Gốc đào cằn

Truyện ngắn - Ngày đăng : 09:59, 21/01/2014


Minh họa: Văn Hà

Lại rét ngọt. Gió bấc cồn cào, thốc tháo dồn qua khe cửa vào nhà. Bà Mỵ ngồi thu chân trên tấm phản gỗ, nửa nhìn ra cửa, nửa như chỉ dõi vào khoảng vô định trước mặt. Đã qua Tết ông Táo mà thằng Tình vẫn bặt tăm hơi. Bà Mỵ chống tay xuống mặt phản, gò người ra ngoài, thõng chân xuống đất. Chút hơi nóng từ tiếng thở dài ép từ khuôn ngực gầy thoát qua cái cổ nhăn nheo quấn mấy vòng khăn phu la của bà chẳng át được luồng gió bấc vừa hút vào nhà từ cái khe cửa nhỏ. Chống hai tay vào đầu gối, bà Mỵ cố đứng thẳng người lẩm nhẩm: “Thôi giời không chịu đất thì đất đành phải chịu giời… Nó muốn bứng, muốn đào gì thì mặc nó…”

Chầm chậm ra vườn. Gốc đào già vẫn im lìm chìm giữa vô vàn cây lá khác. Bà Mỵ không hiểu thế cây, thế cối ra sao mà thằng Tình, con trai bà lại um sùm lên, nhất quyết đòi Tết này phải bứng gốc đào mang lên phố bằng được. Bà Mỵ không đồng ý, nó vùng vằng bỏ đi, giờ này vẫn bặt tăm hơi…

Bà bấm bụng thở dài. Gốc đào vẫn thế. Xù xì, gân guốc những hốc, những mấu, những mắt, những tay… Vỏ ngoài nâu thẫm, lấm chấm vẩy mốc như vết đồi mồi trên tay người già. Cành thì khẳng khiu, lá thì lơ phơ. Mấy năm rồi, mặc xuân, hạ, thu, đông, nó vẫn chẳng ra hoa, chỉ vài túm lá phất phơ trên đầu cành khẳng khiu như mấy chiếc răng còn sót lại trong khuôn miệng móm mém của người già. Vậy mà hết lượt này tới lượt khác xe máy chạy ra chạy vào rồi họ xuống ngắm nghía. Mảnh đất giữa vườn nhà bà Mỵ lì dần đi. Bà nghe loáng thoáng thế rồng, thế phượng gì đó. Cứ u u minh minh như giữa cõi mịt mờ…   

Gốc đào cằn này là những gì ông Ân, chồng bà để lại. Bao cây lá trong vườn từ ngày ông bà mới ra đất này, vật từng hòn đất thó lên lập vườn đều đã long rễ, trốc gốc, chết hết, chỉ còn gốc đào... Gió bấc lại thốc về. Mấy túm lá đào mốc thếch xác xơ vật vã trên đầu cành xơ xác…

Năm ấy, lụt lút mái gianh, nước trắng băng cả làng. Trên cái bè ghép vội bằng mấy thân chuối hột, vợ chồng Ân Mỵ bồng thằng Tình ngụp lặn ra đê. Củi lửa không. Gạo muối hết… Cu Tình như con mèo hen ọ ẹ trong cái áo cánh tơi tả của bố. Cầu cạnh mãi, gần bốn mươi mới sinh được tí con đầu lòng, chị Mỵ lả người, rớt như tàu lá héo, ngực lép kẹp, không một giọt sữa. Anh Ân phải nhai gạo sống, nhè miệng cu Tình nhổ nước gạo vào phì phì. Nước rút, từ mái gianh, bờ tường… phủ một lớp phù sa đỏ sậm. Nắng bừng lên. Cây cối úng nước, gặp nắng lả dần, rũ lá, thối gốc, gục xuống…Mảnh vườn vừa hoe xanh lại xác xơ. Anh cu Tình (từ ngày có cu Tình, người làng không gọi tên vợ chồng Ân Mỵ nữa mà gọi bằng anh cu, chị cu kèm tên con là thằng Tình) lại lặn lội sang tận Ba Đông, xin từng mầm chuối về quật đất lên trồng. Rồi bưởi, cam, táo… Lụt qua hơn ba tháng thì Tết chạm ngõ. Túp lều của vợ chồng Ân Mỵ trống hơ. Chỉ có tiếng cười con trẻ quấn vào sợi khói đống rấm ủ chống rét trong góc lều làm ấm lại.

