Cây mùi tàu trên đất An Sơn

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 03:23, 30/12/2013

Trung bình mỗi ha mùi tàu cho giá trị sản xuất từ 550 - 600 triệu đồng/năm, đóng góp lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của xã.



Toàn xã An Sơn hiện có 35 ha trồng mùi tàu, thu hút khoảng 100 gia đình, mỗi ha
đạt giá trị sản xuất từ 550 - 600 triệu đồng/năm


Về An Sơn (Nam Sách), chúng tôi bị bắt mắt ngay bởi những ruộng mùi tàu xanh mướt. Nông dân đang thu hái mùi tàu để chuyển về các điểm thu mua do các thương lái đặt tại thôn. Sau khi được thu gom, mùi tàu An Sơn được chuyển về các chợ đầu mối ở các thành phố lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội.

Men theo con mương nhỏ, chúng tôi xuống thăm ruộng mùi tàu của gia đình chị Trần Thị Dung ở thôn Quan Sơn. Vừa thoăn thoắt cầm kéo ngắt từng cây mùi tàu xếp cẩn thận thành bó, chị Dung vừa hồ hởi cho biết: "Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng 2 vụ lúa, 1 vụ màu nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2008, thấy nhiều hộ trong thôn trồng mùi tàu cho giá trị kinh tế cao, gia đình tôi cũng đầu tư trồng 1 sào. Năm 2009, tôi mở rộng ra 3 sào. Mùi tàu dễ trồng, không tốn nhiều công, cho giá trị thu nhập cao, đặc biệt thị trường tiêu thụ ổn định nên chúng tôi rất yên tâm. Năm nay, từ 3 sào mùi tàu, gia đình tôi thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Nhờ cây mùi tàu, nhiều gia đình trong thôn có bát ăn, bát để, đời sống được cải thiện rất nhiều”.

Cây mùi tàu bén rễ trên đất An Sơn từ năm 2005. Vốn là người chuyên thu mua, chế biến nông sản, nhận thấy thị trường đang có nhu cầu tiêu thụ cây mùi tàu, anh  Hoàng Văn Hưng ở thôn Quan Sơn lặn lội xuống tận vùng trồng hoa, rau màu làng Lũng (Hải An, Hải Phòng) học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng. Ban đầu anh trồng 1 sào, vừa trồng vừa học hỏi và tìm đầu ra cho sản phẩm. Sau 6 tháng trồng, chăm sóc, anh Hưng đã được thu lứa mùi tàu đầu tiên. Nhờ các mối hàng quen biết từ lâu nên sản phẩm của anh Hưng dễ dàng được tiêu thụ tại thị trường Hải Phòng. Thời điểm đó, có lúc anh Hưng bán với giá 14 - 15 nghìn đồng/kg mùi tàu tươi. Năm đầu tiên, anh Hưng đã thu lãi hơn 20 triệu đồng từ trồng mùi tàu. Cuối năm 2005, anh Hưng tiếp tục nhân rộng cây mùi tàu ra 3 sào đất canh tác của gia đình. Thấy anh Hưng trồng mùi tàu mang lại hiệu quả cao, nhiều bà con trong thôn đã đến học hỏi kinh nghiệm và mở rộng diện tích.  Toàn thôn hiện có khoảng 70 gia đình tham gia trồng mùi tàu với diện tích 30 ha (chiếm hơn 90% diện tích toàn xã). Nhiều gia đình trồng với diện tích lớn, từ 3 - 4 sào, thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Anh Hưng cho biết thêm: Hiện tại, gia đình tôi luôn duy trì 3 sào mùi tàu. Năm nay, giá mùi tàu ổn định nên người trồng rất phấn khởi. Đến nay, gia đình tôi đã thu lãi khoảng gần 50 triệu đồng. Cùng với trồng mùi tàu, tôi còn tham gia thu mua cho bà con trong thôn nên cũng có thêm thu nhập. Hiện tại, thị trường tiêu thụ chính là Hải Phòng, Hà Nội và một phần TP Hải Dương”.

Đồng chí Đỗ Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn cho biết: Toàn xã hiện có hơn 35 ha mùi tàu, thu hút khoảng 100 gia đình sản xuất, tập trung chủ yếu tại thôn Quan Sơn và một phần nhỏ ở thôn Cõi. Thời gian qua, cây mùi tàu đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho bà con  địa phương, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các gia đình. Trung bình mỗi ha mùi tàu cho giá trị sản xuất từ 550 - 600 triệu đồng/năm, đóng góp lớn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế  nông nghiệp của xã. Hiện nay, trong cơ cấu cây trồng của An Sơn, mùi tàu là loại rau thế mạnh, được địa phương xác định là cây chủ lực.

Nhiều người dân trồng mùi tàu trên đất An  Sơn đều mong  muốn, chính quyền địa phương quan tâm quy hoạch và giữ ổn định diện tích, tránh phát triển ồ ạt theo phong trào để không xảy ra hiện tượng “vượt cầu”. Đồng thời, địa phương, các cấp, ngành cũng cần quan tâm, khuyến khích hỗ trợ người trồng mùi tàu  trong việc sản xuất, quy hoạch, định hướng thị trường. Quan tâm mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. 

NGÂN HÀ