Quê tôi, ngày ấy - bây giờ

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 17:35, 06/02/2014

Sau 40 năm, giờ đây làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đã mang diện mạo của một vùng nông thôn mới.


Hơn 40 năm trước, qua ống kính của đạo diễn người Pháp Ghê-ra Guy-ôm, những hình ảnh mái rạ, khóm tre, sân lội... rất đỗi quen thuộc trong thơ Trần Đăng Khoa về làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đã vượt đại dương đến với bạn bè nhiều nước châu Âu. Bây giờ, nơi đây đã mang diện mạo của một vùng nông thôn mới.



Năm 2013, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đã vận động 11 hộ dân hiến hơn 1.000 m2 đất làm đường bê-tông nông thôn mới. Xã đã nối dài thêm 1.800 m đường bê-tông, với tổng kinh phí xây dựng 1,7 tỷ đồng. Ảnh: Mai Anh



Ngày ấy là năm 1968. Sau khi nữ nhà báo, nhà thơ Cộng sản Pháp, rất nổi tiếng, Ma-đơ-len Ríp-phô đăng trên hai trang báo Nhân đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Pháp, xuất bản tại Pa-ri, bài Thơ Trần Đăng Khoa, tiếng hát mạnh hơn cả bom đạn, đoàn làm phim Pháp do nhà đạo diễn - nhà thơ Cộng sản Pháp, Ghê - ra Guy - ôm dẫn đầu, về làng Trực Trì (xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách) quê tôi, quay phim Thế giới nhỏ của Khoa. Phim này do Guy-ôm trực tiếp viết kịch bản, viết lời bình và đạo diễn. Tràn đầy trong phim là hình ảnh làng quê tôi trong đời sống hằng ngày, với bao gương mặt cùng lớp với Khoa, cùng tuổi với tôi, rất nhiều bà con nông dân đang gặt lúa, gánh lúa, đập lúa... trong câu thơ của Khoa đọc bằng tiếng Pháp: “Thóc nở bung như sao/Nhuộm vàng cả trời cao...” rồi họ đến nghe Xuân Diệu nói chuyện về thơ Khoa. Và rất nhiều học sinh đến trường qua các con đường làng nhỏ bé gập ghềnh, luồn hun hút dưới bóng tre, qua cả cái cầu, chỉ làm bằng một thân cây tre bắc ngang con ngòi khá rộng, các em nhỏ vừa lò dò đi, vừa phải bám vào cây sào chống xuống lòng ngòi.


Theo Xuân Diệu, trong bài viết giới thiệu tập thơ Góc sân và khoảng trời của Khoa, phim đã được đồng loạt chiếu ở các nước châu Âu vào lúc giao thừa bước sang năm 1969 và mang đến cho tác giả, đạo diễn và các nhà điện ảnh Pháp trong kíp làm phim một giải thưởng của nền điện ảnh Pháp. Sau tròn 40 năm, năm 2008, phim này mới được chiếu ở Việt Nam. Hiện phim đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, Quảng Bá (Hà Nội). Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch  Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phim sẽ được chiếu thường xuyên trên màn hình chạy dài ở ngay tầng một của Bảo tàng Văn học cho khách đến thăm.

