Gái phố làm dâu quê

Đời sống - Ngày đăng : 07:47, 14/01/2014

Hạnh là cô gái sinh ra và lớn lên ở thành phố nên khi yêu và lấy Tâm cô rất bỡ ngỡ trong cuộc sống khi phải về làm dâu ở quê.



Mặc dù quê chồng của Hạnh không xa xôi gì lắm, ngay bên huyện Thanh Hà, nhưng dù sao thì việc bắt đầu cuộc sống ở một địa điểm mới, với nhiều điều mới mẻ, phong tục, nếp sống khác lạ... cũng khiến cô phải "học" lại từ đầu để hòa nhập.

Mẹ chồng Hạnh là một người không hề khắt khe như bấy lâu nay người ta vẫn thường nói về những bà mẹ chồng, nhất là mẹ chồng ở những vùng quê luôn đề cao phép tắc cũ. Bà xuề xòa, vui vẻ chỉ bảo con dâu mới những điều mà cô còn chưa quen. Việc nấu ăn, cơm nước Hạnh chưa chu toàn, thậm chí nấu rất vụng về, vì từ nhỏ tới lớn công việc đó toàn do mẹ cô lo. Vì vậy, những ngày mới về nhà chồng Hạnh phải "căng" lên để học tập công việc bếp núc. Những lúc nấu cơm bị nát, bị sống, hay làm đồ ăn bị mặn, không được ngon cho lắm... mẹ chồng Hạnh lại chỉ bảo rất cặn kẽ với thái độ vui vẻ để lần sau cô rút kinh nghiệm. Ngay cả việc Hạnh sơ suất ra đường không chào hỏi mấy người mà cô không biết là họ hàng nhà chồng, nhưng bà chỉ nhắc khéo con dâu: "Con à, ở quê mình đây họ hàng đông đúc lắm, nên ra đường gặp ai con cũng cứ chào lên một tiếng cho vui vẻ, kẻo họ trách đấy. Cách sống của người thôn quê là phải nỏ nang, mau mồm mau miệng... con ạ!".

Mặc dù cả hai vợ chồng Hạnh đều làm công chức, song do nhà chồng vẫn còn làm mấy sào ruộng nên những ngày nghỉ cuối tuần hai vợ chồng vẫn phải ra đồng giúp đỡ bố mẹ và các em. Chỉ là những công việc nhẹ nhàng như nhặt cỏ, xới đất, hay tưới ngô..., song do chưa bao giờ làm nên được một lát là Hạnh đã mệt phờ, mồ hôi nhễ nhại. Thấy vậy, chồng và mẹ chồng đều bảo cô nghỉ ngơi và làm ít thôi kẻo mệt, nhưng Hạnh vẫn cố làm, bởi cô nghĩ làm mãi sẽ quen thôi...

Cũng như bao gia đình nông thôn khác, nhà chồng Hạnh cũng nuôi gà, nuôi lợn nên sáng sớm mẹ chồng cô thường dậy rất sớm để nấu cám, rồi chuẩn bị đồ ăn sáng cho chồng, con dậy ăn để đi làm, đi học. Mới về nhà chồng, do chưa quen dậy sớm nhưng khi thấy mẹ chồng dậy là cô cũng bật dậy để phụ giúp bà. Thương con dâu, bà bảo: "Thôi, con cứ ngủ đi, mấy công việc này mẹ làm quen rồi. Mà nó cũng có nặng nhọc gì đâu". Mặc dù vậy, Hạnh cũng không đi ngủ tiếp mà vẫn làm bếp cùng mẹ chồng. Nhiều hôm hai mẹ con ngồi đun rơm nấu cám chuyện trò râm ran tới khi trời sáng hẳn. Những lúc như vậy mẹ chồng thường kể rất nhiều chuyện về họ hàng, làng quê để cô hiểu.

Hạnh gặp được bà mẹ chồng như vậy là một điều tuyệt vời. Không chỉ cảm thông với những bỡ ngỡ trong cuộc sống, cách cư xử... của con dâu, mẹ chồng Hạnh luôn thương yêu cô như con đẻ chứ không chì chiết, để ý, đay nghiến... như một số bà mẹ chồng khác. Vẫn biết là Hạnh "gặp may", nhưng chính bản thân cô cũng đã luôn nỗ lực, chăm chỉ học hỏi mọi điều hay lẽ phải để hòa nhập cuộc sống mới ở quê - nơi có nhiều điều khác hẳn với cuộc sống chốn thị thành. Chính vì lẽ đó mà sau vài năm làm dâu ở quê, Hạnh đã trở thành người "năng động", hoạt bát, bởi như cô nói thì phải biết "hội nhập", tiếp thu để biến mình hoàn thiện hơn trong cuộc sống...

GIA LONG