Làm mẹ đơn thân, nên hay không ?
Đời sống - Ngày đăng : 06:14, 21/01/2014
Sinh con và nuôi dạy con một mình thực sự là một thử thách lớn trong cuộc đời của người phụ nữ, chưa kể tới những hệ lụy, thiệt thòi cho con trẻ.
Nhiều bà mẹ đơn thân có hoàn cảnh rất khó khăn, éo le. Trong ảnh: Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ngân hàng
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Hải Dương trao nhà "mái ấm tình thương"
cho chị Nguyễn Thị Hạnh, mẹ đơn thân ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng)
Mẹ đơn thân, họ là ai?
Hằng ngày, chị Nguyễn Thị H., khu 4, phường Cẩm Thượng (TP Hải Dương) phải dậy từ 5 giờ sáng chuẩn bị để gửi con ở một nhóm trẻ tư nhân rồi đến làm việc tại văn phòng một công ty trong khu công nghiệp Đại An. Chiều tối tan ca, chị lại tất tả về đón con. Nhìn cậu con trai 3 tuổi ngày một khôn lớn, khỏe mạnh lòng chị ngập tràn cảm xúc. Lựa chọn cho mình giải pháp làm mẹ đơn thân ngần ấy năm, phải đối diện bao điều tiếng, khó khăn nhưng chị hài lòng với vai trò vừa làm mẹ, vừa làm cha của mình. Chị H. chia sẻ: “5 năm trước, tôi yêu một người bạn làm cùng công ty. Khi biết mình có thai, chúng tôi quyết định tổ chức lễ cưới nhưng không may anh ấy mất vì một tai nạn giao thông. Dù gia đình khuyên can nhưng tôi vẫn quyết định giữ lại đứa bé, bởi đó chính là kết quả của tình yêu đầu đời với người mà tôi hết mực yêu thương. Suốt thời gian mang thai và nuôi con, tôi phải đối mặt với khó khăn về vật chất, thiếu thốn tình cảm. Tuy vậy, tôi vẫn cố gắng giữ tâm lý thăng bằng, thu xếp mọi việc vừa đi làm vừa nuôi con".
Chị Nguyễn Thu Ph., quê ở xã Phúc Thành (Kinh Môn), nhân viên tư vấn bảo hiểm là mẫu người phụ nữ hiện đại, xinh đẹp và cá tính. 32 tuổi, chị từng trải qua hai mối tình nhưng đều bị phản bội. Tổn thương về tình cảm khiến chị có cái nhìn khác về đàn ông, dè dặt và hoài nghi. Tuy nhiên, là phụ nữ chị luôn có khao khát làm mẹ nhưng lại không muốn ràng buộc cuộc đời với một người đàn ông nào. Cuối cùng chị quyết định lựa chọn “vờ yêu” một người để sinh con. Khi biết mình có thai, chị đã chủ động chuyển chỗ ở và cắt đứt mọi liên lạc với người đàn ông đó. Hiện tại, con gái chị đã được hơn 1 tuổi, khỏe mạnh, xinh xắn và ngoan ngoãn. Chia sẻ về quyết định làm mẹ đơn thân của mình, chị Ph. nói: "Trước đây, tôi không nghĩ mình sẽ là một bà mẹ đơn thân. Tôi cũng mong ước một mái ấm gia đình với người mình yêu, thương và có những đứa con ngoan. Tuy nhiên, sau hai lần yêu tôi đều bị phản bội. Ở tuổi 30, mỗi khi ra đường gặp những em bé xinh xắn, đáng yêu, khao khát làm mẹ thôi thúc tôi chọn giải pháp làm mẹ đơn thân. Thời gian đầu sinh con một mình tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn, áp lực, đôi lúc rất ê chề trước những cái nhìn thiếu thiện cảm của mọi người. May là bên cạnh tôi luôn có bạn bè động viên, yêu thương. Bây giờ thì tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình”.
Chị Trần Phương L., quê Vĩnh Phúc, từng là sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, sau khi ra trường ở lại Hải Dương tìm việc làm. Trong lúc chờ xin việc, chị trót yêu một người đàn ông có gia đình. Yêu anh nhưng cũng không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình của anh, chị chủ động có với anh một đứa con. Sau khi sinh con, một mình vật lộn với đủ thứ chi phí trang trải cuộc sống, tiền thuê nhà, tiền gửi con, rồi những lúc trái gió trở trời, con đau ốm, không có người đỡ đần, nhiều đêm, chị bất lực ôm con khóc một mình...
Đừng để thiệt thòi cho con trẻ
Xu hướng làm mẹ đơn thân ngày càng gia tăng. Nhiều phụ nữ làm mẹ đơn thân do hoàn cảnh (chồng mất hoặc ly hôn), nhưng lại có không ít phụ nữ chủ động sinh, nuôi con một mình. Theo bà Nguyễn Hà Phương, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh), nguyên nhân khiến bà mẹ nuôi con một mình càng ngày càng gia tăng một phần là tỷ lệ ly hôn tăng cao, đồng thời phụ nữ đã mạnh mẽ, chủ động hơn về kinh tế, công việc, họ có thể bảo đảm cho con cái một cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, quan niệm của xã hội không còn hà khắc như trước, phụ nữ không nhất thiết phải kết hôn mới sinh con. Nhiều phụ nữ bị phản bội, lỡ làng trong chuyện tình cảm khiến tâm lý không muốn lấy chồng nhưng vẫn muốn có con. Nhưng cũng có không ít phụ nữ sống dựa dẫm lựa chọn giải pháp làm mẹ đơn thân để được người đàn ông bao bọc, chu cấp tài chính...
Tuy nhiên, làm mẹ đơn thân dù trong bất cứ trường hợp nào thì thiệt thòi cũng thuộc về những đứa trẻ. Theo thày giáo dạy môn tâm lý Trường Cao đẳng Hải Dương, Nguyễn Văn Hưng, những đứa trẻ không cha rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Lúc nhỏ các em hay tủi thân khi mình không có bố chăm sóc, đưa đón đi học. Lớn hơn trẻ thường mặc cảm, tự ti với bạn bè vì không biết bố mình là ai. Vì vậy, trước khi quyết định làm mẹ đơn thân, phụ nữ cần lường trước những khó khăn sẽ gặp phải để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tinh thần cũng như vật chất cho tương lai của con trẻ.
Làm mẹ là quyền thiêng liêng của mỗi phụ nữ, xã hội cần bảo vệ, nhưng đã là mẹ đơn thân thì không thể tránh khỏi có những thiệt thòi, thiếu thốn về kinh tế, tình cảm. Ngoài ra, sự thiếu hụt sự che chở của người cha còn ảnh hưởng không nhỏ đến tâm, sinh lý của con sau này. Thực tế cho thấy, đa số mẹ đơn thân trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và thường yếu thế. Nhiều chị đau ốm, hoạn nạn không ai chăm sóc. Họ bị sức ép từ cha mẹ, họ hàng, không dễ gì vượt qua. Đặc biệt, đối với đứa trẻ, người mẹ dù có cố gắng đến đâu cũng không thay thế được vai trò người cha.
NGÂN HÀ