Quan tâm phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Công nghiệp - Ngày đăng : 03:35, 01/03/2014

Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang khẳng định vai trò tích cực đối với sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang gặp khó khăn...



Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục được quan tâm để phát triển sản xuất, kinh doanh.
 Trong ảnh: Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát


Nhiều khó khăn

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 31 - 12 - 2013, toàn tỉnh có 6.787 doanh nghiệp đang hoạt động hầu hết thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Trong năm, sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới cho 856 doanh nghiệp; xóa tên, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với 259 doanh nghiệp. Đến cuối tháng 11 - 2013, chỉ có 5.028 doanh nghiệp có kê khai thuế. Hiện nay, DNNVV đóng góp gần 20% GDP của tỉnh.

Chủ các DNNVV đều có khát vọng làm giàu, mong muốn đem tiền của, công sức đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, ngoài việc phải đối mặt với thương trường khốc liệt, khủng hoảng kinh tế thì không ít các thủ tục hành chính rườm rà, thiếu công khai minh bạch, việc đào tạo đội ngũ doanh nhân chưa được quan tâm đúng mức, chưa thúc đẩy sản xuất ở những lĩnh vực quan trọng có tác động lớn đến xã hội... đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chị Phạm Thị Mỹ Hoài, Giám đốc Công ty TNHH Hoài Giang (TP Hải Dương) chia sẻ: Chúng tôi chuyên cung cấp và sản xuất các thiết bị nội thất. Tôi thấy hiện nay, các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm soát chi của kho bạc chưa công khai, minh bạch, vì vậy gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động của chúng tôi.

Anh Nguyễn Anh Bến, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bến Thành ở xã Nam Trung (Nam Sách) cho biết: Trước khi trở thành chủ doanh nghiệp, tôi là chủ hộ cá thể chuyên chế biến hành, tỏi. Sau khi thành lập doanh nghiệp, tôi đã phải bỏ không ít tiền để lên Hà Nội học các lớp đào tạo doanh nhân mà rất ít được học các lớp do tỉnh tổ chức. Qua hoạt động thu mua, chế biến nông sản ở các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, tôi thấy các địa phương này rất quan tâm khi có doanh nghiệp muốn thu mua nguyên liệu nông sản của nông dân để chế biến. Các tỉnh này sẵn sàng hỗ trợ nông dân về giống cây, con, tiền làm đất để xây dựng vùng nguyên liệu. Trong khi đó, ở tỉnh ta thì doanh nghiệp và nông dân phải tự lo nên không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh


Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực hiện kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 - 2015, thời gian qua các cấp, ngành đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Nhiều thủ tục hành chính rườm rà, liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã được các sở, ngành cắt giảm. Nhờ đó, giúp các DNNVV tiếp cận các nguồn tài chính phù hợp, tháo gỡ khó khăn về vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải phóng hàng tồn kho. Cùng với đó, tỉnh đã tập trung tháo gỡ khó khăn về mặt bằng sản xuất cho DNNVV... Mặc dù vậy, do tác động của khủng hoảng kinh tế, hàng trăm DNNVV đã phá sản, phải dừng hoạt động. Số lượng doanh nghiệp mới chỉ đạt khoảng 70% so với mục tiêu đến năm 2015.

Tại các cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp, doanh nhân do các hiệp hội tổ chức đã có nhiều ý kiến kiến nghị với tỉnh, Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: Hiện nay, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh ta mới chỉ ở mức trung bình, vì vậy tỉnh cần tiếp tục có các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư. Tỉnh cần có cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Bởi hiện nay, đa số các DNNVV do tiềm lực về vốn nên ít có khả năng vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thuê đất, vì vậy cần quan tâm để các địa phương phát triển các khu đất thương mại, dịch vụ để phát triển doanh nghiệp. Tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện trong việc chuyển nhượng, chuyển đổi chủ thuê đất để các hộ cá thể muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển đổi, tránh việc lòng vòng như hiện nay. Tỉnh cần có cơ chế, chính sách rõ ràng để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tuyển dụng. Tiếp tục mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ doanh nhân nhằm trang bị những kiến thức cần thiết cho doanh nhân.

Ngoài ra, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các tổ chức của doanh nghiệp nâng cao vai trò là đại diện người sử dụng lao động tại địa phương. Qua đó, làm cầu nối giữa doanh nghiệp, doanh nhân với cơ quan nhà nước để hỗ trợ DNNVV phát triển.

VŨ ÚY