Cuộc đua tàu chiến làm nóng châu Á - Thái Bình Dương

Tin tức - Ngày đăng : 14:39, 11/02/2014

Nhiều nước ở châu Á - Thái Bình Dương rầm rộ trang bị tàu chiến mới cho hải quân để bảo vệ quyền lợi hoặc mở rộng hoạt động trên biển.


Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản sẽ nhận thêm 2 chiếc khu trục hạm lớp Akizuki trong năm 2014

Tạp chí Defense Review Asia (DRA) vừa dẫn lời Giám đốc bộ phận dịch vụ tư vấn của Công ty phân tích hải quân AMI International (Mỹ) Bob Nugent dự đoán trong 20 năm tới các nước châu Á - Thái Bình Dương sẽ chi 200 tỷ USD để sắm hơn 1.000 tàu chiến. Trong đó, các nước sẽ ưu tiên phát triển tàu hộ vệ, khu trục hạm, tàu có khả năng chở trực thăng, máy bay cũng như khinh hạm, tàu tuần tra… Những diễn biến vừa qua chứng tỏ nhận định hoàn toàn có cơ sở.

Đông Bắc Á chạy đua

Lâu nay, xét về thực lực và công nghệ thì Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) được đánh giá là mạnh nhất trong khu vực, nhưng vị trí này đang bị đe dọa bởi Trung Quốc, theo DRA. Vì thế, Nhật không thể ngồi yên, nhất là khi nước này và Trung Quốc đang tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bộ Quốc phòng Nhật đã lên kế hoạch chính thức đưa tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo, tàu chiến lớn nhất của nước này kể từ Thế chiến 2, vào hoạt động trong năm 2015. Hãng tin Jiji Press dẫn lời giới chức cho biết Izumo sẽ đóng vai trò thành trung tâm chỉ huy cho những chiến dịch bảo vệ các đảo hẻo lánh. Bên cạnh đó, JMSDF dự kiến nhận thêm 2 khu trục hạm lớp Akizuki 5.000 tấn trong năm 2014 và muốn sớm mua thêm 2 tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân Aegis. Theo BBC, Nhật cũng sẽ sắm 52 tàu đổ bộ và một số tàu ngầm.

Trong khi đó, theo DRA, hải quân Trung Quốc đang phát triển ở mức độ “chóng mặt” dù chất lượng vẫn là điều đang gây bàn cãi. Trong năm nay, hải quân Trung Quốc được cho là sẽ lần lượt nhận khu trục hạm thứ 5 và thứ 6 thuộc lớp 052C và chiếc đầu tiên thuộc lớp 052D. Đây là tàu khu trục hiện đại nhất của nước này, với hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng và vũ khí tiên tiến. Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch đóng 12 tàu lớp 052D đến năm 2018 và đã hạ thủy 4 chiếc. Ngoài ra, một số quan chức và chuyên gia của Bắc Kinh úp mở về khả năng nước này sẽ bắt tay đóng tàu sân bay thứ hai trong năm nay.

Trước tình hình 2 láng giềng có quan hệ phức tạp với mình đều ra sức tăng cường sức mạnh trên biển, Hàn Quốc gấp rút đưa vào tác chiến 3 khu trục hạm loại 8.500 tấn được trang bị hệ thống Aegis và đang có kế hoạch sắm thêm 5 chiếc tàu khu trục loại 5.600 tấn, cũng được trang bị Aegis. Ngoài ra, hải quân Hàn Quốc dự kiến sẽ sớm được trang bị tàu đổ bộ trực thăng thứ 2 thuộc lớp Dokdo vô cùng tân tiến.

Khác biệt của Đông Nam Á

Tiến sĩ Euan Graham tại Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore nhận định với DRA rằng khác với những thế lực ở Đông Bắc Á, các nước Đông Nam Á không chạy theo tàu chiến “khủng” mà tập trung trang bị tàu nhỏ hơn và linh hoạt như khinh hạm, tàu tuần tra xa bờ vì chúng phù hợp với nhu cầu chiến lược và khả năng tài chính. Chẳng hạn, Philippines cũng đang muốn sắm 42 tàu tuần tra cùng một số tàu tấn công đa dụng được trang bị ngư lôi và tên lửa. Tương tự, Malaysia đã đặt đóng 6 tàu tuần tra loại 3.000 tấn, được trang bị pháo Bofors 57 mm và tên lửa chống tàu Exocet do Pháp sản xuất.

Ngay cả những nước không trực tiếp tham gia tranh chấp ở biển Đông cũng đang tăng cường chiến hạm, tàu tuần tra, vì như chuyên san Defense News phân tích, các tranh chấp biên giới trên bộ truyền thống đã chuyển sang môi trường biển, có tầm tác động đến toàn khu vực. Cụ thể, hải quân Indonesia dự kiến nhận 16 tàu tuần tra nhanh được trang bị tên lửa chống tàu C-705, súng 20 mm trong năm nay và 2 khinh hạm 2.400 tấn. Hải quân Singapore cũng sẽ đưa vào hoạt động 8 tàu tuần tra cận bờ nội địa trong giai đoạn 2016 - 2018.

Philippines kêu gọi Mỹ bảo vệ

Chính quyền Philippines hy vọng nước này sẽ nhận được sự bảo vệ của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông vẫn chưa giảm. Tờ The Philippine Star hôm qua dẫn lời ông Herminio Coloma, Chánh văn phòng điều hành truyền thông của Phủ Tổng thống Philipppines, nói rõ Manila mong nhận được sự cam kết bảo vệ từ Mỹ tương tự như Nhật Bản. Phát biểu trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố Mỹ sẽ bảo vệ Nhật theo hiệp ước an ninh song phương giữa lúc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc đang leo thang. Bên cạnh đó, tờ Nihon Keizai Shimbun dẫn lời giới quan sát cho rằng nếu Trung Quốc tấn công Senkaku/Điếu Ngư, Mỹ có thể điều oanh tạc cơ B-52 đến hỗ trợ Nhật.

Chi tiêu quốc phòng châu Á tăng mạnh

Theo báo cáo Cán cân quân sự 2014 do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế  (Anh) công bố, chi tiêu quốc phòng châu Á trong năm 2013 tăng 11,6% so với năm 2010. Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc chiếm hơn phân nửa mức tăng này. Tương tự, theo tạp chí IHS Jane's, châu Á - Thái Bình Dương là khu vực duy nhất có chi tiêu quốc phòng tăng đều đặn kể từ năm 2009. Giới chuyên gia dự báo chi tiêu quốc phòng khu vực sẽ lên đến 474 tỉ USD vào cuối thập niên này và chiếm 28% chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Ngoài ra, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc được cho là sẽ đạt mức kỷ lục 159,6 tỉ USD vào năm 2015, tăng từ 119 tỉ USD năm 2013.

VĂN KHOA (Thanh niên)