Người Việt chi 3 tỷ USD/năm cho bia rượu
Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 09:22, 17/02/2014
Khách uống bia tại một quán nhậu đêm ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Là người tham gia khởi thảo Chính sách quốc gia về phòng chống lạm dụng rượu bia, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) Vũ Thị Minh Hạnh rất lo ngại trước thực trạng lạm dụng bia rượu ở Việt Nam.
Trao đổi với với PV, bà Hạnh nói:
- Những năm gần đây, trong khi nhiều ngành sản xuất điêu đứng, khó khăn thì ngành rượu, bia, nước giải khát ở nước ta vẫn tăng trưởng rất ấn tượng. Tháng 4-2013, sản xuất bia tại Việt Nam ước đạt 233,4 triệu lít, tăng 15% so với tháng 4-2012. Trong Báo cáo toàn cầu về thực trạng sử dụng rượu bia và sức khỏe năm 2011, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhận định Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có xu hướng gia tăng nhanh về mức độ tiêu thụ bình quân rượu bia/người/năm, trong khi trên phạm vi toàn cầu suốt cả thập kỷ qua mức tiêu thụ hầu như không thay đổi.
"Nhiều loại bệnh liên quan đến rượu bia như loạn thần do rượu, sảng rượu, tai nạn giao thông do rượu, bệnh gan do rượu... đều đã gia tăng ở mức độ đáng ngại" Bà Vũ Thị Minh Hạnh |
Bằng chứng là mức tiêu thụ rượu bia bình quân của những người từ 15 tuổi trở lên ở nước ta (quy đổi thành rượu nguyên chất) đã tăng từ 1,35 lít năm 2001 lên 3,3 lít năm 2007, 3,54 lít năm 2008 và 4 lít vào năm 2010, trong đó mức tiêu thụ bia tăng nhanh hơn so với mức tiêu thụ rượu. Theo quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025, mức tiêu thụ rượu bia quy rượu nguyên chất bình quân (với người từ 15 tuổi trở lên) ở Việt Nam năm 2025 có thể sẽ tăng lên 7 lít/người/năm, cao hơn mức trung bình chung của thế giới hiện nay (6,13 lít).
* Lạm dụng rượu bia dẫn tới hàng loạt hệ lụy trong đời sống xã hội, nhưng theo bà, điều gì đáng ngại nhất hiện nay ở Việt Nam?
- Tôi cho rằng điều đáng chú ý là tỷ lệ sử dụng rượu bia ở tuổi vị thành niên, thanh niên và phụ nữ đều đang gia tăng nhanh. Tỷ lệ sử dụng rượu/bia trong vị thành niên và thanh niên đã tăng 10% sau 5 năm (2003-2008). Vào năm 2008, tỷ lệ nam vị thành niên và thanh niên có sử dụng rượu, bia xấp xỉ 80%, và tỷ lệ nữ trong nhóm này có sử dụng là trên 36%, trong đó có 60% nam và 22% nữ cho biết từng say rượu/bia. Tỷ lệ có sử dụng trong độ tuổi pháp luật không cho phép (14-17 tuổi) là 45%, trong đội tuổi 18-21 là 67%, trong khi số liệu điều tra y tế quốc gia năm 2002 cho thấy tỷ lệ thấp hơn rất nhiều: nữ uống rượu bia trong một tuần chỉ là 1,9%, nam là 46%. Đến năm 2010, đã có 6% nữ và 70% nam có uống rượu bia trong tháng. Hiện nay trong số nam giới có sử dụng rượu bia hằng ngày có 25% đã dung nạp vượt ngưỡng cho phép, với mức >5 đơn vị rượu tương đương 50g cồn rượu nguyên chất/ngày.
* Những con số bà vừa nói là bằng chứng cho thấy lạm dụng rượu bia ở Việt Nam đã đến mức đáng ngại. Nhưng nhiều nghiên cứu trước đây cho rằng Việt Nam uống rượu bia còn thua xa các nước. Bà có cùng quan điểm này?
