Công nhân chật vật lo Tết

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 04:34, 22/01/2014

Thu nhập còn thấp, phải căn cơ lắm mới đủ trang trải được cuộc sống hằng ngày nên dịp Tết Nguyên đán, nhiều CNLĐ lại căng ra với bài toán chi tiêu.



Chị Nguyễn Thị Vinh công nhân Công ty TNHH Hùng Dũng (khu công nghiệp Đại An)
 động viên con mặc áo cũ trong những ngày Tết


Những nỗi lo có thật

Gần 7 giờ tối, chúng tôi đến một khu trọ ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương) nhưng phải hơn 1 tiếng sau mới gặp được một nữ công nhân vừa đi làm về. Đó là chị Nguyễn Thị Thơm (quê ở huyện Ninh Giang) hiện đang làm công nhân Công ty TNHH May Trấn An. Mang câu chuyện thưởng Tết của các doanh nghiệp ra chia sẻ, giọng chị Thơm buồn buồn: "Gần đến Tết công ty nào cũng tăng ca nên cả xóm trọ đã có ai về đâu. Công ty chỗ tôi làm là được về sớm nhất đấy. Nhưng được về sớm thì tiền thưởng cũng chẳng đáng là bao. Năm nay, tôi nghỉ mất mấy tháng thai sản nên tính ra cũng chỉ được vài ba trăm nghìn đồng tiền thưởng là cùng. Còn chồng tôi làm ở một xưởng cơ khí tư nhân, chưa năm nào được tiền thưởng Tết cả. Năm nay nhà tôi lại thêm một đứa con nên chi tiêu cũng nhiều hơn. Đi làm cả năm lương công nhân hai vợ chồng cũng chỉ đủ tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống hằng ngày. Giờ Tết đến, vui thì ít mà lo thì nhiều. Bởi tính ra, lo chi dùng cho mấy ngày Tết là "đi toi" tháng lương của cả hai vợ chồng. Chắc chắn ra giêng tôi lại phải đi vay để sống".

Cùng cảnh ngộ ấy là vợ chồng anh Nguyễn Tiến Nam (quê Thanh Hóa), công nhân ở khu công nghiệp Nam Sách (TP Hải Dương). Với đồng lương công nhân có hạn nên năm nào Tết đến vợ chồng anh Nam cũng bàn đi tính lại xem có nên về quê hay không. Nếu về chắc chắn sẽ tiêu hết số tiền mà 2 vợ chồng ki cóp từ đầu năm. Cuối cùng vợ chồng anh Nam quyết định cứ cách 2 năm mới về quê ăn Tết 1 lần. Năm ngoái 2 vợ chồng anh Nam đã ở lại nhà trọ đón Tết cùng với người dân thôn Độc Lập (phường Ái Quốc, TP Hải Dương) nên những ngày này anh chị đang tất bật tìm mua những món đồ cần thiết nhưng giá cả phù hợp để chuẩn bị lên đường về quê. Năm nay có thêm con nhỏ nên Nam bảo các khoản mua sắm cũng tốn kém hơn nhiều.

Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là nghỉ Tết nhưng chị Trần Thị H., công nhân Công ty Lilama 69-3 Hải Dương, vẫn rất băn khoăn vì không biết công ty có hỗ trợ gì không. Nếu như năm ngoái thì chắc chắn chị sẽ không lo lắng nhưng năm nay công việc làm ăn của công ty không tốt, nhiều công nhân đã phải thanh lý hợp đồng, người thì xin vào nơi khác, nhiều người vẫn thất nghiệp còn phải ở nhà. Tuy là may mắn được ở lại làm việc nhưng tính đến thời điểm này công ty vẫn nợ lương tháng 11, 12-2013 của công nhân. Chị H. cho biết: "Tuy chưa có thông báo chính thức nhưng công nhân chúng tôi cũng có nghe là công ty vẫn duy trì mức thưởng Tết. Không biết, cùng với thưởng Tết công ty có trả hết tiền lương nợ cho người lao động hay không. Thời gian gần đây công việc ít, lương cũng ít theo, cộng với việc công ty nợ lại lương nên cuộc sống của công nhân chúng tôi rất khó khăn, thành ra công nhân chúng tôi chẳng biết mua sắm gì khi mà Tết nhất đã đến nơi".