*

Đông qua. Mầm cây trong mảnh vườn nhỏ xanh dần như hy vọng no đủ xua đuổi cái đói nghèo. Tiết giêng hai, bà Mỵ thấy chồng lúi húi cắm cọc bao quanh cái cây nhỏ giữa vườn. Chưa kịp cất tiếng hỏi, ông Ân đã ngẩng đầu, nhìn vợ, mặt tươi rói: “Trời thương cảnh nghèo, chắc cho xuân đến nhà ta mãi. Cây đào non đây, chim chóc ăn quả ở đâu nhả hạt, nảy mầm đất này. Chăm chút cho nó, vài năm nữa, Tết đến, xuân về vườn mình sẽ rực hoa…” Mầm đào non nớt ấy lớn dần, được vài gang tay lại bị sâu ăn mất ngọn. Ông Ân xót xa, bần thần cả người, lúi húi lấy gai bưởi khêu dần theo vết sâu đi, bắt bằng được. Rồi cây đào hồi sinh. Nó không bật ngọn cao, chỉ có phần thân đã bị sâu ăn cứ thế dài dần, tầm hơn mét thì dừng lại, phình to ra chứ nhất định không chịu cao thêm nữa.

Vợ chồng ông bà Ân Mỵ lần hồi rồi cũng cất được căn nhà một gian hai chái trên mảnh đất ấy. Mảnh vườn ngày một xanh tươi. Những bưởi, ổi, na, mít dần tròn bóng. Lập xuân năm ấy, cây đào bói lứa hoa đầu tiên. Những bông hoa màu hồng phấn xòe năm cánh mỏng như làn da trên má gái đồng trinh. Năm ấy, cu Tình cũng bắt đầu đi học lớp vỡ lòng của thầy Giản ngoài đình làng. Tối tối, nhìn con trai bò nhoài trên chiếc chõng tre bên ngọn đèn dầu lạc, đôi môi chúm chím theo đường tô từng nét chữ, bao mệt nhọc của một ngày vật lộn với đất đai ruộng đồng của vợ chồng bà trôi sạch.

*

Năm năm. Cu Tình vào lớp năm, phổng phao dẫu chỉ cơm khoai, rau mắm. Căn nhà nhỏ giờ được xây luồn gianh, ba bề bốn bên vững chãi. Cây cối trong vườn đã hoa trái đơm bông.

Trời tháng sáu, nắng như đổ lửa. Cu Tình đen nhẻm vứt giỏ cua đồng bên thềm, chạy ào ra vại nước mưa dưới gốc cau. Dòng nước mát rượi đang chảy tràn trên cổ nó, bỗng nghe bà cụ Mão gọi thất thanh: “U con cu Tình đâu, ra cõng thầy mày về…” Bà Mỵ sấp ngửa lao từ ngoài mạn đê về, vứt cái rổ mau tuột cạp lúc nhúc bùn lẫn chạch giữa sân, bổ ra ngõ. Cu Tình chưa kịp hiểu chuyện gì, nó vứt gáo dừa lao theo. Bóng hai mẹ con chấp chới giữa trưa hè hướng về phía đồng Dậu. Thầy cu Tình đang cày khu ruộng chân triều ngoài ấy.

Bà Mỵ ngả nón quạt phành phạch cho chồng. Cu Tình lách đám người vây kín chui vào. Thầy nó khi ấy đã mềm nhũn trên tay chú Dậu, con cụ Mão. Con trâu sứt phì phò đằng trước, cổ vẫn chưa được tháo ách. Cái ấm tích sứt vòi còn phân nửa nước cháo loãng lăn tung tóe bên cạnh. Tiếng ai đó chẹp miệng: “Khổ, cảm thương hàn rồi. Nắng sôi bùn thế này, người ốm dở, lại cứ tiếc phiên trâu… Tham công tiếc việc quá mà… Thôi đưa bác ấy về, tắm rửa đi, chả kịp nữa đâu…” Về tới sân thì thầy thằng Tình đi…

Bà Mỵ đưa tay quệt nước mắt trên khuôn mặt nhăn nheo. Bao chuyện vui buồn của vợ chồng bà, của cu Tình gắn với mảnh đất, căn nhà, khu vườn và cây đào già kia. Thế mà đã hơn ba mươi năm… Từ sau đận ấy, cây đào phai giữa vườn không nở hoa thêm một mùa nào nữa. Nó cứ trơ trơ, nảy lộc rồi rụng lá, thân gồ lên những mấu, những u. Lớp vỏ ngoài xù xì bong tróc rồi lại thay lớp mới… Nó không chết, không vươn cao cành nhưng cũng chẳng nở hoa. Với bà Mỵ, nó là bạn, là hình bóng ông Ân. Bà vẫn tin thân gỗ xù xì kia có linh hồn. Và giờ, thì thằng Tình đang nhất định đòi bứng gốc cây đào già ấy. Nó cần món quà độc để biếu người trên cơ quan. Không biết nó nghĩ gì, chỉ thấy nó thì thầm với vợ: “Thế mới là quà độc. Giờ tìm đâu ra gốc đào như thế… Thế mới là được việc”. Bà Mỵ không biết vợ chồng nó mưu cầu việc gì, chỉ mới nghĩ đến việc không còn gốc đào cằn giữa vườn đã thấy như đứt ruột. Nhưng đời bà chỉ có mình nó, dành cho nó hết, không lẽ giờ tiếc con cái gốc đào già? Chạm bàn tay nhăn nheo, khẳng khiu vào lớp vỏ cây cằn cỗi, bà Mỵ thì thầm: “Ông ơi, thôi thì cả tôi với ông đều có thể chết thay con, tiếc gì một gốc đào cằn. Ông bằng lòng cho nó bứng mang đi lo việc ông nhá…”

