10 sự kiện KHCN nổi bật năm 2013

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 10:34, 27/12/2013

Các sự kiện, nhóm sự kiện được bình chọn thuộc các lĩnh vực: cơ chế chính sách; khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng; hội nhập quốc tế về KHCN...



Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy M1 của Viettel. (Ảnh: T.H/Vietnam+)


Chiều 26-12, Câu lạc bộ Nhà báo khoa học công nghệ (KHCN) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông (Bộ KHCN) công bố kết quả cuộc bình chọn những sự kiện nổi bật trong năm 2013.

Việc bình chọn đã nhận được sự tham gia nhiệt tình của gần 60 nhà báo trong cả nước chuyên viết về lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sự kiện này là món quà mang ý nghĩa động viên, ghi nhận và tôn vinh những cống hiến của các nhà khoa học đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Các sự kiện, nhóm sự kiện được bình chọn thuộc các lĩnh vực: cơ chế chính sách; khoa học tự nhiên; nghiên cứu ứng dụng; hội nhập quốc tế về KHCN; tôn vinh nhà khoa học; khoa học xã hội và nhân văn. 

Dưới đây là danh sách 10 sự kiện được bình chọn:

1. Luật KHCN (sửa đổi) được Quốc hội thông qua

Ngày 18-6, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật KHCN 2013. Nhiều vấn đề mới trong Luật thể hiện quan điểm đổi mới toàn diện cơ chế quản lý hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

2. Nhóm sự kiện về vệ tinh

- Chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ: Các nhà khoa học trẻ của Trung tâm Vệ tinh quốc gia đã nghiên cứu, chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ và đưa vào không gian nhờ tàu vận chuyển HYV của Nhật Bản. Ngày 19-11, vệ tinh siêu nhỏ này được đưa vào quỹ đạo và chỉ vài giờ sau, trạm mặt đất tại Trung tâm Vệ tinh quốc gia Việt Nam đã nhận được tín hiệu.

- Vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam bay vào quỹ đạo: Ngày 7-5, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng thành công vào vũ trụ. Đây là vệ tinh quang học quan sát trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất.

Tính đến ngày 4-9, vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam đã chụp hơn 9.200 ảnh.




Vệ tinh siêu nhỏ của Việt Nam đã hoạt động thành công trong không gian. (Ảnh: VNSC)


 3. Nhóm sự kiện về gene

- Lần đầu tiên giải mã thành công hệ gene của 36 giống lúa bản địa Việt Nam: Đây là kết quả của Đề tài “Nghiên cứu giải mã genome một số giống lúa bản địa của Việt Nam”được thực hiện từ tháng 1-2011 đến tháng 6-2013, trong khuôn khổ Chương trình hợp tác quốc tế  giữa Bộ KH CN với Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Sự sống và Công nghệ sinh học (Vương quốc Anh).

- Tổng kết quỹ gene: Ngày 3-12 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội nghị “Đánh giá hoạt động khoa học công nghệ về quỹ gien giai đoạn 2001-2013”. Hội nghị này đã tổng kết những kết quả trong hơn 10 năm qua cũng như đưa ra những định hướng quan trọng về quỹ gene trong thời gian tới.


4. Viettel làm chủ công nghệ cao, góp phần hiện đại hóa quân đội

Năm 2013,Viettel đã cung cấp nhiều thiết bị quân sự công nghệ cao góp phần hiện đại hóa quân đội. Tính đến hết năm, tập đoàn này đã cung cấp cho Bộ Quốc phòng gần ba nghìn bộ máy thông tin vô tuyến điện sóng ngắn, sóng cực ngắn.

Ngoài ra, Viettel còn nghiên cứu chế tạo thành công hàng loạt  thiết bị hiện đại như: Hệ thống quản lý vùng trời (VQ), ra-đa, hệ thống báo bia tự động, máy bay không người lái…

5. “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9

"Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 9 năm 2013 tại tỉnh Bình Định với một chuỗi sự kiện gồm bốn hội nghị khoa học quốc tế lớn, được coi là cơ hội “vàng” cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học.

6. Đưa 16 kg uranium rời khỏi Việt Nam an toàn 

Ngày 3-7, Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã hoàn thành việc vận chuyển và trao trả 16 kg uranium có độ giàu cao ra khỏi Việt Nam cho Nga.

