Vật dân tộc trong lễ hội mùa xuân

Trong nước - Ngày đăng : 04:52, 19/02/2014

Vật dân tộc đang phát triển trở lại, tạo sự hấp dẫn cho nhiều lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, môn thể thao này còn gặp không ít khó khăn...



Giải vô địch vật dân tộc tỉnh Hải Dương mở rộng năm 2014 thu hút đông đảo du khách trẩy hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc. Trong ảnh: Đô vật Phạm Văn Quân (Nam Sách) và Phạm Xuân Bắc (Chí Linh) trong trận chung kết hạng trên 72 kg. Ảnh: Thành Chung



Vật là môn thể thao truyền thống gắn liền với tinh thần thượng võ của dân tộc ta. Sau thời gian dài bị trầm lắng, vật dân tộc hiện đang phát triển trở lại, ngày càng thu hút đông đảo giới trẻ tham gia.

Ngày càng nhân rộng

Nhiều năm nay, huyện Tứ Kỳ được biết đến là địa phương có phong trào vật dân tộc phát triển mạnh. Trước đây, vật dân tộc chỉ có ở 3 xã Văn Tố, An Thanh và Quang Trung, nay đã mở rộng sang nhiều địa phương khác như Hưng Đạo, Đại Đồng, Kỳ Sơn, Tây Kỳ, Minh Đức, Tứ Xuyên, thị trấn Tứ Kỳ... Trong huyện hiện có hàng trăm người dân biết đấu vật, nhất là thế hệ trẻ. Anh Nguyễn Hùng Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện Tứ Kỳ cho biết: "Nhiều năm nay, huyện duy trì "lò" vật. Các vận động viên (VĐV) được huấn luyện tại lớp nghiệp dư đã trở thành những hạt nhân quan trọng phát triển phong trào ở mỗi địa phương. Để phong trào vật dân tộc ngày càng phát triển sâu rộng, đầu năm nay, huyện sẽ tổ chức giải vật. Qua giải, huyện có điều kiện đánh giá chất lượng, động viên phong trào và là dịp để tuyển chọn VĐV có trình độ đi tham gia giải tỉnh".

Dịp đầu xuân về lễ hội đền Ngư Uyên, xã Long Xuyên (Kinh Môn), chúng tôi thực sự ấn tượng, trong tiếng trống vật rộn rã, người dân đứng vòng trong vòng ngoài quanh "sới" xem các đô vật tranh tài. Các đô vật tham gia có cả thanh niên, thiếu niên và trung niên. Để bảo tồn phát triển được môn vật dân tộc, từ năm 2008, huyện Kinh Môn đưa giải vật về tổ chức ở lễ hội đền Ngư Uyên. Ngư Uyên là mảnh đất có truyền thống đấu vật từ rất lâu đời của huyện và duy trì được hoạt động liên tục. Ngoài xã Long Xuyên, hiện nay nhiều xã đã có đội vật như: Quang Trung, An Phụ, Hiệp An và các thị trấn Kinh Môn, Minh Tân.

Không chỉ những địa phương có truyền thống vật dân tộc mới quan tâm phát triển, nhiều huyện chưa có phong trào cũng tiến hành gây dựng và thu được kết quả đáng khích lệ. Để khôi phục lại vật dân tộc, từ năm 2011, huyện Ninh Giang bắt đầu gây dựng phong trào. Trung tâm Thể dục, thể thao huyện chọn những xã có phong trào tập luyện môn võ phát triển, có lễ hội truyền thống để mở lớp vật nghiệp dư như Đồng Tâm, Vĩnh Hòa, Hưng Long, Hồng Phong. Năm 2013, huyện tiếp tục mở lớp dạy vật dân tộc ở xã Kiến Quốc và Tân Hương. Đến nay, các xã này đều có đội vật. Với mong muốn quảng bá, ngày càng phát triển môn vật dân tộc và góp phần tạo không khí vui tươi, náo nhiệt, từ năm 2012, huyện bắt đầu tổ chức giải vật dân tộc ở lễ hội đền Tranh. Anh Nguyễn Tất Trọng, cán bộ văn hóa xã Đồng Tâm cho biết: "Từ ngày có giải vật, lễ hội đền Tranh có sức hút mạnh mẽ hơn đối với du khách thập phương. Giải vật góp phần làm phong phú cho phần hội. Các mùa lễ hội sau, địa phương sẽ cố gắng duy trì giải vật để trở thành hoạt động truyền thống của lễ hội".

