Mùa hành ở Nam Sách

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:19, 23/01/2014

Cây hành vụ đông đã gắn bó với nông dân Nam Sách. Lợi ích kinh tế từ cây hành góp phần đem lại đời sống ấm no cho người dân nơi đây...



Bà Nguyễn Thị Bệu năm nay đã 80 tuổi cũng tham gia sơ chế hành

Đến Nam Sách vào thời gian này, mắt ai cũng... cay cay bởi từ quốc lộ, đường xã, đường thôn, trong nhà, ngoài ngõ, đâu đâu cũng thấy “bóng dáng” của hành. Trong những câu chuyện thường ngày, cây hành trở thành đề tài nóng hổi.

“Không gì bằng trồng hành vụ đông”

Ông Lê Viết Hộp ở thôn An Đông, xã An Bình (Nam Sách) là người có thâm niên trồng hành. Ông cho biết: "Tôi trồng hành đã mấy chục năm nay. Từ bé đã theo bố mẹ đi trồng hành. Đến đời tôi, con tôi lại tiếp tục gắn bó với cây hành. Năm nay, gia đình tôi chỉ trồng 4 sào hành nhưng do bán hết ngay từ đầu vụ nên được giá 28 nghìn đồng/kg. Năng suất 4 tạ/sào, trung bình một sào hành thu được từ 8 - 9 triệu, trừ chi phí thì vụ đông này thu về 30 triệu. Nói chung, cấy gì thì cấy, trồng gì thì trồng cũng không bằng trồng hành vụ đông".

Chị Lương Thị Hợp đang hối hả thu hoạch hành. Khi được hỏi về trồng hành vụ đông, chị vui vẻ nói: "Ước gì một năm trồng được 2 - 3 vụ hành. Mỗi năm chỉ được trồng có một vụ nông dân vẫn còn “thèm thuồng” lắm!". Chị Hợp cho biết gia đình chị trồng 5 sào hành. Đầu vụ được 2 - 3 tạ/sào, cuối vụ được 2 - 5 tạ/sào. Đầu vụ được giá 30 nghìn đồng/kg, cuối vụ hành đẹp mới được 15 nghìn đồng/kg, hành xấu chỉ được 10 nghìn đồng/kg. “Đầu vụ giá cao nhưng ít “đầu tạ” (ý nói năng suất thấp - PV), cuối vụ giá rẻ nhưng lại được nhiều “đầu tạ”. Dù thế nào cũng được trung bình 5 triệu đồng/sào. Trồng hành chẳng đi đâu mà thiệt!”, chị Hợp chia sẻ.

Trồng hành cho thu nhập cao và nhàn hơn nhiều cây rau màu khác nên cho đến nay, ở Nam Sách chưa cây nào và cũng chưa công việc gì có thể khiến nông dân bỏ cây hành. Trước đây, chị Lê Thị Hường ở Đông Thôn, xã Quốc Tuấn làm công nhân cho một xưởng sản xuất hương ở địa phương. Dù thu nhập cao nhưng “tính đi tính lại” vẫn không bằng trồng hành. Thế nên sau một thời gian, chị bỏ làm hương, quay về trồng hành.

Ông Vũ Thành Nho, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quốc Tuấn cho biết: "Chưa bao giờ trồng hành lại thuận lợi như năm nay. Càng về cuối vụ thời tiết càng thuận lợi nên hành to, đẹp. Diện tích hành ở Quốc Tuấn khoảng 60 ha, chiếm 57,14% diện tích vụ đông. Năng suất có nơi lên đến 6 tạ/sào. Nông dân địa phương có tập quán trồng hành sớm nên được giá. Bình quân mỗi sào thu được 6 triệu đồng".

Người già cũng tham gia

Bà Phạm Thị Nhỡ ở thôn An Đông, xã An Bình đã gần 70 tuổi cũng tham gia sơ chế hành. Bà Nhỡ kể: "Ngày thường tôi chỉ cắt cỏ, chăn bò, già rồi biết làm gì ra tiền. May nhờ vụ hành này mới có Tết đấy!". Hiện tại, bà Nhỡ cắt gốc hành thuê, cứ 1 kg bà được trả 1.000 đồng. Mỗi ngày, bà kiếm được 100 nghìn đồng.

Cơ sở thu mua hành do chị Nguyễn Thị Mùi làm chủ ở thôn Đông Thôn, xã Quốc Tuấn trung bình mỗi ngày thu mua 20 tấn hành. Cao điểm thu mua hơn 40 tấn/ngày. Cơ sở của chị tạo công ăn việc làm cho 30 công nhân.

Ông Vũ Thành Nho, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Quốc Tuấn cho biết: "Thu hoạch hành vụ đông tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động. Ngay cả người già và các em học sinh cũng tìm được công việc phù hợp với sức khỏe để tham gia lao động. Nhiều cụ già, em nhỏ đi cắt hành thuê ở ruộng hoặc sơ chế hành tại các đại lý thu mua, thu nhập khoảng 100 nghìn đồng/ngày".

Hiện nay, diện tích hành của xã Nam Trung đạt 205 ha, chiếm gần 100% diện tích cây vụ đông. Tại cơ sở thu mua hành của gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Thụy Trà có khoảng 60 công nhân sơ chế, chế biến hành, thu nhập bình quân 150 nghìn đồng/người/ngày. Bà Nguyễn Thị Bệu năm nay đã ngoài 80 tuổi bảo: "Mỗi ngày tôi cắt được khoảng 60 kg hành. Tôi có tuổi rồi, làm công việc này vừa sức mà lại có thu nhập". Em Trần Thị Tươi, học sinh Trường THCS Nam Trung cho biết: "Em thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi đến làm thêm ở đây lấy tiền mua sách vở, đóng học phí. Mỗi ngày em cắt được 80 kg hành, được trả 80 nghìn đồng".

Ông Mạnh là một trong những "đại gia" hành ở địa phương. Không chỉ thu mua mà chính gia đình ông cũng trồng 10 mẫu hành để chế biến, xuất khẩu. Đánh giá về giá trị kinh tế của cây hành, ông Mạnh khẳng định: "Hành là loại cây đem lại lợi nhuận tuyệt vời. Khó có thể tìm được loại cây trồng khác thay thế!".

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nam Sách, diện tích trồng hành của huyện là 1.337,6 ha, chiếm gần 50% diện tích vụ đông. Nông dân Nam Sách trồng hành từ lâu đời nhưng đến năm 1998 mới bắt đầu trồng với diện tích lớn.

KHÁNH CHI