"Điểm tựa" của nữ công nhân ở trọ
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 04:05, 01/01/2014
Nữ công nhân ở trọ vốn rất khó khăn nhưng giờ đây họ đã có một điểm tựa từ mô hình "Tổ phụ nữ nhà trọ"...
Các chị tham gia mô hình “Tổ phụ nữ nhà trọ” được tạo điều kiện về chỗ ở ổn định,
được thăm hỏi khi ốm đau
Thời gian qua, tổ chức công đoàn trong nhiều doanh nghiệp tuy đã có nhưng chưa hoạt động hiệu quả, chưa sát sao với đời sống nữ công nhân. Các đoàn thể chính trị như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp hầu như chưa có. Ngoài ra, một số khó khăn trực tiếp mà chị em công nhân nhà trọ thường gặp phải như: sức ép làm việc lớn, khi trở về nhà trọ thường rất mệt mỏi nên không có điều kiện để đọc sách báo hay tìm hiểu về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ thực tế đó đặt ra câu hỏi là làm thế nào để chị em công nhân được bảo đảm quyền lợi và được giao lưu, chia sẻ những lúc khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Và quan trọng là chị em có được một chỗ dựa tinh thần, một “sân chơi” để tham gia sinh hoạt, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm sống. Nhận thức được vấn đề đó, căn cứ vào tình hình thực tế tại phường Cẩm Thượng - gần các khu công nghiệp lớn, có nhiều nữ công nhân thuê trọ. Từ năm 2012, Hội Phụ nữ TP Hải Dương đã chỉ đạo Hội Phụ nữ phường tiến hành xây dựng điểm mô hình “Tổ phụ nữ nhà trọ”. Hội đã tích cực làm phiếu khảo sát tại các nhà trọ trên địa bàn phường.
Sau khi khảo sát, hiểu được nhu cầu của nữ công nhân tại các khu nhà trọ, Hội Phụ nữ TP Hải Dương đã giao nhiệm vụ cho từng đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành của phường đến từng nhà trọ vận động, thuyết phục nữ công nhân đăng ký tham gia "Tổ phụ nữ nhà trọ". Bà Đinh Thị Cúc, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường cho biết: “Ban đầu, quá trình vận động chị em phụ nữ các khu nhà trọ rất khó khăn do trình độ công nhân không đồng đều, có chị em nhận thức được ngay nhưng cũng có chị em phải đến 2 lần, 3 lần, thậm chí 5 lần mới hiểu được ý nghĩa của tổ chức hội”. Tuy nhiên các cán bộ hội của phường đã kiên trì giải thích với chị em những quyền lợi thiết thực khi tham gia vào tổ chức hội. Sau quá trình vận động, vào đúng dịp kỷ niệm 82 năm thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Phụ nữ phường Cẩm Thượng đã cho ra mắt mô hình điểm “Tổ phụ nữ nhà trọ” của phường với 24 thành viên ban đầu là chị em khu nhà trọ thuộc khu dân cư số 4. Hầu hết chị em có độ tuổi trung bình là 33, đang làm việc tại các công ty may, giày xuất khẩu. Ngay sau khi thành lập “Tổ phụ nữ nhà trọ”, hội đã xây dựng quy chế hoạt động và tham gia sinh hoạt theo định kỳ. Các chị em tham gia mô hình được tạo điều kiện về chỗ ở ổn định, được hội bênh vực, giúp đỡ khi có những vấn đề nảy sinh trong sinh hoạt, được ưu tiên tham gia các hoạt động liên quan đến phụ nữ, trẻ em, được thăm hỏi động viên khi ốm đau… Ngoài ra, chị em cũng thường xuyên được học tập nghị quyết, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; được Hội Phụ nữ phường phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa miễn phí, được hỗ trợ học nghề, vay vốn…
Không dừng lại ở việc quan tâm đến chị em phụ nữ, vào các ngày lễ, Tết dành cho thiếu nhi hay cuối năm học, hội còn phối hợp với các chủ nhà trọ, các chi hội tổ chức các hoạt động tặng quà, tặng học bổng cho học sinh là con em các hội viên có hoàn cảnh khó khăn học giỏi... Đặc biệt, Hội Phụ nữ phường còn vận động các chủ nhà trọ ủng hộ kinh phí (từ 50- 200 nghìn đồng) và tạo điều kiện cho các nữ công nhân tham gia các hoạt động của hội... Từ những hiệu quả thiết thực mà mô hình này mang lại, đến nay Hội Phụ nữ phường đã thành lập được thêm một “Tổ phụ nữ nhà trọ” nữa thuộc khu dân cư số 2 với 16 chị em, nâng tổng số hội viên của mô hình lên 50 người.
Thực tế hoạt động của “Tổ phụ nữ nhà trọ” cũng đang gặp một số khó khăn như: có một số chị em ở trọ tham gia vào chi hội chưa lâu đã di chuyển chỗ ở, hay một số hội viên khác đi làm công ty phải tăng ca nhiều nên thời gian tham gia sinh hoạt hội còn hạn chế... Tuy nhiên để tập hợp chị em vào hội, các cán bộ hội, chi hội trưởng vẫn đang từng ngày đến các khu nhà trọ tìm hiểu đời sống, nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của chị em vào mỗi buổi chiều sau giờ tan ca của công nhân để có biện pháp tập hợp, giúp đỡ. Đây là phương châm, đồng thời cũng là trách nhiệm của cán bộ Hội Phụ nữ phường Cẩm Thượng, nhằm tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình điểm mang tính nhân văn này.
NGUYÊN THƯƠNG