Ly hôn vì thùng tiền mừng cưới
Đời sống - Ngày đăng : 15:06, 02/01/2014
Vụ ly hôn giữa nguyên đơn là chị Ngọc Nữ và bị đơn là anh Minh Nam (trú tại TP HCM) vừa được xử sơ thẩm sau nhiều lần hòa giải bất thành. Tòa chấp nhận yêu cầu ly hôn của nguyên đơn.
Theo đơn xin ly hôn của chị Nữ, chị và anh Nam đều có việc làm ổn định, trước khi đến với nhau từng có 6 năm yêu nhau. Nhưng sau ngày cưới, do thấy cuộc sống hôn nhân không hòa thuận, cưới nhau được 10 ngày thì chừng ấy thời gian vợ chồng chị gây lộn, đánh nhau rồi xỉ vả nhau bằng những lời lẽ rất nặng nề. Vì vậy, chị muốn ly hôn để giải thoát và tìm hướng đi mới cho cả hai.
Tại tòa, chị Nữ cho biết từ lúc cưới nhau đến khi đưa nhau ra tòa vợ chồng chị có ở chung nhưng không ngủ chung, ăn chung. “Bên ngoài chúng tôi là vợ chồng nhưng bên trong thì không phải, chúng tôi sống ly thân. Anh ấy ở một phòng, tôi ở một phòng, không ai nhìn mặt nhau. Anh ấy chỉ biết lo cho mình mà không biết vợ như thế nào”.
Nghe chị nói, anh Nam cãi: “Cô ấy nói không đúng, tôi không phải người như thế. Tôi cũng muốn quan tâm để vợ chồng được hòa hợp hơn nhưng cô ấy không chịu, còn mắng chửi tôi. Có đời nào vợ chồng mới cưới nhau, đêm tân hôn cô ấy lại đi sinh sự với chồng rồi đuổi tôi ra phòng khách ngủ. Nay cô ấy còn bắt tôi phải ly hôn”.
“Một người đàn ông không có lòng tự trọng, chỉ biết hoạnh họe vợ thì có đáng không? Ngày yêu nhau anh đâu như thế. Sáu năm yêu nhau, lúc nào anh cũng chiều tôi, lo cho tôi và hứa lo cho tôi cái này, sắm cho tôi cái kia. Vậy mà cưới về, anh không còn là anh nữa, chỉ biết giành với vợ từng đồng tiền lẻ”, chị nói lại.
Tòa cố gợi để hòa giải, rằng hai anh chị chỉ mới cưới nhau được 10 ngày, nếu nói vì mâu thuẫn mà phải đưa nhau ra tòa ly hôn là vô lý...
Chị đứng lên nói: “Mâu thuẫn chỉ một phần, chúng tôi ly hôn là bởi anh ấy cứ giành cái thùng tiền mừng cưới với tôi. Trong đám cưới, bạn bè anh ấy ai cũng nghèo nên đi mừng mỗi người có mấy trăm ngàn. Đáng lẽ anh ấy là chồng phải để tôi giữ mới đúng!”.
Anh phản bác: “Bạn tôi nghèo nhưng đi dự đám cưới nhiều, bạn cô ấy mừng nhiều nhưng lại đi ít. Tôi muốn dùng số tiền mừng cưới để làm ăn, lo cho hai vợ chồng. Còn cô ấy chỉ biết dùng nó để mua sắm cho mình. Vậy mà cô ấy nói tôi tham, keo kiệt, không thương cô ấy rồi vùng vằng, la lối om xòm và… dọn đồ bỏ đi”.
Tòa nói: “Yêu nhau 6 năm mới kết hôn là một quá trình, trải qua những khó khăn, thử thách, tôi nghĩ hai người đã hiểu nhau lắm chứ, sao chỉ sống chung có 10 ngày mà lại ly hôn? Có phải chỉ vì thùng tiền mừng cưới?”.
Im lặng một lúc, anh nói: “Yêu nhau 6 năm là sáu năm tôi phải khốn khổ vì cô ấy. Cô ấy cứ cho rằng mình là phụ nữ nên có quyền bắt tôi phải chi trả “tình phí”. Còn cô ấy thì chưa bao giờ chi một đồng. Lúc yêu thì có thể chiều được nhưng cưới về thì phải khác đi chứ!”.
Tòa: “Nhưng nếu cô ấy đưa tiền cho anh làm ăn, anh có còn muốn sống chung với cô ấy nữa không?”. Một lúc sau, anh lên tiếng: “Tôi không chịu được cô ấy nữa rồi. 6 năm yêu nhau, cô ấy chỉ biết đào mỏ. Giờ cưới nhau về, cô ấy chỉ muốn ôm thùng tiền mừng rủng rỉnh tiêu một mình. Đã vậy, tòa cho ly hôn đi. Tôi đồng ý”. Chị bổ sung: “Từ nay đường ai nấy đi, thùng tiền mừng cưới thì chia đôi”.
Nguyên đơn và bị đơn mới cưới nhau được 10 ngày, nếu xét về mâu thuẫn thì không thể chấp nhận ly hôn. Trong thời gian thụ lý vụ án, tôi đã 4 lần triệu tập đương sự để hòa giải nhằm hàn gắn vết rạn trong lòng họ. Nhưng rồi dường như mọi chuyện không thể… Thú thật, ban đầu đọc nội dung đơn, tôi hết sức thắc mắc vì sao chỉ cưới nhau có 10 ngày mà họ đã lôi nhau ra tòa ly hôn. Tôi nghĩ thôi thì mình cứ cố gắng thuyết phục, hàn gắn họ, bởi biết đâu những ngày đầu sống chung họ còn bỡ ngỡ, chưa điều chỉnh được cái tôi của mình để cùng nhau hòa hợp. Một khi đã hiểu ra, mỗi người tự điều chỉnh và nhường nhịn, chấp nhận cái khiếm khuyết của người kia thì sẽ gắn bó lâu dài. Cứ như thế, suốt hai tháng thụ lý vụ án, hễ cầm tờ đơn ly hôn là tôi lại suy nghĩ, cân nhắc, phải làm sao cho hợp lý, hợp tình. Ấy vậy mà mỗi lần hòa giải, chị Nữ cứ nhất định nói tòa không cần hòa giải nữa mà phải mở phiên tòa để xét xử cho nhanh. Đến khi đưa vụ án ra xét xử, tôi vẫn cứ mong họ nghĩ lại, mỗi người nhường nhau một tí để hàn gắn, gìn giữ cuộc hôn nhân của mình. Bởi tôi nghĩ dù sao họ cũng từng tìm hiểu, gắn bó và chia sẻ nhau trong suốt 6 năm trời yêu đương. Chưa nói cả hai đều là người có ăn có học, có công ăn việc làm ổn định và tuổi tác cũng đã chín chắn lắm rồi. Nhưng với những gì diễn ra ở phiên tòa, tôi nghĩ bất kỳ thẩm phán nào cũng có cùng quyết định như tôi: Cho họ ly hôn để giải phóng và giải thoát cho nhau. (Ghi theo lời kể của thẩm phán chủ tọa phiên tòa) |
(Nguồn :Gia đình)