Tỉnh ta hiện có khoảng 7.000 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 26 vạn CNLĐ. Theo tổng hợp của Liên đoàn Lao động tỉnh, trong năm 2013, thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp chuyển đổi đạt khoảng 2,5 - 3,2 triệu đồng/người/tháng; tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 2,8 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Với mức lương này cộng với việc nhiều CNLĐ phải đi ở trọ, chịu mức tiền điện, nước... cao, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ khiến cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn. Nhiều CNLĐ chia sẻ họ phải cực kỳ tiết kiệm mới đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, không dám tiêu dùng trong dịp Tết. Đấy là chưa kể trong năm qua, tỉnh ta có 465 doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động cùng hàng trăm doanh nghiệp sản xuất khó khăn phải hoạt động cầm chừng. Theo đó hàng nghìn CNLĐ mất việc làm hoặc thu nhập giảm sút. Ngoài việc không có tiền sắm Tết, họ còn canh cánh nỗi lo công ăn việc làm. Một thực tế khiến CNLĐ thêm chật vật lo Tết nữa là không phải doanh nghiệp nào cũng có hỗ trợ tiền Tết cho họ. Cụ thể, trong số 234 doanh nghiệp được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khảo sát thì vẫn có 39 doanh nghiệp không có thưởng Tết cho người lao động.

Chung tay giúp đỡ

Trước thực tế khó khăn của CNLĐ, giúp họ thêm niềm vui trong những ngày Tết đến, xuân về, phần lớn các doanh nghiệp đã có hỗ trợ cho họ tiền thưởng Tết. Vẫn theo khảo sát trên của Sở lao động, Thương binh và Xã hội trong số 195 doanh nghiệp có hỗ trợ thì bình quân khối doanh nghiệp FDI thưởng với mức bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng; các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu bình quân khoảng 1,1 triệu đồng. Ngoài ra, rất nhiều doanh nghiệp, các công đoàn cơ sở cũng chung tay giúp những CNLĐ khó khăn đón Tết thêm trọn vẹn. Điển hình như Đoạn Đường sông Hải Dương, Tết này, đơn vị trích tiền hỗ trợ 28 suất quà cho công nhân hoàn cảnh khó khăn, trị giá từ 300 - 500 nghìn đồng/suất. Công đoàn Công ty TNHH May Đồng Tâm (TP Hải Dương) trích "Quỹ Đồng Tâm" hỗ trợ 10 CNLĐ với mức khoảng 1 triệu đồng/người. Một số Công ty như: Shins - BVT, Makalot, Sumidenso... vào dịp gần Tết, thường tổ chức các chương trình bốc thăm trúng thưởng với nhiều phần quà giá trị như xe máy, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện... Đây cũng là một hình thức hỗ trợ CNLĐ thêm vui trong những ngày xuân đón Tết.

"Một miếng khi đói bằng cả gói khi no", sự hỗ trợ kịp thời của các doanh nghiệp đối với CNLĐ trong dịp Tết đến xuân về là vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên về lâu dài, để CNLĐ thực sự không còn phải lo lắng, luôn có những ngày Tết đầm ấm bên người thân, gia đình, cần các cơ quan hữu quan, đặc biệt là phía doanh nghiệp có nhiều biện pháp hỗ trợ để họ có việc làm và thu nhập ổn định; những yếu tố liên quan trực tiếp đến cuộc sống như nhà ở, các vấn đề an sinh xã hội... được bảo đảm. Nền tảng vững chắc ấy mới thực sự là "mùa xuân" của CNLĐ.

NGỌC THANH