Đây là đợt hai của dự án trao trả 141 bó uranium cho Nga mà Việt Nam khởi động từ năm 2004. Như vậy Việt Nam đã thực hiện đúng cam kết với Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Hàng chục nhà khoa học của Nga, Mỹ và Việt Nam đã tham gia công việc nói trên.

7. Nhóm sự kiện hợp tác quốc tế lĩnh vực hạt nhân

- Ký hiệp định và bản ghi nhớ về năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình: Ngày 10-10, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa kỳ John Kerry đã thay mặt Chính phủ hai nước ký tắt bản Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình giữa hai quốc gia.

Việc ký tắt Hiệp định này đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác tin cậy giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình từ nhiều năm qua, mở ra triểnvọng trong việc thúc đẩy những dự án hợp tác cụ thể về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử.

- Việt Nam và Vương quốc Anh ký hợp tác sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình: Ngày 28-11, Bản Ghi nhớ giữa Bộ KHCN Việt Nam và Bộ Ngoại giao Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len về Hợp tác sử dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đã được ký kết.

Bản ghi nhớ này là một thỏa thuận mang tính nguyên tắc để tạo cơ sở quan trọng cho việc mở rộng và tăng cường hợp tác trong việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

8. Nhóm sự kiện đầu tư cho đổi mới sáng tạo KHCN




Làm khuôn đúc vỏ điện thoại di động. (Ảnh minh họa: T.H/Vietnam+)


- Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP): Chương trình IPP được hai Chính phủ Việt Nam và Phần Lan xây dựng nhằm mục đích đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với nền kinh tế tri thức và hệ thống đổi mới quốc gia hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế xã hội. Giai đoạn I của IPP được thực hiện từ năm 2009-2013 đã và đang hỗ trợ hơn 60 dự án (tổng kinh phí 7 triệu Euro).

Giai đoạn hai của Chương trình sẽ được triển khai từ năm 2014 - 2018 với kinh phí khoảng 10 triệu Euro.

- Đầu tư 110 triệu USD đổi mới sáng tạo trong KHCN:Năm 2013, dự án "Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ - FIRST" được thực hiện bằng khoản tài trợ IDA của Ngân hàng thế giới đã chính thức khởi động. FIRST được thực hiện trong 5 năm với tổng đầu tư là 110 triệu USD.

Mục tiêu dài hạn của Dự án FIRST là góp phần hỗ trợ nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo thêm giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

9. Công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí số 1 thế giới - Nature

Tạp chí khoa học hàng đầu thế giới Nature đã công bố kết quả nghiên cứu xuất sắc của các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (hợp tác với Trường đại học Columbia, Hoa Kỳ) về lĩnh vực nghiên cứu ô nhiễm asen trong nước ngầm.

Mỗi năm, Nature nhận được hơn 10.000 bài gửi đến, nhưng chỉ có 8% trong số đó lọt qua được vòng bình duyệt và được công bố. Các công trình khoa học công bố trên Tạp chí này đạt trình độ nghiên cứu cơ bản xuất sắc, có tính đột phá, có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với cộng đồng khoa học và mà còn cả xã hội. Trong 10 năm qua, các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Việt Nam mới chỉ có khoảng năm công trình (thực hiện tại Việt Nam) được đăng trên Nature.

10. Khánh thành Bảo tàng Đông Nam Á đầu tiên trong khu vực




Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đại biểu tham quan khu trưng bày. (Ảnh: Minh Đức /TTXVN)


Chiều 30-11, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã chính thức khánh thành Bảo tàng Đông Nam Á. Đây là điểm đến hấp dẫn để người dân và du khách tìm hiểu về đời sống văn hóa của các dân tộc Đông Nam Á qua năm chủ đề chính bao gồm: Đồ vải; đời sống hàng ngày; đời sống xã hội; nghệ thuật biểu diễn và tôn giáo.

Bảo tàng Đông Nam Á là công trình kiến trúc hiện đại, được các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia Pháp cùng góp sức tạo nên. Đây là bảo tàng đầu tiên về văn hóa dân tộc các nước Đông Nam Á trong khu vực.

TTXVN