Hồn làng trong bóng cỏ
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 07:04, 02/01/2014
Nhà thơ tài hoa Hoàng Trần Cương khá thành công ở mảng thơ viết về quê hương: vùng quê nghèo của
Anh sẽ về quê kiểng |
Thơ Hoàng Trần Cương thường ám ảnh ở những hiện tượng đời sống tưởng như là phi lý tạo ra hiệu quả thẩm mỹ bùng nổ dây chuyền từ sự đối nghịch của hai cực bởi thỏi nam châm tình cảm hút hồn ta và neo giữ ta lại. Anh có khả năng phân thân, hồn nhiên mà nhiều ngẫm ngợi khát khao đồng cảm, chia sẻ kiểu như : “Nằm xoài trên cỏ non/Mặt không cần úp nón/Nhấm ngọn mưa đầu nguồn”. Nhấm mưa hay nhấm cỏ đều có lý cả. Mạch thơ đi thật tự nhiên bộc trực, chân chất quê kiểng như người xứ Nghệ không rào đón đòi hỏi. Cứ tưởng anh kể lể giãi bày nhưng đột ngột từ cái chất mộc mạc thô ráp ấy vụt lên ánh sáng ảo, lấp lánh của: “Nắng trổ ngồng hoa cải” đến “Nắng cuối ngày chớm nụ”. Nắng chiều hay tâm hồn chín dậy rạo rực, mây mẩy tràn đầy sức sống từ: “Bãi chiều sông mướt sóng”. Ngôn ngữ cỏ luôn ám ảnh anh đến nỗi nhìn sóng của dòng sông cũng liên tưởng đến sự mượt mà của cỏ. Hai câu thơ hay cứ bâng khuâng day dứt mãi trong tôi: “Xa nhà đến cả gió/Cũng lần hồi lang thang”. Con người và thiên nhiên cùng hòa quyện vào nhau tìm được tiếng nói chung đồng điệu không cần giải mã.
Tôi có cảm giác bài thơ của Hoàng Trần Cương như một tiếng chuông gõ vào thinh không để lại những vòng sóng âm thanh lan tỏa. Những vòng sóng ấy gợn lên cả những nếp gấp chứ không phẳng lì nhợt nhạt. Để có được hai câu thơ xuất thần trên anh đã có sự chuẩn bị cho: “Vạt mưa chừng xanh hơn/Khi chạm vào bóng cỏ”. Anh không nói đến áo mà ta nghĩ đến áo: áo cỏ, áo làng, áo nâu của mẹ bắt đầu từ “Vạt mưa”. Thổn thức, đó là một phẩm chất đáng quý của thơ. Sức bám của nó như phù sa dính bệt vào ký ức chứ không hời hợt khoe mẽ bằng những bộ áo cánh sặc sỡ của ngôn ngữ. Trở lại với “Bóng cỏ” ta thấy anh hoàn toàn có lý khi nhận ra: “Cỏ xanh bóng làng”. Bóng cỏ chính là hồn làng, nơi lưu giữ và trưng bày bao ký ức của làng, là tờ giấy thấm phiên bản của làng trong đó có bóng dáng cuộc đời thi sĩ Hoàng Trần Cương.
NGUYỄN NGỌC PHÚ