Ngoài các địa phương trên, hiện nay,  nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng có phong trào vật dân tộc như thị xã Chí Linh, các huyện Nam Sách, Gia Lộc... Đặc biệt, nhiều địa phương đã tổ chức giải vật ở các lễ hội truyền thống, tạo nên sức lan tỏa, khí thế cho môn vật nói riêng và lễ hội nói chung.

Cần được quan tâm

Hiện nay, các địa phương đều thiếu đội ngũ huấn luyện viên có chuyên môn sâu về vật dân tộc


Hiện nay, tuy môn vật dân tộc đã có những bước phát triển tích cực nhưng còn gặp không ít khó khăn để phát triển sâu rộng, bền vững.

Anh Trần Trọng Thu, Giám đốc Trung tâm Thể dục, thể thao huyện Ninh Giang cho biết: Thời gian qua, để phong trào vật dân tộc từng bước phát triển, kinh nghiệm của địa phương là gắn môn thể thao này với các lễ hội truyền thống. Đây là mảnh đất tốt để vật dân tộc có đất sống và phát triển. Tập luyện môn vật dân tộc khá đơn giản vì địa điểm chỉ cần bãi đất nhỏ, 2 - 3 người là có thể tổ chức tập luyện và không tốn kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị, dụng cụ. Cái khó hiện nay để phát triển môn vật dân tộc ở huyện là nhiều địa phương chưa thấy được tác dụng, hiệu quả của vật dân tộc đối với giá trị tinh thần người dân, nhất là đưa vào chương trình lễ hội nên ít quan tâm. Môn vật dân tộc hiện chưa nhận được sự quan tâm rộng rãi, hầu hết đều do một mình ngành thể dục, thể thao tự xoay xở.

Một khó khăn nữa là các địa phương đều thiếu đội ngũ huấn luyện viên có chuyên môn sâu về vật dân tộc. Hầu hết những người hướng dẫn môn vật đều từ những đô vật trưởng thành lên, không được đào tạo bài bản hoặc là những giáo viên dạy võ tìm hiểu, học hỏi thêm để hướng dẫn. Do không có lực lượng huấn luyện nên phong trào ở các địa phương phát triển còn mang tính tự phát. Đa phần VĐV chỉ biết một vài miếng đánh đơn giản và ít có cơ hội thi đấu cọ xát, giao lưu để nâng cao trình độ kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Thể dục, thể thao huyện Kinh Môn cho biết: "Hiện nay, huyện không có một huấn luyện viên nào được đào tạo bài bản về vật. Hằng năm, huyện rất muốn mở các lớp vật nghiệp dư cho các em thanh, thiếu niên nhưng không được. Vài năm qua, thỉnh thoảng huyện mới tổ chức được lớp vật nghiệp dư do có các em sinh viên chuyên ngành vật về địa phương thực tập".

Vật dân tộc là môn thể thao truyền thống  nên rất cần được quan tâm phát triển. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể. Trong đó, tập trung vào những nơi trước đây đã có phong trào, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích những nơi có lễ hội truyền thống đưa hoạt động đấu vật vào. Sở cũng cần quan tâm cung cấp nguồn huấn luyện viên có chất lượng cho các huyện để xây dựng phong trào và tổ chức nhiều giải thi đấu, giao lưu để khích lệ, động viên, cổ vũ; hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ cho các địa phương...

 Bế mạc Giải vô địch vật dân tộc tỉnh Hải Dương mở rộng năm 2014


Đồng chí Nguyễn Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao giải nhất, nhì, ba toàn đoàn
 cho các đội: Tứ Kỳ, Nam Sách và Chí Linh

Sau hai ngày thi đấu sôi nổi, chiều 16-2 (17 tháng Giêng), Giải vô địch vật dân tộc tỉnh Hải Dương mở rộng năm 2014 đã bế mạc. Kết quả, huyện Tứ Kỳ giành giải nhất toàn đoàn với 4 huy chương vàng (HCV), 1 huy chương bạc, 2 huy chương đồng, huyện Nam Sách giành giải nhì, thị xã Chí Linh giải ba. Ở nội dung cá nhân, các đô vật của huyện Tứ Kỳ giành 3 HCV gồm: Nguyễn Tiến Toản hạng 52 - 55 kg; Nguyễn Ngọc Bách hạng 55 - 58 kg, Nguyễn Hùng Mạnh hạng 58 - 62 kg. Các đô vật của huyện Nam Sách giành 2 HCV gồm: Vũ Tự Trí hạng 48 - 52 kg và Phạm Văn Quân hạng trên 72 kg. Ngoài ra, các đô vật Bùi Văn Thủy (Chí Linh) giành HCV hạng 62 - 68 kg, Nguyễn Văn Mạnh (Cẩm Giàng) giành HCV hạng 68 - 72 kg...


DANH TRUNG