Đi tìm dấu tích Thành Đông

Di tích - Ngày đăng : 11:33, 03/02/2014

Thành Đông đã từng là tòa thành đồ sộ, có vị trí quan trọng, bảo vệ phía đông thành Thăng Long.




Cổng Đông Môn của Thành Đông xưa (ảnh tư liệu)


Trải qua thời gian và chiến tranh, Thành Đông đã bị phá hủy hoàn toàn. Giờ đây hầu như không còn chút gì để lớp hậu sinh có thể nhận ra tòa thành cổ kính thuở nào.

Thành Đông xưa

Một buổi chiều mùa đông, cùng với nhà nghiên cứu Lưu Đức Ý, chúng tôi đã tìm đến những dấu tích ít ỏi còn sót lại của Thành Đông xưa. Theo sử sách ghi lại, năm 1804, trấn sở Hải Dương được di chuyển từ Mao Điền về ngã ba sông Thái Bình và sông Kẻ Sặt, thuộc địa phận các làng Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao trang, lúc đó đều thuộc huyện Cẩm Giàng. Do ở phía đông Thăng Long, nên trấn Hải Dương còn được gọi là xứ Đông, trấn thành được gọi là Thành Đông. Thành có hình lục giác đều, trung tâm ở vào khoảng ngã tư Máy Xay hiện nay. Thành cao 1 trượng 1 thước 2 tấc (4,48 m), bên ngoài thành có hào sâu bao quanh. Theo ông Lưu Đức Ý, hào thành nối với sông Kẻ Sặt rồi thông ra sông Thái Bình qua cống Ba Cửa, nay vẫn còn dấu tích trên phố An Ninh. Thành mở 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc. Từ trong Thành Đông muốn đi ra ngoài phải đi qua 4 cây cầu bằng gạch xây kiểu vòm cuốn bắc qua hào thành. Cầu phía đông ở vị trí giữa Bưu điện tỉnh và Ngân hàng TMCP Công thương hiện nay. Cầu phía nam nằm trên đường Nguyễn Trãi đoạn gần với Công ty liên doanh Chế tạo bơm EBARA. Cầu phía đông và phía nam đã bị thực dân Pháp phá hủy từ cuối thế kỷ XIX. Cầu phía tây nằm trên đường Tuệ Tĩnh, trên hào thành đoạn chảy qua ngay sát cổng phụ của Bệnh viện 7, mới bị phá đầu những năm 2000. Cầu phía bắc hiện vẫn còn di tích trên đường Chi Lăng chỗ gần Công ty CP Dược và Vật tư y tế Hải Dương.

Những giá trị còn lại

Không giấu được vẻ thất vọng, nhà nghiên cứu Lưu Đức Ý than thở: "Dấu tích của Thành Đông chẳng còn nhiều nữa đâu, nếu còn thì cũng biến dạng hoặc bị phá hủy gần hết bởi chiến tranh và sự vô tâm của con người. Chỉ còn lại khu dân cư, khu phố buôn bán và những công trình được xây dựng cùng thời là giữ lại một chút hình ảnh của Thành Đông xưa". Những con phố buôn bán sầm uất của TP Hải Dương hiện nay như Đồng Xuân, Tuy Hòa, Tuy An, Xuân Đài... trước kia là những phố nghề của khu Đông Kiều phố. Những con phố này hình thành trên cơ sở các nhóm thợ thủ công cùng chung nghề nghiệp như phố Hàng Giầy (nay là phố Sơn Hòa), phố Hàng Bạc (nay là phố Xuân Đài), phố Hàng Đồng (nay là phố Đồng Xuân), phố Hàng Lọng (nay là phố Tuy An)... Một bộ phận người Hoa cũng chuyển từ Mao Điền về Thành Đông và hình thành nên khu phố Khách (nay là phố Minh Khai). Phố Minh Khai mang đậm dấu ấn của người Hoa. Phố dài và hẹp, những ngôi nhà sâu hun hút thường được chia thành 2 phần, phần ngoài dùng làm nơi buôn bán, một khoảng sân trời ngăn cách với phần phía trong dùng làm nơi ở. Đầu phố tiếp giáp với sông Kẻ Sặt, đầu mối giao thông quan trọng nhất của Thành Đông trước kia. Hiện tại, phố Minh Khai vẫn còn tồn tại khoảng chục ngôi nhà cổ nhưng hầu hết đã bị biến dạng, xuống cấp rất nhiều do bàn tay can thiệp của con người. Những con phố nhỏ bé, chật hẹp trong khu phố cổ như Đồng Xuân, Xuân Đài, Sơn Hòa, Tuy An, Tuy Hòa... đã hình thành cách nay gần 200 năm nhưng vẫn giữ nguyên sự sôi động, sầm uất như ngày đầu. Có lẽ ngoài thành Thăng Long, chỉ duy nhất TP Hải Dương mới có những phố mang tên "Hàng", chứng tỏ đây là một đô thị cổ phong kiến. Những tên phố cổ có từ lâu đời đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong vốn lịch sử, văn hóa của người dân Thành Đông. Rất tiếc, những tên phố cổ sau này đã bị thay bằng những cái tên mới, không còn thể hiện được bản chất của một khu đô thị cổ.