Khi Trần Đăng Khoa mang  phim này về làng chiếu cho bạn bè của mình xem, sau 40 năm, chính các bạn của Khoa, những người còn lại và trở về làng sau chiến tranh, cũng không còn nhận ra những con đường làng mà mình đã đi vào những ngày đó là con đường nào, đi qua đâu. Cũng không nhớ hết tên bạn bè cùng lớp. Nhiều người đã khóc khi thấy bạn mình, người thân của mình đã nằm lại trên các ngả đường Trường Sơn những năm chiến tranh, mà nay vẫn còn đây, vật nhau, thả diều, chơi trò bịt mắt bắt dê, vui nhộn, nghịch ngợm, chơi đùa và ca hát. Bây giờ những con đường đã khác, những ngôi nhà đã khác, nhưng lòng người thì vẫn không khác, dù nhiều người ngồi xem lại chính mình, tóc đã đốm bạc. Đó là lòng yêu quê hương, sự gắn bó với ruộng đồng và nhiệt tình cách mạng, sẵn sàng vì nước quên thân, nếu đất nước lại có giặc ngoại xâm. Và những cây tre xanh um, mọc chen nhau như lũy, dựng cao như thành, hai bên các nẻo đường nhỏ trong làng và viền quanh làng, biến làng thành cái ốc đảo xanh trên một biển lúa vàng mênh mông, thì nay không còn nữa. Một trong những bài thơ đầu tiên Khoa viết năm 8 tuổi, cùng với bài “Con bướm vàng” là bài “Cây tre” về hai bụi  tre ở sau nhà mình, tôi chỉ còn nhớ một câu: “Ta ngồi ta hát/Ta hát tre nghe...” nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã phổ nhạc... Bản nhạc vẫn còn... mà cả làng bây giờ không sao tìm thấy bóng của bất cứ một cây tre nào sau non 30 năm đổi mới đất nước. Và những ngôi nhà tranh. Trong Khúc hát người anh hùng viết năm 1974, khi đã 16 tuổi, Khoa có câu: “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/Ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương...” Hầu hết làng tôi lúc đó đều là nhà tranh, chỉ có hai hay ba gia đình có nhà ngói cấp 4. Bây giờ đi khắp cả làng quê tôi, không thấy bóng bất cứ một ngôi nhà tranh nào. Trong phim là ngôi nhà tranh 3 gian của bố mẹ tôi, trong đó, gian phía nam có cái tủ sách nhỏ và cái cặp hai thanh gỗ treo sách của Khoa, vốn là cái cặp treo sách của nhà nho xưa, do nhà sư ở chùa làng mang đến tặng, sát cạnh đó là cái cối giã gạo: “Khi mẹ vắng nhà, em cùng chị giã gạo”. Theo mẹ tôi kể thì bác Phạm Hổ (báo Văn Nghệ),  cô Trần Thị Nhâm (Nhà xuất bản Kim Đồng), về nhà vào lúc Khoa “cùng chị giã gạo”, cũng đã tham gia giã gạo ở đây, mà cái ngõng cối vốn là cái bia có giá trị văn hóa và lịch sử mấy trăm năm của địa phương bị đục bỏ trong cải cách ruộng đất, mẹ tôi xin về làm ngõng cối. Nhà thơ Hữu Thỉnh xem phim, kêu lên rằng: Không thể ngờ nhà Minh, Khoa lại nghèo đến mức như thế. Hữu Thỉnh đã về nhà tôi bốn lần, bằng số lần về của Xuân Diệu 40 năm trước. Trong phim là ba gian nhà nhỏ, tường vách đất, cửa  sổ là mấy đoạn trúc cắm dọc, cửa lớn là cái dại đan ken bằng tre, cứ mở suốt đêm ngày và một cái võng, mẹ tôi thường nằm: “Ba gian nhà nhỏ/Đầy tiếng võng kêu...” Trong nhà chỉ có 2 cái giường tre, trước đó còn không có màn, mùa hè mẹ tôi hun một đống trấu to ngay giữa nhà để khói đuổi muỗi, rồi phát một nắm lá mía, vụt khắp các góc nhà sâm sẩm tối cho muỗi rụng cánh không bay đến người mà đốt được. Mùa đông thì trải ổ rơm. Nền nhà đất, sân cũng nền đất. Khoa có câu: “Ngoài sân lội mấy chú gà liếp nhiếp”... rồi sau đó, mới là “Góc sân nho nhỏ mới xây”... là mô tả đúng quá trình thay đổi của cái sân nhà tôi ngày ấy...  Xuân Diệu viết, ông đã đi đi lại lại nhiều lần trên cái sân đất này, để nghĩ về thơ của Khoa. Đấy là cái sân khấu của bài thơ Mưa... Cái sân đất, Khoa  viết: “Em thường giải cái nong/Ra giữa sân ngồi học”...

Tôi đi trên đường làng bê-tông rộng dài, thầm cảm ơn trời đất, cảm ơn nhiều thế hệ cha ông, cảm ơn nhân dân mình... và nhận ra con đường chúng ta đã đi, đang đi là đúng đắn, là tươi đẹp  xiết bao...

Bây giờ, cái sân ấy tôi cũng đã xây lại, rộng gấp ba gấp bốn lần trước. Còn ngôi nhà, đã ba lần trùng tu, lần cuối cùng sau khi tôi vừa nghỉ hưu, năm 2005, nới  thêm 2 gian thành 5 gian, tôn tường cao lên, vẫn trên nền nhà cũ, hướng nhà cũ. Chỉ còn duy nhất một hiện vật của thời “góc sân và khoảng trời” là cái chuồng lợn ở phía tay phải cổng vào, cái chuồng ấy bây giờ để không. Nó hiển nhiên là chứng tích duy nhất một thời còn sót lại. Cái giếng Khoa đang kéo nước lên, đã đặt tấm bê-tông lên trên để mở rộng đường đi vào sân nhà.

