Bình đẳng giới cần thể hiện trên các văn bản
Bạn đọc viết - Ngày đăng : 18:44, 29/12/2013
Hiến pháp mới vừa được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký sắc lệnh ban hành đã có điều khoản nói rõ: "Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt", "Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới" (điều 27, chương II). Lời nói đầu Hiến pháp cũng nói rõ: Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tuy nhiên trong thực tế, nếp nghĩ "trọng nam khinh nữ" vẫn còn biểu hiện ở nhiều văn bản, thể hiện sự phân biệt đối xử về giới" như Hiến pháp đã nghiêm cấm. Cụ thể, trong các bản khai lý lịch xin đi học hoặc xin đi làm, người ta vẫn đề ở ngay sau họ tên: nam/nữ, nghĩa là nam trước đã, rồi mới đến nữ. Sao không đề hai từ "giới tính" sau đó để trống, ai thuộc giới nào thì đề vào? Trong nhiều giấy mời hiện nay, người ta cũng đề: Kính gửi ông (bà)... Nghĩa là ông trước, không có ông mới là bà, trong khi bà mới là nhân vật chính được mời dự cuộc họp nào đó.
Thiết nghĩ, trong cải cách thủ tục hành chính, trên các văn bản giấy tờ liên quan đến bình đẳng giới, cần phải có sự thay đổi này để thực sự đúng với tinh thần của hiến pháp "Công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt".
HỮU NGUYỄN (TP Hải Dương)