Hội quán Hoa kiều xuống cấp trầm trọng


Đường Bạch Đằng hiện nay tập trung tương đối đậm đặc những công trình ghi dấu sự phát triển của Thành Đông xưa. Hội quán Hoa kiều là một trong những công trình mang đậm dấu ấn của những người Hoa trên đất xứ Đông. Được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, ngôi nhà có kiến trúc truyền thống Trung Hoa. Nhà xây 1 tầng, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói âm dương, trên bờ nóc được trang trí bằng những tượng người, tượng con giống bằng gốm, sứ nhập từ Trung Quốc. Căn nhà vốn được dùng làm lớp học cho trẻ em và hội họp của người Hoa. Trải qua thời gian, ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Tường gạch bong tróc, mái ngói vỡ nát, xô lệch, mọc đầy cây dại. Những tượng người, tượng con giống bằng gốm vỡ nát, gẫy vụn. Tấm bia đá chữ còn rất rõ ràng nhưng đã bị gãy làm đôi vứt chỏng chơ ở góc hè. Ông Lưu Đức Ý nói một cách chua xót: "Nếu tìm hiểu kỹ tấm bia và công trình này, có thể hiểu rõ quá trình du nhập của người Hoa cùng những đóng góp của họ vào quá trình xây dựng và phát triển của TP Hải Dương. Rất tiếc, những dấu tích quan trọng chứng kiến sự phát triển của Thành Đông có nguy cơ biến mất". Cũng trên tuyến đường này, một số công trình phục vụ sự cai trị của thực dân Pháp vẫn còn tồn tại: Sở Dây thép (Bưu điện) được xây dựng gần bờ sông Sặt gồm 2 tầng theo kiến trúc châu Âu. Hiện nay, ngôi nhà này nằm trong khuôn viên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sở Lục lộ, cai quản giao thông công chính, là ngôi nhà 2 tầng kiến trúc kiểu Ả-rập rất đẹp, hiện nằm trong khuôn viên Sở Giao thông vận tải. Kho bạc cũng được xây 2 tầng theo kiến trúc châu Âu, nay là trụ sở của Ngân hàng Chính sách xã hội Hải Dương... Trải qua hàng trăm năm tồn tại, hình dạng, kết cấu những công trình này vẫn còn giữ được dáng vẻ ban đầu. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy một số công trình đứng trước nguy cơ biến dạng do việc sửa chữa không tôn trọng kết cấu ban đầu. Rất cần một kế hoạch trùng tu quy mô, toàn diện để giữ lại những công trình ghi dấu sự ra đời và phát triển của Thành Đông xưa, TP Hải Dương ngày nay.

LÃ VỌNG