Đất bãi sinh “vàng”
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 05:37, 01/01/2014
Bằng bàn tay, khối óc và sự sáng tạo của mình, nông dân nơi đây đã biến vùng đất trũng hoang hóa thành những thửa đất vàng, cho thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm.
Ông Hoàng Văn Huệ ở thôn Lái Đông, xã Tam Kỳ khai thác rươi, cáy, nuôi ong... cho thu nhập cao
Quan tâm đầu tư
2 xã Đại Đức và Tam Kỳ (Kim Thành) có sông Lạch Tray chảy qua. Theo năm tháng, sông đã bồi đắp cho nơi đây bãi phù sa rộng lớn. Với nông dân, đất đai là tài sản quý giá, vì thế họ đã áp dụng nhiều biện pháp để khai thác vùng đất này. Nhân dân chia nhau đắp bờ, cấy lúa, có người thả cá. Tuy nhiên, do xa khu dân cư nên nạn chuột hoành hành, có gia đình cấy cả sào ruộng nhưng chỉ thu được vài cân thóc. Thời kỳ đó, chưa có phương tiện vận tải nên các gia đình phải đi bộ từ 2-3 km gánh lúa. Hệ thống bờ vùng, bờ thửa cũng sơ sài, mỗi khi vào mùa bão lũ, cả vùng lại ngập trắng xóa, lúa chết, cá đi. Do hiệu quả thấp nên từ năm 1995, nhân dân đã bỏ không cày cấy. Vùng bãi bồi trở thành khu đất hoang, cả năm không có bóng dáng người lui tới.
Năm 2003, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Kim Ngân (hiện là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội) về thăm và thấy được tiềm năng của vùng Tam Kỳ - Đại Đức nên đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch thành khu chăn nuôi, thủy sản tập trung. Sau khi đề án được hình thành, UBND huyện Kim Thành phối hợp với UBND 2 xã Tam Kỳ và Đại Đức tổ chức họp dân, thu hồi, đền bù đất và thông báo cho các hộ dân đăng ký vào vùng chuyển đổi.
Để thuận tiện cho nhân dân tham gia chuyển đổi, tỉnh đã đầu tư 35 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất. Từ vùng đất hoang vu, một diện mạo mới đã hình thành. Huyện đã thuê máy đắp 4 km đường trục chính. Hệ thống kênh dẫn nước được xây dựng song song với đường giao thông. Trạm biến áp mới 250 KW được lắp đặt, bảo đảm đủ điện cho người dân sinh hoạt và sản xuất. Mặc dù chưa hoàn thiện, song đây là vùng chăn nuôi, thủy sản có cơ sở hạ tầng đồng bộ nhất của tỉnh hiện nay.
Mô hình chăn nuôi của gia đình ông Vũ Gia Nam ở thôn Văn Thọ, xã Đại Đức cho thu lãi hàng trăm triệu mỗi năm
Năm 2009, gia đình ông Vũ Gia Nam ở thôn Văn Thọ, xã Đại Đức được thuê 3,7 ha đất chuyển đổi. Để cải tạo vùng đất hoang vu triều trũng, ông Nam đã tốn nhiều công sức, tiền bạc. Ông Nam cho biết: “Mặc dù đã quy hoạch, xây dựng, đào đắp xong vườn, ao, chuồng nhưng tôi chưa khai thác ngay vì đất chua, nếu thả cá ngay dễ bị chết, trồng cây cũng cằn cỗi. Tôi mất 1 năm, áp dụng nhiều biện pháp thau chua, rửa mặn, cải tạo để tăng độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất. "Diện tích nuôi thủy sản được ông Nam chia làm 2 ao thả cá giống rộng 0,9 ha và 1 ao nuôi cá thịt rộng 1,5 ha. Cá hương thả 1 ao, được 3 - 4 lạng lại chuyển sang 1 ao khác. Khi cá được gần 1 kg, ông chuyển sang ao nuôi cá thịt. Với hình thức nuôi gối như vậy, mỗi năm thu hoạch từ 2-3 lần, mỗi lần khoảng 20-22 tấn cá. Để tận dụng các tầng nước, nguồn thức ăn, ông Nam nuôi ghép nhiều loại cá khác nhau. Trên bờ ao, ông xây dựng chuồng để nuôi gà. Hiện nay, ông đang có 1.000 con gà ta sắp đến ngày xuất chuồng và 500 con gà dành cho Tết Nguyên đán. "Với mô hình chăn nuôi như vậy, năm 2011, tôi thu lãi 70 triệu đồng, năm 2012 trên 100 triệu đồng và năm nay 120 triệu đồng”, ông Nam cho biết thêm.
Khác với ông Nam, ông Hoàng Văn Huệ ở thôn Lái Đông, xã Tam Kỳ lại đầu tư vào nuôi các con đặc sản. Trong 6 ha được thuê, ông dành 4 ha chuyên khai thác rươi và cáy. Vào khoảng tháng 3-4, ông thuê máy cày lồng để đất tơi, xốp, bón phân trâu, bò tạo nguồn thức ăn cho rươi. Bờ vùng, hệ thống lấy nước, thoát nước cũng được ông Huệ tính toán cẩn thận để việc khai thác rươi, cáy được theo ý mình. Năm 2012, gia đình ông Huệ thu lãi trên 300 triệu đồng từ rươi. Trong vụ rươi này, ông cũng đã được thu gần 150 triệu đồng. Từ nay đến Tết Nguyên đán sẽ còn một vài nước rươi nữa, dự kiến thu nhập từ rươi của gia đình ông năm nay sẽ cao hơn năm trước. Vào mùa hè, ông dùng vùng đất này để nuôi và khai thác cáy. Mỗi năm thu nhập từ cáy cũng được 25-30 triệu đồng. Ngoài vùng khai thác rươi, cáy, ông Huệ còn dành gần 2 ha để nuôi thả cá. Khác với những người khác trong vùng, ông chỉ chuyên thả cá trắm cỏ và cá bống. Thức ăn là cỏ tự nhiên và cám gạo. Vì thế mỗi năm ông Huệ chỉ thu hoạch cá 1 lần với sản lượng khoảng 12-13 tấn. Tận dụng bờ vùng, bờ thửa, ông Huệ còn nuôi ong lấy mật. Hiện nay, ông Huệ có 8 thùng ong, trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 75-80 lít mật. Với mô hình trang trại đa dạng như vậy, mỗi năm ông Huệ thu lãi trên 400 triệu đồng, là một trong những hộ có thu nhập cao ở vùng đất bãi này.
Sau 5 năm cải tạo, vùng đất hoang Tam Kỳ - Đại Đức đã trở thành vùng chuyển đổi quy mô nhất tỉnh với diện tích 56 ha, thu hút 15 hộ tham gia. Hộ thấp nhất 2 ha, hộ cao nhất 8 ha. Các hộ trong vùng chuyển đổi đã thành lập HTX Chăn nuôi, thủy sản Liên Trung để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, vốn, khoa học, kỹ thuật và phối hợp tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Cùng với đầu tư của tỉnh, người dân đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để cải tạo, đắp bờ, làm đường nội vùng nuôi từ lợn, gà, trâu, bò đến các con đặc sản rươi, cáy... Đánh giá về hiệu quả của vùng chuyển đổi này, ông Phạm Văn Tình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Người dân vùng chuyển đổi Tam Kỳ- Đại Đức đã năng động tìm kiếm các cây trồng, vật nuôi phù hợp, vì thế phát huy được hiệu quả từ những ngày đầu. Đây là mô hình mẫu, thời gian tới tỉnh sẽ nhân rộng”.
THANH HÀ