Biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm
Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 12:05, 28/02/2014
Dưới đây là cách phát hiện bệnh và những biện pháp kỹ thuật phòng bệnh:
Gia cầm mắc bệnh có những biểu hiện: Sốt cao, ho, khó thở, chảy nước mắt, nước dãi ở mỏ, phù đầu và mặt, xuất huyết ở vùng da không có lông, đặc biệt ở chân, da tím tái, lông xù, đứng tụm một chỗ, khát nước, bỏ ăn và chết nhanh, chết hàng loạt. Gia cầm đi lại không bình thường, loạng choạng, run rẩy, mệt mỏi.
Phòng bệnh bằng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học: Tự túc con giống, mua con giống có giấy chứng nhận kiểm dịch. Kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm. Thực hiện các biện pháp phòng bệnh, chăm sóc, nuôi dưỡng. Không nuôi gia cầm thả rông, vịt chạy đồng. Giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm gia cầm mắc bệnh, tiêu hủy gia cầm trong ổ dịch một cách triệt để. Vệ sinh tiêu độc thường xuyên bằng các loại thuốc sát trùng như: Vinadin 10%, Vikon 0,5%, nước vôi 2%, Iodin 1%, Chlorin 1%.
Phòng bệnh bằng vắc - xin: Sử dụng vắc - xin H5N1 chủng RE5 do Trung Quốc sản xuất tiêm phòng cho gia cầm :
* Gà 2 - 5 tuần tuổi tiêm 0,3ml vào dưới da cổ phía trên.
- Gà trên 5 tuần tuổi tiêm 0,5ml vào cơ ngực.
* Vịt từ 2-5 tuần tuổi tiêm 0,5ml dưới da giữa cổ phía trên phần gần cơ thể. Vịt trên 5 tuần tuổi tiêm 1 ml/con vào cơ ngực sau 28 ngày tiêm mũi 2 liều 1ml/con
* Ngan trên 2 tuần tuổi tiêm 0,5ml/con
Nếu chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống thì hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh, bảo vệ đàn gia cầm sinh trưỏng và phát triển bình thường.
(Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương)