Ứng phó với dịch cúm gia cầm
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 08:07, 19/02/2014
Cho gia cầm, thủy cầm ăn uống đầy đủ, không thả rông... là biện pháp quan trọng để phòng, chống dịch bệnh.
Trong ảnh: Đàn vịt của gia đình anh Nguyễn Xuân Đại ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) được bảo vệ chặt chẽ để phòng dịch
Chủ động phòng dịch
Từ trước Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Xuân Đại ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) đã chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch bệnh cho đàn gia cầm gồm 2.000 con vịt đẻ, 2.000 con gà đẻ và 15.000 con gà công nghiệp. Những ngày gần đây, khi dịch cúm đã xuất hiện tại một số nơi và trời mưa phùn, gió bấc thì công tác phòng dịch càng được anh chú trọng hơn. Anh Đại cho biết: “Trước đây 1 tuần tôi phun thuốc khử trùng, tiêu độc 1 lần thì những ngày gần đây tôi đã tăng lên 2 lần/tuần. Chuồng trại được quét dọn sạch sẽ, chất thải thu gom và chôn lấp đúng nơi quy định. Chuồng trại luôn được che kín, không để gió lùa, mưa ướt vào chuồng. Những ngày rét đậm, rét hại tôi còn áp dụng một số biện pháp để giữ ấm trong chuồng như hun trấu, dùng bóng sưởi… bảo đảm nhiệt độ trong chuồng luôn từ 22- 23 độ C trở lên. Ngoài việc cho gia cầm, thủy cầm ăn uống đầy đủ, tôi bổ sung thêm một số loại thuốc hỗ trợ, vi-ta-min tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi. Biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch bệnh vẫn là tiêm phòng. Ngoài các loại vắc-xin thông thường như: viêm phổi, viêm phế quản, new-cát-sơn thì tôi còn mua vắc-xin cúm gia cầm chủng mới về tiêm. Đối với những con giống mới mua về đều được cách ly để theo dõi”.
Cách trang trại của gia đình anh Đại không xa, ông Nguyễn Hữu Lộc cũng đang áp dụng nhiều biện pháp để phòng, chống dịch cúm đàn gà 20.000 con của gia đình mình. Ông Lộc cho biết: “Trang trại thường xuyên có các hoạt động xuất, nhập gia cầm giống nên xe ra vào nhiều, trong đó có cả xe ngoại tỉnh nên công tác phòng, chống dịch cúm được tôi đặc biệt quan tâm. Ngoài các biện pháp vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tiêm cho gia cầm, tôi còn chú trọng phun thuốc khử trùng cho xe mỗi khi vào trang trại. Đối với người làm, quần áo bảo hộ lao động đều phun thuốc sát trùng trước khi mặc và được giặt vào cuối ngày. Những ngày này, tôi cũng hạn chế cho công nhân ra ngoài cũng như cho người lạ vào để hạn chế việc mang vi-rút mầm bệnh vào trang trại”.
Theo Chi cục Thú y, toàn tỉnh hiện có khoảng 8 triệu con gia cầm, thủy cầm các loại, trong đó khoảng 7 triệu con gà, còn lại là ngan, vịt. Đến nay, cả nước có 11 tỉnh, thành phố đã xuất hiện các ổ cúm A/H5N1 gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Bà Rịa Vũng Tàu và Lào Cai, có 2 bệnh nhân đã tử vong do nhiễm vi-rút cúm A/H5N1. Ở Việt Nam tuy chưa phát hiện chủng vi-rút cúm H7N9 nhưng nguy cơ lây nhiễm từ Trung Quốc sang rất cao, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc. |
Nhiều khó khăn
Trong các biện pháp phòng dịch thì tiêm vắc-xin được coi là biện pháp hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, nhiều năm qua tỉnh ta không có vắc-xin để tiêm phòng đàn gia cầm. Mặc dù giá vắc-xin không cao, khoảng 80-90 nghìn đồng/lọ tiêm cho 1.000 con, nhưng do không được hỗ trợ nên người dân cũng không tự bỏ tiền ra mua. Lưu lượng vận chuyển gia cầm qua địa bàn tỉnh ta lớn, nên nguy cơ xe mang vi-rút đi qua địa bàn tỉnh ta không tránh khỏi. Năm 2013, tỉnh ta không có dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm nên một số người chăn nuôi cũng như cơ quan chức năng chủ quan, lơ là. Một số nơi, ý thức chăn nuôi của người dân còn hạn chế. Nhất là hiện nay, khi giá gia cầm, thủy cầm xuống thấp nên người chăn nuôi không mặn mà. Tại địa bàn TP Hải Dương, mặc dù UBND thành phố đã có quy định chỉ có một số chợ như Thanh Bình, Phú Lương được phép bán gia cầm sống và việc giết mổ phải đưa vào cơ sở giết mổ tập trung tại xã Thạch Khôi nhưng tình trạng buôn bán, giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra tràn lan, gây khó khăn cho công tác quản lý dịch.
Cán bộ thú y tiêm phòng dịch cúm A/H5N1 cho đàn gia cầm thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền (Thanh Miện).
Ảnh tư liệu
THANH HÀ