quanh.
Thực tế, việc công nhân ý thức kém rất ít khi được phản ánh bởi hầu hết các chủ nhà trọ ngoài tự xử lý không còn biện pháp nào khác. Họ không thể nhờ chính quyền can thiệp vì những mâu thuẫn nhỏ ấy hoặc có thì việc xử lý cũng rất khó. Tuy nhiên, việc chủ nhà trọ “tự xử” đã gây thiệt thòi cho những công nhân sống có trách nhiệm. Cụ thể là trường hợp nhà bà Đức đã không cho nam công nhân đến thuê nhà. Thay vì có thể về lúc nào tùy ý, nhiều chủ nhà trọ hạn chế giờ về muộn nhất đối với những công nhân không phải làm ca đêm khoảng 21-22 giờ; phải nộp tiền đặt cọc trước một tháng mới được thuê và tiền nhà phải thanh toán vào đầu tháng. Một thiệt thòi nữa là họ đã khiến chủ nhà trọ và người dân địa phương mất niềm tin vào công nhân đi thuê trọ. Trong trường hợp khó khăn về công việc hoặc công ty chậm lương, công nhân không được chủ nhà thông cảm. Đồng thời những hành vi không đẹp của một bộ phận công nhân cũng làm ảnh hưởng đến việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Để hạn chế tình trạnh này, khu dân cư 11, phường Bình Hàn (TP Hải Dương) đã tăng cường quản lý và phối hợp với doanh nghiệp. Ông Bùi Văn Lân, Trưởng khu dân cư 11 cho biết: “Hiện toàn phường có hơn 1.000 người thuê trọ. Trước đây cũng có một vài phản ánh về việc một số công nhân đến thuê trọ có ý thức kém. Sau đó, chúng tôi siết chặt việc quản lý tạm trú, tạm vắng, công nhân phải xuất trình thẻ công nhân nơi làm việc. Đồng thời, khu phố xây dựng mối quan hệ gắn bó với các công ty trên địa bàn để quản lý người lao động trong và sau giờ làm việc. Tổ bảo vệ dân phố phối hợp với tổ bảo vệ của công ty thường xuyên tuần tra, nhắc nhở những trường hợp công nhân thuê trọ có ý thức kém như: mở loa đài quá to, gây xích mích, đi xe máy rồ ga giữa đêm... Khu còn xây dựng lực lượng “đặc tình” trong khu dân cư gồm những người thường xuyên ở nhà có điều kiện quan sát, khi thấy sự việc bất thường trong các dãy nhà trọ thì kịp thời báo cho tổ bảo vệ dân phố”. Theo ông Lân, với cách làm trên, tình hình an ninh trật tự ở khu được ổn định, không có phản ảnh nào về việc chủ nhà bị người thuê trọ “quỵt tiền” hoặc gây ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.
Như vậy, việc loại bỏ những “con sâu bỏ rầu nồi canh” này là cần thiết và cũng không quá khó. Trước hết, việc này đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ của chính quyền địa phương có nhiều người đến thuê trọ. Đồng thời, các địa phương nên tạo điều kiện để công nhân được tham gia nhiều hoạt động tập thể của địa phương như: phong trào vệ sinh, khuyến học, văn nghệ, thể thao..., tạo dựng mối quan hệ tốt với các công ty, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn. Các chủ nhà trọ chỉ chấp nhận những người rõ nguồn gốc, nhân thân để dễ quản lý. Đặc biệt, công đoàn các công ty cần trao đổi thường xuyên với khu dân cư, nắm chắc số đoàn viên ở trọ trên địa bàn, đồng thời phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động có sự tham gia của công nhân với người dân địa phương. Từ đó, tạo mối quan hệ và tình cảm tốt đẹp “bán anh em xa, mua láng giềng gần” giữa công nhân đi ở trọ và chủ nhà.
NGỌC THANH