Kinh ngạc tài hoa của họa sĩ vẽ tranh trong chai, trong trứng!
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 14:41, 04/02/2014
Anh Tuân đang hoàn thành tác phẩm vẽ trong chai vuông
Anh không vẽ trên giấy, trên lụa mà anh vẽ tranh... trong những cái chai thủy tinh.
Từ những vỏ chai khi dùng xong vứt vào sọt rác, anh đã biến thành những bức tranh sống động, vô cùng nghệ thuật. Và anh cũng là họa sĩ vẽ tranh trong chai đầu tiên của Việt Nam và ghi tên vào kỷ lục chuyện lạ Việt Nam.
Khổ luyện để trở thành họa sĩ “đặc biệt”
Vốn là một công nhân của nhà máy xay xát của TP.Hải Dương, nhưng sau đó, anh Lê Công Tuân (SN 1969) bỗng dưng trở thành một họa sĩ nổi tiếng vì biệt tài vẽ tranh trong chai. Chính sự khác biệt “không giống ai” này đã tạo nên tên tuổi và ghi danh anh vào chuyện lạ Việt Nam những năm trước đây.
Ngồi trò chuyện, anh Tuân cho biết: “Tôi bước vào nghề hội họa từ một sự tình cờ và cũng khá muộn so với một họa sĩ thực thụ”. Rồi anh kể con đường đi đến hội họa của mình. Từ nhỏ anh đã có năng khiếu hội họa, nhưng cũng chỉ là vẽ chơi khi học môn mỹ thuật và vẽ với bạn bè. Lớn lên, khi vào bộ đội anh may mắn được gặp một người thầy dạy cho những kỹ năng cần thiết về hội họa, đó là tiểu đoàn phó cấp trên của anh. Anh xuất ngũ vào những năm đất nước đổi mới và xin vào làm tại nhà máy xay ở Hải Dương. Nhưng niềm đam mê hội họa vẫn gắn bó nên thỉnh thoảng anh lại vẽ truyền thần cho những người hàng xóm xung quanh. Anh vẽ chỉ để cho đỡ nhớ máu “hội họa” trong người chứ cũng không theo hẳn nghề để vẽ lấy tiền.
Một lần ngồi cắt tóc ở quán, khách đông, anh phải ngồi chờ nên buồn tình với tờ báo để xem. Anh chú ý đến một bài báo nói về một họa sĩ người nước ngoài có biệt tài vẽ tranh trong chai. Anh đọc đi đọc lại bài báo và thắc mắc không hiểu tại sao họ lại có thể làm được, về nhà anh tìm cách mày mò học theo cho bằng được. Từ hôm đó, anh nhặt về một ít chai lọ và cứ hết giờ làm anh lại chui vào góc nhà học vẽ, có khi quên cả thay quần áo và ăn cơm tối. Tuy nhiên, học mãi mà chẳng được, có lần anh thức tới gần hết đêm, sau đó tức tối mang đồ nghề ra cổng vứt đi. Sáng ra ngủ dậy, thấy tiếc lại nhặt vào, tối về cặm cụi ngồi học lại.
Phải mất 3 năm, anh Tuân mới vẽ thành công. Bức tranh đầu tiên anh hoàn thành là một tác phẩm tranh Đông Hồ về đàn lợn âm dương. Anh còn nhớ câu chuyện vui về tác phẩm trong chai, trong trứng thành công của anh, nhiều người nhìn thấy không tin vì cho rằng anh dán hoặc cưa ra vẽ rồi dính lại như cũ, phải đến khi họ được chứng kiến tận mắt thì mới tin.
Bây giờ, để vẽ một bức tranh truyền thần trong chai, anh cũng phải mất gần một ngày thì mới hoàn thành; nhưng với những bức vẽ phong cảnh hay tranh Đông Hồ thì anh chỉ cần vài chục phút là có thể hoàn thành được. Anh Tuân cho biết: “Vẽ cũng như văn chương, khi có hứng thì những tác phẩm hoàn thành rất nhanh và đẹp”.
Người nghệ sĩ sáng tạo
Bằng sự kiên trì của mình, anh Tuân đã “thổi hồn” cho những cái chai khiến nó trở nên sống động. Và anh cũng được ghi nhận vào chuyên mục chuyện lạ trên sóng truyền hình - là người Việt vẽ tranh trong chai đầu tiên. Nhưng để có được những bức tranh trong chai, anh đã phải mất hơn chục năm nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo.
