Thanh niên ít được vay vốn ưu đãi

Xã hội - Ngày đăng : 04:11, 12/01/2014

Do cơ chế chính sách bị tắc nên nhiều đoàn viên thanh niên không tiếp cận được vốn từ ngân hàng chính sách xã hội...



Nhiều thanh niên nông thôn muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển kinh tế
 nhưng đang gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục


Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên đến nay, có ít ĐVTN tiếp cận được nguồn vốn này.

Khát vốn

Đoàn xã Tân Việt (Thanh Hà) thành lập được Câu lạc bộ (CLB )thanh niên phát triển kinh tế với hơn 40 thành viên tham gia. Các thành viên trong CLB có nhiều mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi trồng trọt, thương mại, dịch vụ, xưởng cơ khí, nghề mộc… mang lại thu nhập cao, bình quân trên 100 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, toàn xã mới chỉ có vài ba mô hình phát triển kinh tế của ĐVTN được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của tổ chức đoàn với mức vay 20 triệu đồng/mô hình. Tính đến nay, Đoàn xã tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện cho thanh niên vay gần 800 triệu đồng. Đối tượng chủ yếu vay nguồn vốn ưu đãi là học sinh, sinh viên hoặc vay nguồn vốn nước sạch vệ sinh môi trường, số ĐVTN được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế rất ít.

Anh Nguyễn Đức Quân ở thôn Ngọc Lộ có mô hình chăn nuôi cá và trồng ổi với diện tích hơn 2 mẫu. Do không có nhiều vốn nên gia đình anh Quân đầu tư rất nhỏ lẻ. Theo anh Quân, mỗi một năm ngoài các khoản thường xuyên phải đầu tư: giống cá, thức ăn, thuốc thú y, phân bón… anh còn phải nâng cấp, sửa chữa ao, vườn rất tốn kém. Trong khi đó, nguồn vốn vay qua tổ chức đoàn chỉ được 20 triệu đồng/mô hình, khó có thể đáp ứng được nhu cầu vốn của ĐVTN. Theo chị Nguyễn Thị Nguyệt, Bí thư Đoàn xã Tân Việt, nhiều ĐVTN có nhu cầu vay vốn nhưng làm thủ tục hơn một năm sau vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Nhiều hộ ĐVTN phải tìm tới nguồn vốn khác, lãi suất cao hơn để có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Toàn xã mới chỉ có vài ba mô hình phát triển kinh tế của ĐVTN được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của tổ chức đoàn với mức vay 20 triệu đồng. Và cũng mới chỉ có 1 hộ thành viên của CLB được tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn (vốn 120) với số tiền được  vay là 89 triệu đồng, để đầu tư dự án nghề mộc.

Toàn tỉnh hiện có 419 tổ tiết kiệm vay vốn do ĐVTN quản lý với tổng số dư nợ đạt gần 178 tỷ đồng. Nhưng vay giải quyết việc làm chỉ đạt 8,6 tỷ đồng, chủ yếu vay vốn học sinh, sinh viên, chương trình nước sạch vệ sinh môi trường... Theo thống kê của Ngân hàng CSXH, Đoàn Thanh niên vẫn là đơn vị có ít tổ vay vốn nhất so với các đoàn thể khác. Đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có hai Huyện đoàn Thanh Miện và Kinh Môn đã thành lập được tổ vay vốn ở tất cả các xã, thị trấn.

Vướng chính sách

Theo quy định, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thường ưu tiên cho hộ nghèo, nhưng đa số thanh niên không thuộc diện hộ nghèo nên không đủ điều kiện vay. Nhiều ĐVTN vẫn sống chung với gia đình, theo quy định trong một hộ gia đình chỉ giải quyết cho một đầu mối đứng ra vay (thông thường là bố hoặc mẹ), nên khi ĐVTN có nhu cầu vay thì thường không vay được. Đồng thời, muốn vay số tiền lớn ĐVTN phải có tài sản thế chấp. Vì vậy, số đông ĐVTN chưa tiếp cận được nguồn vốn này để lập nghiệp.

Mặt khác, để thành lập được tổ vay vốn cho ĐVTN, phải có ít nhất 20 hộ ĐVTN trở lên có nhu cầu vay vốn phát triển kinh tế, nên ở nhiều địa phương khó thành lập được tổ vay vốn. Hơn nữa, nhiều tổ vay vốn đã được thành lập, nhưng vay vốn sử dụng không đúng mục đích, dẫn đến tổ vay vốn phải dừng hoạt động, do ngân hàng chuyển nguồn vốn sang cho địa phương khác.

Ngoài tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, ĐVTN còn có nguồn vốn giải quyết việc làm của Trung ương Đoàn (vốn 120). Tuy nhiên, ĐVTN lại gặp không ít khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn này. Khó nhất là người vay phải chứng minh được hiệu quả của các mô hình sản xuất, kinh doanh và một số trường hợp phải có tài sản thế chấp mới được vay. Trong khi đó, đa số ĐVTN còn sống phụ thuộc vào gia đình, một số trường hợp tách hộ khẩu ra ở riêng, tiềm lực kinh tế chưa có, nên không thể có tài sản để thế chấp. Mặt khác, nguồn vốn từ kênh 120 lại quá hạn hẹp và luân phiên giữa các huyện nên dẫn tới tình trạng nhiều địa phương, ĐVTN phải chờ rất lâu mới được tiếp cận nguồn vốn 120. Bên cạnh đó, nhiều cấp ủy chính quyền địa phương Đoàn chưa giao vốn cho Đoàn ĐVTN quản lý.

Để giải quyết vấn đề này, Tỉnh đoàn cần đề xuất với Ngân hàng CSXH tỉnh và Trung ương Đoàn nâng mức vay, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để có thêm nhiều ĐVTN được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi. Tăng cường quản lý, giám sát các nguồn vốn đang cho vay, bảo đảm các dự án sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức quản lý kinh tế trang trại cho ĐVTN gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới.

THANH HOA