Ngóng mẹ

Truyện ngắn - Ngày đăng : 08:02, 25/02/2014




Minh họa: Văn Hà


Bà Lũng mãi mới lừa được hai đứa cháu đi ngủ, sau khi chúng đã khóc khản cả cổ. Bà vén màn, lần tìm thẻ hương trong bóng tối, định thắp hương thì ngoài hiên ông Lũng đã lên tiếng:

- Hương khói gì nữa bà, để yên các cháu nó ngủ, mùi hương sợ lắm. Ra đây ngồi với tôi.

Bà lại lần hồi ra hiên. Đêm không có trăng, thứ ánh sáng mờ mờ, bàng bạc hắt ra từ nền mây xám bao phủ hai cái thân già.

Làng quê yên ắng, tiếng ếch nhái va vào đêm vô vọng, vườn chuối thủ thỉ chuyện trò như chợ đêm của đám ma làng. Thi thoảng có tiếng xe máy lao trong đêm hốt hoảng. Bao giờ bà cũng thở dài từ phút ấy.

Cả đời bà lao đao, vất vả cũng không mong giàu sang phú quý, chỉ mong một cuộc sống no đủ, yên bình. Bà sợ mọi sự thay đổi, bằng chứng là bà đang lo lắng khổ sở hằng đêm khi hai đứa con đi làm ăn xa lắc. Nghĩ đến đây bà không cầm được nước mắt, bà tủi lắm. Bà còn biết trách ai đây? Trách ông không đủ kiên quyết để giữ con ở lại mà có giữ cũng không được. Vậy trách chúng nó ham tiền của bỏ con cái ở nhà. Kể cũng thương, ở cái đất này biết trồng cây gì, nuôi con gì cho khấm khá, “âu cũng là cái số”.

- Thôi vào ngủ đi ông, trời cũng chuyển ngày rồi đấy. Mai ông còn phải đi khám bệnh cho bà Cấn. Tôi cũng phải ra đồng xem đám đỗ tương bị sâu bọ hết, lỗ cả vốn lấy gì mà ăn.

Ông lẳng lặng cầm chiếc quạt nan đi vào. Đến gần buồng, nghĩ ngợi thế nào ông quay lại bảo bà:

- Hôm nay để tôi ngủ với các cháu.

*


Sáng dậy ông Lũng quờ tay đã chẳng thấy thằng Bình đâu cả, con Phượng đêm qua khóc mệt quá ngủ mê mệt, chân tay co lại, trông tồi tội. Ông Lũng đi ra sân, mấy mái gà đã dẫn con đi tìm mồi bữa sáng, tíu tít và đông đủ. Con mực đêm qua phải thức canh bóng đêm, bây giờ chắc nhẹ lòng nằm ngủ. Ông biết thể nào thằng Bình cũng ngồi ngoài ngõ ngóng mẹ, đã hai tuần nay từ khi mẹ nó đi làm ở nước ngoài cả hai đứa nhỏ cứ kêu gào đòi mẹ suốt. Bà Lũng cứ nói dối: “Mẹ đi chợ chưa về”. Đã có nhiều lúc ông cáu bà: “Đừng dối lũ nhỏ mà phải tội, đâu phải ngày một ngày hai”. Bà lại thở dài quay đi lau nước mắt.

Ông bước ra đến cổng, thằng Bình đang ngồi thu lu cạnh bụi tre đã goá, ngủ tự lúc nào. Thương chúng bao nhiêu, ông giận con bấy nhiêu, nó tham tiền bạc, ham hố gần nhau mà bỏ bê lũ trẻ. Không thương nó thì đẻ chúng nó ra làm gì cho nó khổ. “Sư bố chúng nó, vác mặt về đây ông khắc bảo”. Ông Lũng cầm lấy bàn tay nhỏ bé, gầy còm của đứa cháu lay gọi:

- Bình ơi! Đi về thôi cháu.

Đứa cháu ngơ ngác, khi đã hiểu ra thì nó dụi mắt, ư ử khóc.

- Không cháu không về đâu, trả mẹ cho cháu. Ứ ừ, trả mẹ cho cháu.

- Ngoan nào! Nghe ông nào, cứ vào rồi mẹ khắc về.

- Mẹ cháu đi đâu mà lâu thế ông?

Ông Lùng bực mình gắt:

- Đi chợ.

Rồi như chợt nhận ra những lời mình vừa nói chẳng khác nào bà Lùng. Ông buồn bã lắm, già hai thứ tóc mà phải đi dối trẻ, như lời lẽ bụng dạ đàn bà. Vậy mà đứa trẻ vẫn ngồi ỳ đấy. Ông thấy bực bội quá, bẻ ngay lấy cái roi quật nó vài cái:

- Chừa này! Ương bướng này, người lớn bảo không nghe. Mày tưởng ông sung sướng lắm à. Đi vào!

Thằng bé đau quá, khóc ré lên, tay bo mông thưn thứn đi vào, mồm vẫn gọi mẹ. Nhìn cháu ông xót xa đến mức không buồn cử động, cứ đứng đấy mà rơm rớm.

 *  


Ông đạp chiếc xe phượng hoàng lọc cọc đi khám bệnh cho bà Cấn. Trên đường đi hình ảnh đứa cháu bo mông khóc cứ hiện ra ám ảnh ông. Làm suýt nữa ông lao vào chiếc xe trâu ra đồng thu bắp. Sống cả đời chưa bao giờ ông thấy đời cơ cực thế.

Lấy vợ lúc hai mươi ba tuổi, lấy cái bằng trung cấp trong tay lại ham mê đọc sách, ông lấy nghề chữa bệnh cho dân mà sống. Bố mẹ ông trâu ruộng nhiều bị coi là địa chủ, cách mạng tịch thu hết tài sản. Nên sau này khi lấy vợ ông trắng tay, chính quyền chia cho hai thửa ruộng. Vợ cấy lúa trồng ngô, cuộc sống nghèo nhưng vui. Sinh được ba đứa con thì chết hai, chôn ở góc đồi cùng lũ trẻ làng. Còn mình thằng Bắc nuôi nó ăn học hết trường nghề này đến trường nghề khác, hao công tốn của. Chưa làm được gì nó đã có vợ con. Làm ruộng không đủ ăn, nó cứ bám víu ông bà mãi, nghĩ đến đây ông thấy vòng xe thêm nặng dù đường bằng phẳng. Trời không có gió.
Ông nhớ cách đây gần hai năm, cả nước rộ lên việc đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Chẳng biết thực hư thế nào nhưng xã ông cũng có đợt công ty về tuyển người, loa xã bắc nói oang oang, cứ sáng tinh mơ và lúc gà lục tục vào chuồng, mọi nhà sắp sửa bữa cơm chiều. Thằng Bắc nhấp nhổm ăn không yên, ông quát:

- Ăn mãi cho xong bữa, tiền không kiếm dễ thế đâu. Người ta bỏ đồng tiền ra cho mình, thì người ta cũng phải bóc lột sức lao động của mình ghê lắm. Sức mày trói gà không chặt đi đâu mà nhấp nhổm.

- Bố thật… người ta chả đi ầm ầm kia thôi, có ai chết đâu. Nhà nước người ta mở đường cho mình chẳng nhẽ người ta lại lừa mình mà bố phải lo. Cứ ru rú ở nhà thì đời thủa nào mà khá lên được. Nói xong nó vùng vằng đứng dậy, ra ngõ ngồi hút điếu cày xoèn xoẹt. Tối nó trải chiếu giữa sân, nằm thẳng cẳng ngẩng mặt lên trời cả đêm.

Rồi ông biết cái gì đến cũng sẽ đến. Cái ngày con ông bỏ làng quê, chòm xóm ra đi.

- Con nghĩ kỹ rồi. Con đã quyết đi vài năm về lấy vốn làm ăn. Chứ cứ bấu víu ông bà mãi sao được.

- Thôi ở nhà, mẹ sẽ nhận thêm cót về đan. Nghèo nhưng vui vẻ bên nhau là vui rồi, bố mẹ già rồi chỉ mong có thế thôi. Mày đi tao lo lắm, còn vợ con…

- Chăm sự nhờ ông bà, cháu Bình cũng sắp khôn rồi. Khi nào vợ con trở dạ mẹ chăm nom nó giúp con. Lấy chồng nhà nghèo, con thương nó quá.

Ông Lùng tức quá, không chịu được quát lên:

- Ở nhà! Không đi đâu hết. Tao cấm, mật đấy mà húp.

- Kìa bố! Bố không thương con cũng phải thương lấy các cháu chứ. Con muốn có tiền nuôi chúng ăn học đâu vào đấy. Không có bằng cấp gì khổ lắm.

Ấy thế là nó đi. Ông già quá rồi, nói chúng nó đâu có nghe gì. Nghĩ tủi thân mắt ông cay xè. Con đường hôm nay như dài mãi. Nhà bà Cấn ở xã bên. Mọi bận ông đạp xe một tý là đến nơi, vậy mà… Khổ thế đấy, con cháu không đứa nào ở bên, đêm hôm ốm đau không ai biết, có ngày chết khô ra đấy. Tội! Nuôi chúng nó cho lắm vào. Ngẫm chuyện người ta ông lại nghĩ đến thân mình. Đẻ con, thằng chết từ nhỏ đã đành, thằng sống cũng bỏ mà đi. Già rồi những tưởng được nương nhờ con cháu, ai ngờ con trai đi, con dâu cũng đi theo bỏ lại gánh nặng là hai đứa cháu. Đứa học lớp một, đứa bi bô tập nói. Giận con thì ít thương lũ trẻ thì nhiều, cái giống trẻ con phải được nuông chiều, chăm bẵm. Dạy dỗ nó, uốn nắn nó từ lúc nhỏ lớn lên mới mong nó thành người. Chúng nó đã biết tiền là gì đâu, chỉ thấy thiếu bố, thiếu mẹ là đòi. Ông chỉ lo sau này bố mẹ chúng về, chúng lại ngơ ngác chẳng nhận ra ai, nhất là con bé út, nó có biết gì đâu…

Mấy hôm trước con dâu ông điện về bảo thi thoảng hai vợ chồng vẫn gặp nhau. Nghe đâu đất ấy rộng, cách xa nhau những tám trăm cây số, nghe mà rùng cả người. Nó không nói với ông nhưng điện về cho bạn bè nó khoe, mỗi lần hai vợ chồng gặp nhau tiêu hết mấy triệu tiền thuê khách sạn, tiền đi lại, ăn uống. Vậy mà chẳng gửi về đồng nào nuôi con, cứ bảo là họ giữ hết tiền lương, bọn trẻ ở nhà mang tiếng bố mẹ đi làm nước ngoài mà có bữa vẫn cơm rau.

Chồng đi được gần hai năm, ở nhà chỉ việc sinh con, chồng gửi tiền về ăn trắng mặc trơn, chẳng chịu làm lụng bao giờ cả, mặc kệ bố mẹ cày lưng ra đồng làm ruộng. Tiền gửi về mấy chục triệu chẳng biết nó tiêu những gì, nó cho ai cũng hết. Một đồng quà tấm bánh, một bộ quần áo mới ông bà cũng chẳng được. Nhiều hôm bà Lũng thủ thỉ:

- Chúng nó mua cái gì về ăn, cứ giấu giấu, giếm giếm trong nhà. Thấy tôi giật mình như thằng ăn vụng bị bắt gặp.

Ông lại gắt:

- Cái bà này hay chửa? Già đời người vẫn còn chấp miếng ăn. Nó đã tham không cho mình, thì mình còn để ý làm gì.

- Nhưng mà tôi tức. Con mình bỏ sức lao động làm ra, gửi tiền về nó dúi cho bên nhà đẻ hết.

- Ai bảo bà thế. Ăn nói lung tung, thiên hạ biết nó cười cho. Con mình ngu thì chịu, chọn vợ cho con không khéo biết trách ai?

- Ông nhu nhược vừa thôi có nghe thiên hạ người ta đồn ầm lên không? Người ta bảo con dâu nhà mình lấy tiền chồng đi làm gửi về nuôi trai, bồ bịch. Nhục ơi là nhục.

Ông thở dài vắt tay sau lưng đi ra ngõ định đi quanh làng cho khuây khoả, nghĩ thế nào ông lại quay về. Già rồi ông sợ miệng lưỡi thế gian hơn cả sợ đói, sợ bệnh.

Nhà bà Cấn kia rồi! Căn nhà lá lụp xụp nằm giữa một vườn cỏ hoang mọc um tùm. Con cái bỏ đi bà côi cút sống một mình. Nhìn cảnh ngộ bà, ông những tưởng một ngày nào đó bà chết vì cô độc chứ chắc gì vì bệnh tật. Chiếc giường đã mọt một bên chân, bẩn nhem nhuốc kê sát góc tường tối om. Bà nằm thu lu, thở khò khè, nghe mà não cả lòng…

Bệnh hen lại tái phát, ông dặn dò bà đôi ba điều, cho thuốc, ngồi với bà một lúc rồi lại ra về. Chữa bệnh cho bà chưa bao giờ ông lấy tiền, mà bà cũng tiền đâu mà trả. Chỉ hy vọng sau này có chết đi, xuống dưới kia gặp nhau thì làm chòm xóm của nhau, mấy thân già nương vào nhau mà sống. Tự nhiên chiều nay ông thấy mọi thứ thật nặng nề, ông mệt mỏi muốn buông xuôi tất cả.

Đường về ngược triền đê, gió thốc. Ông sợ phải về nhà lúc này lắm. Từ ngày con dâu đòi sang với chồng không khí trong nhà, ngoài vườn cứ ảm đạm thế nào ấy, ngột ngạt và khó chịu.

Ông nhớ cũng con đường này ngày xưa ông đã từng đạp xe hai mươi cây số buôn sắt vụn vào tuổi mười tám, đôi mươi. Hôm nào ông cũng mệt nhưng vẫn hý hửng đạp về nhà vì biết thể nào mẹ cũng đón từ ngoài ngõ. Ngày đó cơ cực hơn bây giờ nhiều mà vẫn thấy cuộc đời có ý nghĩa biết nhường nào. Còn bây giờ vẫn con đường này, vẫn ngôi nhà ấy, nhưng ông biết thể nào đứa cháu cũng ngồi dưới bụi tre đã goá, ngóng vời vợi về phía ông đi, nơi ngày xưa mẹ nó làn đầy, làn vơi từ chợ về. Và chỉ đợi có thế nó ùa ra đón quà từ tay mẹ, cười vang cả ngõ.

Những vòng xe thêm nặng.

Truyện ngắn của VŨ THỊ HUYỀN TRANG