Bây giờ... sau 45 năm. Bố tôi đã mất ở tuổi 93. Mẹ tôi nay đã 95, không thấy cần phải xây nhà tầng. Hơn nữa, tôi muốn căn nhà vẫn còn lưu giữ lại cái hồn vía của thời xưa... Vì thế, nhà tôi vẫn là một nhà vào loại dưới trung bình ở trong làng. Ngay cổng vào nhà tôi, một cháu làm đại lý bán phân bón ruộng, một cháu làm nghề trồng hoa, đã xây mới hai ngôi nhà hai tầng theo mô hình thiết kế Đà Lạt, rất khang trang và mơ mộng. Có năm, làng tôi đã xây mới đến 32 ngôi nhà như thế. Nhiều nhà 4 - 5 tầng.  Làng tôi giàu lên, một phần là nhờ cải tiến nông vụ, trồng màu, nhiều năm trước đây cả làng trồng tỏi bán cho các công ty thu mua, sau đó thì làm hương. Và bây giờ xác định làm hương là một nghề chính, đã được công nhận là một làng nghề. Đi trong làng là đi trong ngào ngạt mùi hương và hương phơi ở các sân nhà, phơi ở bên đường làng đã trải bê-tông, xoay tròn như những bông hoa kỳ lạ, giàu hương sắc cả bốn mùa.

Vì có bố mẹ già, nhiều năm nay, tôi về làng thường xuyên hơn, sống cùng bà con lối xóm nhiều ngày hơn. Cảm nhận chung là ai cũng vui vẻ, hài lòng với những bước vượt lên của làng quê, trong phát triển kinh tế nông thôn và trong đời sống xã hội. Kíp lãnh đạo mới của xã có trí tuệ hơn, ăn ở với dân cũng có tình có nghĩa hơn, làm việc cho dân cũng có hiệu quả hơn. Ông Trần Đình Bá, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, tổng thu nhập năm 2013 của toàn xã là 147 tỷ đồng, vượt 10,79% kế hoạch. Trong đó dịch vụ đã chiếm đến 37% cho thấy làng quê tôi đang hình thành một vùng thị tứ năng động, thích nghi với cơ chế thị trường. Trong xã, nhiều nhà đã có xe con, trong nhà đã sử dụng in-tơ-nét, có nhà có xe chạy Bắc Nam, có dịch vụ đại lý bán vé máy bay... Còn các quán ăn, tiệm may,  hiệu tạp hóa cỡ nhỏ bán tại cửa nhà... thì nhiều. Tôi có đoạn thơ vui viết về làng xã: “Làng tôi thành quán lâu rồi/Bún gà, lòng lợn... cứ xơi suốt ngày/Hàng Tầu cho đến hàng Tây/Hàng nào cũng có phơi ngay ra đường...” là ghi lại rất chân thật cảnh quan làng xã tôi, tấp nập nhất là các nhà hàng ven đường cái quan từ huyện lỵ Nam Sách đi qua xã lên cầu  Bình... Có gia đình chỉ có một nguồn thu nhập rất phong lưu từ một nghề chỉ đến ngày hôm nay quê tôi  mới có là trồng hoa, bán hoa... Những vườn toàn hoa sặc sỡ quanh nhà, những khoảnh ruộng hoa đủ màu trên đồng làng, nấp sau những tấm lưới ni-lông xanh che chắn. Từ xóm nọ tới làng kia, rồi ra đồng, vào chợ, lên chùa, qua trường học, đến trạm xá... đường bê-tông rộng dài, thẳng tắp.

Tôi nói nhiều tới các con đường, vì cái ám ảnh rất khó quên của tuổi thơ tôi, là tháng 8 -1949, ông ngoại tôi mất. Tôi lúc đó 5 tuổi, lò mò lội trên đường làng, nước ngập đến cổ để đi theo những người đưa tang ông. Tí nữa thì tôi chết đuối vì sa chân ra khỏi con đường chính của làng đã ngập nước.

Năm nay, mùa xuân đến sớm. Hoa xoan đã trổ chân chó trên các cành cây tưởng như khô, mưa bụi lây phây mỏng như tơ nhện bay lơ lửng... Trên đường làng, đã bắt đầu treo những đèn điện ông sao. Các cô gái làng khoác tay nhau đi ăn tiệc cưới, cười nói rúc rích, đã diện những bộ cánh đẹp nhất thướt tha qua con mắt tuổi 70 của tôi. Một mùi thơm thoang thoảng và xa xăm của tuổi trẻ... Tôi đi trên đường làng bê-tông rộng dài, thầm cảm ơn trời đất, cảm ơn nhiều thế hệ cha ông, cảm ơn nhân dân mình... và nhận ra con đường chúng ta đã đi, đang đi là đúng đắn, là tươi đẹp xiết bao...

TRẦN NHUẬN MINH