Người “se duyên” cho cây đào Hải Tân
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 09:23, 29/01/2014
Nói đến người trồng đào ở phường Hải Tân (TP Hải Dương) thì phải kể đến anh em ông Lê Văn Sản và Lê Minh Xuất...
Ông Xuất chăm chút cho những cây đào như một thú vui của tuổi già
Từ nhiều năm nay, cây đào đã gắn bó với cuộc sống của nông dân phường Hải Tân. Song chuyện cây đào “bén duyên” với mảnh đất này như thế nào thì chỉ có 2 anh em ông Lê Văn Sản và ông Lê Minh Xuất hiểu rõ nhất. Bởi hai ông là những người đầu tiên đưa đào về trồng tại đây.
Năm 1978, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông Xuất về công tác tại Văn phòng Bộ Nông nghiệp. Mỗi lần về quê, thấy người dân lam lũ quanh năm 2 vụ lúa, 2 vụ màu mà vẫn bữa no bữa đói, ông rất trăn trở. Ông quyết tâm tìm cách thay đổi cuộc sống quê mình. Ông đã nhiều lần trồng thử nghiệm cây hải đường, quất… nhưng không hiệu quả. Trong một lần đến thăm nhà bạn đồng ngũ ở Nhật Tân (Hà Nội), chứng kiến cây đào mang lại cuộc sống no đủ cho người dân nơi đây, ông Xuất đã quyết định đưa loại cây này về quê hương mình.
Năm 1978, ông Xuất đem mẫu đất ở Hải Tân lên Viện Thổ nhưỡng nông hóa của Bộ Nông nghiệp để phân tích, cho kết quả tốt. Nhưng khi đó, do chưa có kinh nghiệm nên ông chỉ dám đưa 2 cây đào từ Nhật Tân về trồng thử trong vườn nhà. Ông Xuất vẫn còn nhớ như in cảm giác hồi hộp xen lẫn lo âu khi từng ngày theo dõi cây sinh trưởng và phát triển. Nhận thấy cây phát triển tốt nên năm 1980, ông đưa tiếp 48 cây về trồng.
"Khi thương lái trả mấy chục triệu đồng toàn tiền mới rút từ ngân hàng còn nguyên đai nguyên kiện, già trẻ lớn bé trong nhà đâm hoảng...". |
Do chưa có kinh nghiệm nên năm đầu, cả vườn đào không nở đúng dịp Tết khiến ông Xuất, ông Sản mất trắng. Từ năm 1980 đến 1987, việc trồng đào lắng xuống nhưng anh em ông không từ bỏ mà ấp ủ kế hoạch “lấy ngắn nuôi dài”. Song song với việc trồng lúa và trồng các cây hoa thời vụ làm nguồn thu nhập chính, hai ông vẫn trồng đào một cách cầm chừng vừa để lấy kinh nghiệm, vừa mở rộng thị trường. Sau nhiều năm tự học hỏi và nhờ chuyên gia từ Nhật Tân về làm cố vấn nên những khó khăn dần dần được giải quyết. Từ chỗ chỉ trồng trong vườn, cây đào được đưa ra ruộng trồng với diện tích lớn. Gia đình ông chính thức bỏ lúa, chuyển hẳn sang trồng đào.
Ông Trần Ngọc Long (74 tuổi), nguyên Bí thư Chi bộ phường Hải Tân ghi nhận: Gia đình ông Lê Văn Sản, ông Lê Minh Xuất là những người tiên phong đưa cây đào về đất Hải Tân. Từ khi cây đào về đây, cuộc sống của người nông dân bước sang một thời kỳ mới. Ngày xưa cấy lúa, trồng màu cả năm, giá trị kinh tế cũng chỉ bằng mấy gốc đào.
Thăng trầm với cây đào
Nhờ cây đào mà gia đình ông Xuất có bát ăn bát để. Những năm 90 của thế kỷ trước, có khi một gánh đào bán được cả chỉ vàng. Họ hàng, làng xóm thấy vậy mới yên tâm bỏ trồng lúa, trồng màu chuyển sang trồng đào. Từ gia đình ông, phong trào trồng đào đua nhau lan ra cả một vùng, biến Hải Tân thành một vườn đào khổng lồ. Không chỉ hướng dẫn cho người dân trong vùng cách trồng đào, ông Sản, ông Xuất còn được mời đến các địa phương khác trong tỉnh như Gia Lộc, Cẩm Giàng, Kinh Môn, Ninh Giang làm cố vấn. Nhiều vùng trồng đào khác trong tỉnh được hình thành. Thời kỳ thị trường đào sôi động nhất, đại gia đình ông Xuất trồng đến 7 mẫu đào. Năm 1993 - 1994, họ hàng, anh em ông đưa 8 chiếc xe tải lớn chở đào vào tiêu thụ tận TP Hồ Chí Minh...
Nói về cảm xúc lần đầu tiên được vụ đào, ông Xuất cười: Khi ấy, cảm xúc của chúng tôi buồn cười lắm, niềm vui xen lẫn cả nỗi sợ hãi. Bởi từ xưa đến nay, nông dân chỉ quen nhặt nhạnh tích cóp từng đồng, đã bao giờ được cầm một số tiền lớn trong tay đâu! Khi thương lái trả mấy chục triệu đồng toàn tiền mới rút từ ngân hàng còn nguyên đai nguyên kiện, già trẻ lớn bé trong nhà đâm hoảng, phải nhờ người đến kiểm tra xem tiền thật hay giả và đếm hộ.
Thế nhưng cũng có những năm cây đào khiến cho người nông dân rơi nước mắt. Ông nhớ năm 2011, không ai ngờ trời rét đậm kéo dài, cơn nọ cơn kia gối đầu nhau đến 40 ngày. Nhiều nhà xử lý “non tay” bị mất trắng, riêng nhà ông cũng bị thiệt hại 50%. Ông Xuất gọi nghề trồng đào là nghề “nghe thời tiết”, “nghe” không chuẩn là công sức cả năm đổ xuống sông xuống bể. Muốn có đào đẹp phải tỉ mỉ, kỳ công. Nhưng nghề trồng đào cũng như bất cứ nghề nào khác, cần phải áp dụng khoa học, kỹ thuật và nghiên cứu thị trường mới đạt được giá trị kinh tế cao. Gia đình ông Xuất hiện trồng 1 mẫu đào, mỗi năm vẫn đưa 1-2 xe đào đi TP Hồ Chí Minh. Ông đánh giá, hiện nay sức tiêu thụ đào vẫn mạnh nhưng người chơi đào ngày càng khó tính, đào đẹp mới “trụ” được trên thị trường.
Hiện nay, ông Sản đã bước sang tuổi 62, ông Xuất cũng đã 58 tuổi nhưng hai ông vẫn chăm chút cho những cây đào và coi đó là thú vui của tuổi già.
KHÁNH CHI