Cảm động với "Giang hồ nhớ mẹ"

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 14:37, 14/01/2014


Hàn Mặc Tử viết bài thơ Giang hồ nhớ mẹ vào khoảng năm 1935 khi một thân một mình từ Quy Nhơn sương gió giang hồ vào Sài Gòn làm báo theo lời mời của một người bạn. Một chàng trai hai mươi ba tuổi lần đầu tiên xa gia đình dấn thân vào đất Sài thành hoa lệ làm sao không khỏi chạnh lòng nhớ những người thân thiết, nhất là hình ảnh người mẹ chốn quê nhà. Theo như ông Nguyễn Bá Tín, anh ruột của Hàn Mặc Tử, giữa đất trời phương Nam vời vợi ấy, thi phẩm Giang hồ nhớ mẹ được xem là bài thơ đầu tiên được Hàn Mặc Tử viết trong chuyến “Hành phương Nam” bất đắc dĩ với nỗi niềm cảm thán của một thi sĩ tài hoa:

"Mình không hò hẹn bước giang hồ
Lưu lạc quê người mới khổ cho".


“Không hò hẹn” mà hóa ra “lưu lạc” chẳng khác nào một cuộc dấn thân nên mới khổ. Đây là kiểu cảm khái trực tiếp, sau này thơ Hàn không có kiểu cảm này mà thường thông qua các biểu trưng "hồn", "máu", "trăng" để chuyển tải tâm trạng đau thương. Tâm trạng Giang hồ nhớ mẹ của tác giả cảm động nhất là ở hai câu thực qua hình ảnh gợi cảm “nước chảy thương thân bèo bọt nổi”. Chính không gian nghệ thuật được mở rộng ở cấp không gian vũ trụ ta càng cảm nhận được sự bé nhỏ, chơi vơi của kiếp đời thi sĩ giữa chốn phồn hoa đô hội.

Giang hồ nhớ mẹ

HÀN MẶC TỬ

Mình không hò hẹn bước giang hồ,
Lưu lạc quê người mới khổ cho.
Nước chảy thương thân bèo bọt nổi,
Mây bay nhớ mẹ sớm hôm chờ.
Thằng con bất hiếu đi đành đoạn,
Trời đất vô tình lại đắn đo.
Muôn dặm non Tần xa thăm thẳm,
Ý chừng chim nhạn biếng đưa thư.

"Mây bay nhớ mẹ sớm hôm chờ". Hình ảnh mây bay vừa bảng lảng bóng dáng người mẹ với mái đầu tóc bạc tựa cửa chờ con, vừa gợi ta nhớ đến một điển tích cũ khi Địch Nhân Kiệt hướng về đất Tần mà nói với cấp dưới mình rằng: Dưới mây kia là nhà của mẹ ta đó. Từ nỗi niềm nhớ mẹ nơi đất khách, Hàn Mặc Tử tự trách mình là thằng con bất hiếu nỡ bỏ mẹ mà đi đành đoạn. Bốn phụ âm "đ" đối nhau qua cặp từ “đành đoạn - đắn đo” trong hai câu luận cứ như nhói lên nỗi đau đứt ruột của nhà thơ khi hoài tưởng về mẫu thân:

"Thằng con bất hiếu đi đành đoạn/Trời đất vô tình lại đắn đo".


Ở hai câu thơ kết, Hàn Mặc Tử sử dụng hình ảnh mây Tần tượng trưng cho hình ảnh quê nhà xuất xứ từ câu thơ của Hàn Dũ: “Vân hành Tần lĩnh gia hà tại?” (Đám mây che ngang núi Tần kia không biết nhà mình ở đâu?”). Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có hai câu thơ lấy điển tích này rất hay: “Đoái thương muôn dặm tử phần/ Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa”.

Đọc bài thơ Giang hồ nhớ mẹ, không ai không thấy ngậm ngùi xúc động. Ta không những cảm nhận được tâm hồn nhà thơ yêu thương mẹ mình hết mực và thể hiện nỗi nhớ ấy một cách thiết tha, chân thực vô cùng. Với bài thơ này, người đọc còn thấy được tài năng làm thơ Đường rất xuất sắc của Hàn thi sĩ, đúng như nhận định của Nguyễn Tấn Long, tác giả của Việt Nam thi nhân tiền chiến: “Hàn Mặc Tử từ địa hạt thơ Đường luật bước sang địa hạt Thơ mới, cho nên tuy vui duyên mới mà không quên hẳn tình xưa”. Có lẽ thế mà Giang hồ nhớ mẹ tuy không nằm trong mạch nguồn Thơ mới, vẫn được nhiều người nhớ và thuộc cho đến tận hôm nay.

LÊ THÀNH VĂN