Tìm hiểu làm sao để chất liệu màu vẽ trong chai sao cho không bị nhòe và bong tróc là khó khăn thứ nhất. Anh Tuân cho biết những lần đầu tiên khi vẽ, nước màu không thể bám vào thành chai như vải lụa hay giấy mà chảy xuống, không làm sao vẽ được. Anh liền mua về các loại hồ, màu, sơn và mực rồi pha chế sao cho mực vẽ có độ kết dính cao mà không bị bong tróc, chịu được nước. Cũng phải mất gần một năm, anh mới pha chế thành công loại mực vẽ này, khi vẽ lên mặt phẳng của chai, sơn không bị chảy xuống nên bức tranh trông đẹp hơn. Có điều là một số họa sĩ trên thế giới mới chỉ vẽ tranh trong chai bằng hai màu đen trắng, người vẽ tranh đa màu sắc chưa nhiều. Tuy nhiên, anh Tuân đã vẽ được bằng các loại màu đa dạng, nhờ đó mà tranh trong chai cũng sống động hơn.
Thứ hai là về bút vẽ, các loại chai thường có cổ bé mà muốn vẽ tranh ở bên trong thì loại bút lông thường không thể sử dụng được. Anh phải chế một loại bút riêng, cán bút làm bằng tre hay nhựa, còn chỗ cổ bút bằng sắt để khi vào bên trong chai anh có thể uốn cong tùy ý thì mới vẽ được. Nhờ cái bút này, anh vẽ được đẹp hơn vì các góc cạnh ở đâu trong chai bút cũng có thể đưa tới. Và các loại tranh của anh cũng dần đa dạng hơn: Từ truyền thần, 12 con giáp đến tranh phong cảnh.
Về sau, loại màu do anh sáng tạo được nhiều người, nhiều cơ sở học theo để vẽ trên gốm, trên các loại kính thủy tinh. Từ những sáng tạo về màu vẽ mà anh Tuân đã đoạt được giải sáng tạo toàn quốc năm 2005.
Khi vẽ tranh trong chai thuần thục rồi, anh lại tìm tòi vẽ trên gốm, trong vỏ trứng. Những tác phẩm vẽ trong trứng đà điểu của anh được khá nhiều người chú ý đến. Ngoài ra, anh còn vẽ trong những chai to rồi cho bóng đèn vào trong, biến chai thành chiếc đèn ngủ ấm áp trong phòng. Anh Tuân khoe, thời gian gần đây anh còn sáng tạo ra cách vẽ trên kính, biến những tấm kính trong suốt thành những bức tranh lớn. Để vẽ được trên kính, theo anh Tuân là không hề đơn giản, bởi phải vẽ ngược thì khi dựng lên, nhìn từ bên ngoài mới thành bức tranh được.
Nhọc nhằn đời nghệ sĩ
Là người nổi tiếng, nhưng cuộc sống của vị họa sĩ “đặc biệt” này cũng chẳng khác trước là mấy. Tiền kiếm được từ vẽ vời chẳng là bao nên không đủ nuôi sống gia đình. Vợ chồng anh vẫn tiếp tục công việc tại nhà máy xay xát. Sau này nhà máy xay xát giải thể, chuyển thành cơ sở sản xuất bia Hải Dương, vợ chồng anh vẫn phải bám trụ.
Ngồi uống chén nước chè trong căn nhà tập thể tối thui, chật chội, anh Tuân tâm sự: “Thực ra tình yêu hội họa đã ngấm vào máu rồi nên không thể bỏ được. Biết bao lần quăng bút, đạp chai đi vì nản chí và vì kinh tế khó khăn, nhưng rồi tôi lại cứ tiếp tục vẽ vì thấy nhớ không thể chịu nổi”. Anh Tuân cũng thực thà tâm sự, khi bỏ nhiều thời gian cho nghề hội họa, vợ anh phản đối nhiều lắm, nhưng vì thấy chồng ham mê quá nên cũng đành chiều theo. Hai vợ chồng nhiều lần định sửa sang căn nhà dột nát bao năm nay, nhưng vẫn chưa tích cóp đủ tiền.
Trong căn nhà chật chội của anh chỉ có hai cái giường ngủ, một chiếc tủ đựng quần áo cho hai vợ chồng và hai con trai. Tuy nhiên, anh chị vẫn dành một khoảng khá rộng để cho anh “thỏa” niềm đam mê. Từ khi nhiều người biết đến anh, cũng thi thoảng có người tìm đến mua những bức tranh trong chai hay đến tận nơi thuê anh vẽ đèn ngủ trong chai. Được biết, bạn bè trong giới hội họa đang góp công góp sức để giúp anh Tuân mở một triển lãm về đề tài vẽ tranh trong chai.
(Nguồn: Lao động)