Cân bằng giữa công việc và gia đình

Đời sống - Ngày đăng : 10:45, 31/12/2013

Ông Văn năm nay đã ngoài 50 tuổi. Cô con gái lớn lấy chồng ở làng đã yên bề gia thất. Đứa út thì đang học cấp 3.



Vợ chồng ông là nông dân nhưng ông không thích làm ruộng. Ông nghe người ta giới thiệu có công việc nhàn hạ với thu nhập cao mà bây giờ nhiều người ở thành phố cũng hay làm. Thế là ông theo ngay. Ba ngày liền ông tham gia hội thảo từ sáng đến tối mới về. Rồi ông bắt tay vào làm với niềm phấn chấn và hy vọng đổi đời. Biết chuyện, vợ và các con ông đều ngăn cản vì cho rằng công việc đó viển vông, hão huyền. “Trời đất ơi! Ông mà đi bán hàng đa cấp được sao? Không ngon ăn như ông tưởng đâu!...” Mặc cho bà Văn ngày nào cũng cằn nhằn, ông vẫn đi làm theo ý thích của mình. Có hôm, ông đi cả buổi tối khiến cả nhà rất lo lắng. Càng làm ông càng bị cuốn theo những mối quan hệ nhì nhằng, những câu chuyện làm ăn không có điểm dừng. Ông khoe với vợ con rằng “hệ thống” của ông đang rất phát triển, chẳng mấy chốc ông sẽ được thăng chức, được nhận phần thưởng là “ô-tô”, “du thuyền”. Cả nhà ngán ngẩm vì không biết rồi công việc này sẽ đưa ông đi tới đâu, chỉ biết rằng trước mắt nó ngốn trọn thời gian của ông mà thành quả chỉ là “đầu tư và tiếp tục đầu tư”. Số tiền kiếm được còn nhỏ bé hơn so với chi phí đi lại và những gì ông bỏ ra để mời khách hàng ăn trưa, tối sau mỗi lần dự hội thảo. Vì vậy, để có tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày, bà Văn lăn đi làm thuê mướn. Cả hai ông bà hầu như không còn thời gian quan tâm đến nhau. Đứa con út trở nên ham chơi hơn ham học, hay la cà ở những quán điện tử. Căn nhà nhỏ của ông bà ngày càng lạnh lẽo, cỏ dại mọc um tùm từ lối vào đến tận trong sân...

Khác với ông Văn, chị Sim đang làm tổ trưởng của một công ty may xuất khẩu với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm kế toán cho một cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Cuộc sống gia đình chị có thể nói khá đàng hoàng. Hai đứa con của anh chị đều học giỏi và ngoan ngoãn. Bỗng một ngày, chị Sim được một người bạn cũ mời tham gia “đầu tư quốc tế”. Công việc này không vất vả mà kiếm lời dễ dàng, nhanh chóng. Chỉ cần “mở mã” trị giá 12 triệu đồng, chị sẽ lập tức trở thành cổ đông của công ty, đồng thời được công ty trả lương theo lãi suất số tiền đầu tư bằng 150%. Cuối năm, chị sẽ được chia phần lợi nhuận của công ty. Sự suôn sẻ bước đầu khiến chị hồ hởi đến nỗi định kéo cả chồng cùng làm. Nhưng anh đã gạt đi. Cuối năm, công việc kế toán của anh rất bận rộn, anh nhắc vợ làm gì thì cũng cần chú ý đến con cái, nhà cửa. Chị phớt lờ, thường đi đến tối đêm mới về đón con gửi ở ông bà. Hai đứa trẻ từ khi thiếu vắng sự quan tâm, dạy dỗ của bố mẹ thì học hành chểnh mảng, sa sút. Đến họp phụ huynh cho con, hai người cũng đùn đẩy để ông bà đi thay. Cô giáo chủ nhiệm phàn nàn về kết quả học tập sút kém của con mình thì anh chị đổ lỗi cho nhau dẫn đến to tiếng. Mối quan hệ vợ chồng bị sứt mẻ. Ai cũng cho rằng mình đúng nên không ai chủ động làm lành, vẫn mê mải với công việc riêng của bản thân.

Vẫn biết rằng cuộc sống phải có việc làm để tạo ra giá trị thì mới có ý nghĩa. Mỗi người đều có công việc riêng. Khi đã có gia đình, công việc của vợ, chồng chính là động lực thúc đẩy cuộc sống phát triển. Tuy nhiên, mọi hoạt động của các thành viên trong gia đình suy cho cùng cũng là để củng cố, bồi đắp cho lâu đài hạnh phúc đó. Do vậy, nếu chúng ta xác định mục đích cuộc sống sai lệch, cho rằng công việc là trên hết thì chẳng mấy chốc sẽ dẫn đến kết cục như gia đình ông Văn, chị Sim. Điều cần nhất là phải biết sắp xếp thời gian biểu một cách khoa học để cân bằng giữa công việc và chăm lo cho gia đình. Khi đó, ta vừa có niềm vui trong công việc, vừa được tận hưởng những giây phút đầm ấm bên những người thân yêu.

ĐỖ THỊ YẾN