*

- Bà lão đi đâu mà cửa giả tênh hênh thế này? Tháng củ mật rồi… Giọng bà Dậu gióng giả ngoài rặng râm bụt.

- Thím sang đấy à? Có gì đâu mà lo củ mật với củ từ… Bà Mỵ thập thõm từ vườn vào - Tuốt cho đám lá đào đi, vài hôm nữa anh cu Tình về bứng đi lên nhà trên phố… Rồi bà cười mà miệng như mếu: “Ồi dào, trên tỉnh mới cần hoa cỏ, chứ quê mùa như tôi với thím thì cỏ hoa mà làm gì. Mắt thì toét nhoèn, cây có đẹp như Kiều thì cũng như mớ củi...”

- Hoa nụ đâu mà bứng đi? - Bà Dậu hiếng mắt - Dễ có vài chục năm, từ đận bác giai mất, em tịnh có thấy cây đào này có hoa nụ gì đâu? 

- Vưỡn biết thế. Nhưng mà nó thích… Đời tôi thì còn gì tiếc nó đâu thím?

- Ôi dào. Thiếu gì thứ thích mà cứ phải bứng cái cây đào này? Cái thằng đến lạ. Thích gì thì thích nhưng kỷ vật của thầy nó thì nó phải để lại vườn nhà chứ. Bác mà chiều nó quá là dễ mất gốc lắm đấy. Con cái không biết quý hóa cha mẹ, ông bà, tiên tổ, không nhớ gốc gác cội nguồn thì có làm đến ông giời cũng vứt… Bà Dậu đưa tay quệt cốt trầu vương ra mép…

- Ờ thì… Bà Mỵ ngập ngừng…

- Thì gì… Bao cây cối bác giai trồng, lần hồi rồi chết cả. Chỉ còn có gốc đào cằn này. Nói phải tội, có khi nó là bác ấy ẩn hồn cũng nên… Thế mà nó định bứng đi đâu?

- Ờ thì…

*

Choẹt, choẹt, choẹt! Tiếng chim khách giục liên hồi ngoài ngõ. Hai bà già dừng chuyện, hóng mắt ra rặng râm bụt. Bóng trẻ con lon ton chạy vào, giọng ngọng líu: “À ội ơi! À ội ơi!”.

Vợ chồng con cái nhà Tình đã về, tay xách lễ mễ bọc túi. Bà Mỵ ôm choàng lấy thằng cháu nội, tạm quên nỗi buồn về cây đào cằn. Nhưng bà Dậu thì không. Nhìn Tình chững chạc comle, cà vạt, tươi cười “Con chào thím”, bà Dậu hứ nhẹ:

- Anh quý tử đã về. Thôi mẹ con bà hàn huyên đi, tôi về. Tôi là tôi không có muốn nhìn cái thứ mất gốc…

- Thím ơi! Cháu ngoài ngõ đã nghe rồi. Nhất định không bứng gốc đào già của hai cụ đi nữa đâu - Tình ôm vai bà Dậu, ấn nhẹ xuống thềm - Thím cứ ngồi xuống đây, chơi với bà con cháu, không phải giận hờn thế…

- Ơ - Bà Dậu lại nhướng đôi mắt ầng ậc nước vì lông quặm - Thế anh nghe thủng chuyện rồi hử? Rồi quay sang bà Mỵ - Sao em với bác nói nhỏ thế mà nó cũng nghe được nhỉ?

- “Ì ai à ùng iếc”! Thằng cháu nội xòe hai bàn tay bụ sữa, nâng đôi má nhăn nheo của bà Mỵ, liến thoắng “Áu yêu à ất”… Bà Dậu ngẩn người. Còn bà Mỵ cười rũ: “Vì hai bà cùng điếc”! Thằng chó con này nó chả vừa bảo đấy thôi! Tôi với thím cùng điếc thì nói thầm cũng thành thủng chuyện rồi!

- Mẹ ơi! Cây đào cằn ra nụ mây rồi này! Tiếng vợ Tình từ ngoài vườn reo lên! 

Nắng hừng lên rọi khắp vườn những tia vàng mượt hình rẻ quạt.

Truyện ngắn củaTRƯƠNG THỊ THƯƠNG HUYỀN