Doanh nghiệp về làng

Công nghiệp - Ngày đăng : 08:43, 04/02/2014

Thay vì đầu tư xây dựng nhà xưởng ở các khu đô thị chật hẹp, cạnh tranh gay gắt về nhân công, nhiều doanh nghiệp đã tìm về các vùng nông thôn...




Công ty TNHH Sản xuất giày xuất khẩu Huy Phong hỗ trợ hơn 300 triệu đồng để mở rộng đường
từ thôn Bình Đê đến UBND xã Bình Xuyên (Bình Giang)


Đầu tư về nông thôn

Hơn 5 năm qua, mảnh đất Bình Xuyên trở nên sôi động hơn khi Công ty CP Sản xuất giày xuất khẩu Huy Phong chọn nơi đây làm bến đậu. Hiện nay, ngoài khu nhà xưởng cũ rộng gần 3 ha, doanh nghiệp này đã đầu tư hơn 3,6 tỷ đồng để xây dựng khu xưởng mới với diện tích hơn 1 ha. Dự kiến sau khi khu nhà xưởng này hoàn thành, doanh nghiệp sẽ tuyển dụng thêm hơn 2.000 lao động địa phương. "Lời tôi hứa với cha tôi sẽ đưa việc làm về cho người dân quê mình đã thành hiện thực" - ông Nguyễn Văn Sói, Giám đốc Công ty CP Sản xuất giày xuất khẩu Huy Phong chia sẻ.

Ông Vũ Ngọc Linh, Trưởng phòng Hành chính của Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam - "tác giả" của dự án mở rộng Nhà máy Sumidenso Việt Nam cho biết: "Lựa chọn cụm công nghiệp Nghĩa An (Ninh Giang) để xây dựng Nhà máy Sumidenso Việt Nam vào thời điểm Ninh Giang vẫn còn khó khăn về giao thông, hạ tầng kỹ thuật là khá mạo hiểm. Nhưng tôi vẫn quyết tâm vận động Ban Giám đốc công ty đầu tư xây dựng nhà máy về nơi này. Bởi lẽ về đây, doanh nghiệp sẽ giải được bài toán thiếu lao động". Sau 2 năm xây dựng, tháng 11-2011, Nhà máy Sumidenso Việt Nam chính thức đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 2.000 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4,8 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2007, khi Giám đốc Công ty TNHH May TBT Nguyễn Viết Thụ đưa doanh nghiệp về xã Thanh Hải (Thanh Hà) đã bị bạn bè ngăn cản, cho rằng "lựa chọn sai lầm". "Vậy mà sau 5 năm xây dựng, đến nay doanh nghiệp đã trở thành ngôi nhà chung của biết bao công nhân, người lao động ở Thanh Hà. Hơn nữa, về đây, tôi được 3 cái lợi là tuyển dụng lao động dễ dàng, giảm chi phí thuê đất và được hưởng các chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp ở nông thôn", anh Thụ phấn khởi cho biết. Hiện nay, công ty của anh đang tạo việc làm cho hơn 700 lao động địa phương. Doanh thu của công ty tăng trưởng bình quân 10%/năm.

Theo ông Hoàng Đức Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn khuyến công và phát triển công nghiệp Hải Dương, mấy năm trở lại đây, không ít doanh nghiệp đã tìm về đầu tư tại các vùng nông thôn. Bởi ở đó, các doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế về lao động, chi phí tiền lương thấp hơn so với ở thành phố. Không chỉ doanh nghiệp trong nước, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng về các làng nghề đầu tư xây dựng nhà máy. Đó là Công ty TNHH Richway về xã Kỳ Sơn (Tứ Kỳ), Công ty TNHH HK Vina về xã Ngũ Hùng (Thanh Miện), Công ty TNHH Vero Veria Việt Nam về xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ)...

Ly nông không ly hương

Tết này là Tết thứ hai anh Nguyễn Hải Anh ở thôn Tiền Vỹ, xã Thanh Hải (Thanh Hà) được ở quê. "Trước đây, tôi làm công nhân cho Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (IMEXCO) ở tận khu công nghiệp Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Xa quê buồn lắm, Tết chỉ muốn về nhà nhưng ngặt nỗi đồng lương công nhân thấp, không đủ để đi lại, quà cáp nên đành ở lại. 2 năm nay, tôi về làm công nhân trong Công ty TNHH May TBT Việt Nam chỉ cách nhà 1 cây số, tiền lương, thưởng cũng tạm ổn, ăn cơm nhà, đi bộ đi làm". Nhờ doanh nghiệp về làng, không chỉ riêng anh Hải Anh mà nhiều người dân ở Thanh Hải trước đây chỉ làm nông nghiệp hoặc phải đi "tha phương cầu thực" thì nay đã về quê làm công nhân cho Công ty TNHH May TBT.



Nhờ đi làm cho Công ty TNHH May HK Vina ở gần nhà nên chị Nguyễn Thị Trang ở thôn Tiêu Lâm,
xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) có điều kiện đưa, đón con đến trường mầm non


Ở nhiều vùng nông thôn thanh niên trai tráng hay những cặp vợ chồng trẻ phải tha hương tìm việc bỏ lại mẹ già, con thơ ở lại quê, nay nhờ doanh nghiệp về làng họ được đi làm gần nhà. "Tôi còn nhớ những năm trước, sau mỗi dịp Tết, hai vợ chồng con trai tôi lại phải vào Nam kiếm sống. Đưa tiễn các con mà biết bao bịn rịn, lo lắng. Năm nay khác rồi, các con tôi đều đã về quê làm việc gần nhà. Tết này thật vui vì các con tôi đều không phải đi làm xa quê nữa", bà Nguyễn Thị Mát ở thôn Tiêu Lâm, xã Ngũ Hùng (Thanh Miện) có con đang làm ở Công ty TNHH HK Vina phấn khởi nói.

Ở nhiều địa phương, doanh nghiệp về làng còn giúp khắc phục tình trạng thiếu nguồn kết nạp đảng viên. Nhiều nơi người dân đi làm công nhân nhưng vẫn không bỏ nghề nông mà có thêm điều kiện thuê máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất... Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Bình Xuyên (Bình Giang) nhận định: "Xã có rất nhiều thanh niên đi làm công nhân cho Công ty Huy Phong nên thời gian qua, Bình Xuyên đã làm tốt công tác phát triển đảng viên, nhất là đảng viên trẻ. Đi làm ở doanh nghiệp, nhiều người còn tích cực tham gia các phong trào của địa phương".

Đưa doanh nghiệp về nông thôn là "chìa khóa" để giải quyết nhiều tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Thêm nhiều doanh nghiệp về làng cũng có nghĩa là thêm nhiều lao động ở các vùng quê trong tỉnh có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Để phát triển công nghiệp địa phương bền vững, hợp lý, tỉnh cần có kế hoạch thu hút doanh nghiệp về khu vực nông thôn, ưu tiên các ngành nghề thu hút nhiều lao động, ít gây ô nhiễm môi trường.

LAN ANH