Không uống quá một chai bia/ngày Theo WHO, có bốn mức độ nguy cơ trong sử dụng rượu bia, bao gồm: sử dụng rượu bia an toàn, nguy cơ thấp; sử dụng rượu bia ở mức có hại; sử dụng rượu bia ở mức nguy hiểm và phụ thuộc/nghiện rượu bia. Để giảm thiểu hậu quả của sử dụng rượu bia đối với sức khỏe ở mức thấp nhất, nam giới chỉ nên dung nạp không quá 2 đơn vị rượu/ngày và nữ không quá 1 đơn vị rượu/ngày, trong đó 1 đơn vị rượu tương đương với 1 chai bia 330ml hoặc 1 chén rượu mạnh >40 độ (30ml) hoặc 1 ly rượu vang 150ml... |
- Theo Tổ chức nghiên cứu thị trường Eurowatch, năm 2012 Việt Nam đã tiêu thụ 3 tỷ lít bia, gấp 3,5 lần so với năm 2004. Lượng bia sử dụng trung bình/người/năm là 32 lít, xếp thứ nhất khu vực ASEAN và thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản). Nếu chỉ tính trung bình 22.000 đồng/ lít bia lấy theo giá bia Hà Nội, thì người Việt đã tiêu 3 tỷ USD/năm. Trong khi thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ đứng 8/11 nước trong khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam lại đang nắm giữ vị trí quán quân về kỷ lục tiêu thụ bia, vượt xa so với hai nước đứng ở vị trí tiếp theo là Thái Lan và Philippines. Việt Nam được xếp là 1 trong số 25 quốc gia đứng đầu trong danh sách có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất (Nigeria tăng 17,2%, Ấn Độ tăng 17%, Brazil tăng 16% và Việt Nam tăng 15%).
* Những năm qua, đã có rất nhiều văn bản liên quan đến phòng chống lạm dụng rượu bia, có thể nói Việt Nam không thiếu quy định cấm rượu bia nhưng rượu bia vẫn ngày càng tràn lan. Theo bà, lý do vì sao các quy định cấm cán bộ công chức uống rượu bia trong giờ làm việc tỏ ra chưa hiệu quả?
- Để hạn chế những hậu quả bất lợi do sử dụng rượu bia của cán bộ viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 129 về quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước, năm 2008 lại có chỉ thị 05 về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức nhà nước. Một số tỉnh thành đã cụ thể hóa những quy định nêu trên bằng các văn bản hướng dẫn thực hiện trên địa bàn, như ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Lạng Sơn, Tiền Giang... Mặc dù vậy, hiệu lực thực thi của các quyết định, chỉ thị này trong thực tế còn rất hạn chế. Một bộ phận đáng kể công chức, viên chức hiện vẫn đang sử dụng rượu bia trong thời gian làm việc, nhất là trong những dịp liên hoan sơ kết, tổng kết và... tiếp khách.
Tôi cho là thời gian tới phải đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền phổ biến các quy định về nghiêm cấm sử dụng rượu bia trong và ngoài công sở, thời gian nghiêm cấm là toàn bộ khoảng thời gian thi hành công vụ, kèm theo đó là việc ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát cùng các chế tài xử lý nghiêm minh...
* Chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng bia rượu vừa ban hành, theo bà, có thêm được sức mạnh cho công cuộc này?
- Ngày 12-2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 244 ban hành chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ đối với việc phòng chống lạm dụng rượu bia. Ngoài ra, phòng chống lạm dụng rượu bia từng được đề cập trong 36 văn bản quy phạm pháp luật... Tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên thường bị giới hạn trong phạm vi cụ thể của từng bộ, ngành, từng lĩnh vực. Vì vậy, chính sách quốc gia sẽ xác định những định hướng chung, nhằm tạo nên sự đồng bộ trong các quy định của mọi lĩnh vực thuộc đời sống xã hội, đối với phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Theo tôi được biết, chính sách quốc gia vừa được Thủ tướng ban hành là bước khởi đầu, chuẩn bị cho việc xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.
Mức tiêu thụ rượu bia bình quân đầu người qua các năm (từ 15 tuổi)
Năm 2001 | 1,35 lít/người/năm |
Năm 2007 | 3,3 lít/người/năm |
Năm 2008 | 3,54 lít/người/năm |
Năm 2010 | 4 lít/người/năm |
Năm 2025 (dự kiến) | 7 lít/người/năm |
LAN ANH(Tuổi trẻ)