“Vua” sáng chế máy nông nghiệp
Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 08:49, 05/02/2014
Mặc dù chỉ học hết lớp 7 nhưng anh Phạm Văn Hát ở thôn Kim Đôi, xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ) đã sáng chế ra nhiều máy nông cụ rất hữu ích...
Với chiếc máy cày 2 lưỡi do anh Hát sáng chế, nông dân không phải mất thêm công đoạn vét đất lên luống và soi rạch
Duyên nợ với nghề
Giữa ngổn ngang máy móc trong xưởng cơ khí của gia đình, tôi được nghe anh Hát kể về mối nhân duyên với nghề cơ khí và niềm đam mê sáng chế máy nông cụ. Là con út trong một gia đình nông dân nghèo có đến 8 anh em, học xong lớp 7, anh phải nghỉ học để phụ giúp gia đình. Qua người họ hàng, anh được giới thiệu đến phụ việc cho Xưởng cơ khí Bông Sen (TP Hải Dương). Suốt những năm vừa học vừa làm rồi trở thành thợ sửa chữa chính của xưởng, anh Hát luôn mày mò, nghiên cứu đề xuất với ông chủ cho cải tiến, thay thế một số thiết bị máy móc. Những cải tiến của anh đã được áp dụng tại xưởng và luôn được đánh giá cao. Năm 2001, sau khi xây dựng gia đình, anh mở xưởng sửa chữa cơ khí tại nhà. "Dự án" thuê 3 mẫu ruộng trồng rau an toàn thất bại, anh đi xuất khẩu lao động ở Israel. Tại đây anh được bố trí làm việc cho một trang trại. "Vừa rải phân để trồng rau, tôi vừa nghĩ sao không nghiên cứu một chiếc máy làm công việc này. Được ông chủ ủng hộ, sau gần 6 tháng tự mày mò nghiên cứu, làm đi, làm lại, cuối cùng tôi cũng đã sáng chế ra chiếc máy rải phân tự động phục vụ cho hàng chục ha rau của trang trại. Trước đây một ngày phải mất 25 lao động rải phân cho khoảng 2 ha thì nay chỉ cần từ 2 - 3 người. Thành công này được ông chủ ghi nhận và thưởng cho tôi 5.500 USD”, anh Hát cho biết.
Chỉ mong giúp nông dân đỡ vất vả
Từ thành công đầu tiên ấy, niềm đam mê đã thôi thúc anh Hát không ngừng nghiên cứu, chế tạo ra nhiều loại máy móc phục vụ nông nghiệp. Năm 2011, sau khi về nước, anh quyết định mở lại xưởng cơ khí. Anh Hát chia sẻ: "Khi mở lại xưởng, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là làm thế nào để sáng chế ra một chiếc máy đánh luống, soi rạch trồng cây vụ đông. Đã từng trồng mấy mẫu rau màu nên tôi hiểu nỗi vất vả của nông dân”. Ý tưởng gắn thêm 2 chiếc lưỡi vào máy cày để vừa vét được đất lên luống vừa soi rạch cho bà con tra hạt được anh áp dụng từ vụ đông năm 2011. Với sáng chế này, nông dân không phải mất thêm công đoạn vét đất lên luống và soi rạch như trước.
Tiếp đó, năm 2012, anh Hát tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế ra dàn cày 2 lưỡi. Thấy máy cày cầm tay 1 lưỡi không đi sát được đến chân bờ ruộng, quấn rất nhiều rạ, sau một, hai luống cày, người điều khiển máy phải dừng lại để gỡ rạ, anh nảy ra ý nghĩ sáng chế “một cái gì đó” để khắc phục. Nghĩ là làm, anh Hát bắt tay ngay vào nghiên cứu rồi ý tưởng gắn thêm một chiếc lưỡi cày vào máy được anh thực hiện thành công. Vụ mùa 2012, anh Nguyễn Duy Hưng, người cùng thôn đã đưa sáng chế của anh Hát ra đồng thử nghiệm và khẳng định dàn cày 2 lưỡi có thể đi sát đến chân bờ ruộng, người làm không phải vất vả nhấc máy mỗi khi hết xá cày. Đặc biệt dàn cày 2 lưỡi đã khắc phục hoàn toàn việc quấn rạ vào máy, tốc độ nhanh hơn, thớ đất sâu hơn và tạo điều kiện cho các công đoạn làm đất sau dễ dàng hơn. Cũng từ thành công này, anh Hát tiếp tục sáng chế ra dàn cày 3 lưỡi, 4 lưỡi áp dụng cho các loại máy cày có công suất lớn hơn... Hiện nay, các sáng chế về dàn cày 2 lưỡi, 3 lưỡi, 4 lưỡi, máy vét luống, soi rạch của anh Hát được nhiều nông dân trong tỉnh và cả từ Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình tìm đến đặt mua.
Anh Phạm Văn Hát bên "rô-bốt đặt hạt giống"
Chế tạo rô-bốt
Năm 2013, một lần đến vùng cà rốt ở huyện Cẩm Giàng, anh Hát thấy nông dân ở đây đã sử dụng máy gieo hạt nhưng phải dùng tay kéo, hạt giống tra không đều, phải đi tra bổ sung, hoặc khi cây mọc đều phải nhổ bớt. Ngay đêm ấy, ý nghĩ chế tạo một "rô-bốt đặt hạt giống" túc trực trong đầu anh. Suốt mấy tháng anh vừa viết, vừa vẽ, vừa tìm nguyên vật liệu. Không có tiền, anh đã thế chấp cả sổ đỏ của gia đình để vay tiền ngân hàng. Sau gần 1 năm thử nghiệm, không nhớ bao lần thất bại, tốn kém, cuối cùng anh Hát đã sáng chế thành công “rô-bốt đặt hạt”. Rô-bốt đặt hạt sử dụng nguồn điện một chiều, dùng lực hút của động cơ quạt gió lấy, nhả hạt. Van điều khiển thường mở, khi chạm cữ thì đóng lại làm cho dòng khí vào quạt dừng, hạt tự rơi theo trọng lực vào phễu để rơi xuống rãnh đất. Ưu điểm của chiếc rô-bốt này là sử dụng bình ắc quy nên không cần tới người vận hành. Van điều khiển tự động đóng mở nên không gây lãng phí hạt giống, mật độ cây đồng đều. Theo anh Hát, trước đây công đoạn này thường cần ít nhất 1 lao động, nay lao động thủ công được giải phóng hoàn toàn. Ngoài ra, rô-bốt còn giúp giảm từ 200 - 300 nghìn đồng/sào hạt giống. Được gia đình, bạn bè động viên, anh Hát đã mạnh dạn đem rô-bốt đặt hạt tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII (2012 - 2013) và đoạt giải nhất. Hiện nay, anh Hát đang ấp ủ ước mơ sáng chế một chiếc máy bỏ khóm áp dụng cho gieo vãi và máy thu hoạch khoai tây, cà rốt.
Các sáng chế của anh Hát đều chưa được đăng ký bảo hộ độc quyền. Đây cũng chính là vấn đề "vua" sáng chế máy nông nghiệp cần sự hỗ trợ bởi theo anh chi phí cho mỗi lần đăng ký sản phẩm rất tốn kém.
NGÂN HÀ