Bức thông điệp mùa xuân
Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 18:15, 04/03/2014
|
Khổ một có bốn câu thơ, 24 từ thì 22 từ nhằm miêu tả thời gian, không gian và hoàn cảnh cuộc dạo mát của đôi trai gái. Không gian là trên bờ đê có thảm cỏ xanh. Thời gian là vào buổi sáng mà cụ thể là sáng mùa xuân. Đó chỉ có thể là mưa của mùa xuân. Mưa không nhìn thấy hạt, chỉ thấy bầu trời như có bụi. Người ta vẫn nói, mưa bụi, mưa bay, nghĩa là chỉ thấy tơ trời như “Con nhện giăng mùng”. Khổ thơ là một bức tranh xuân tuyệt đẹp. Nhìn từ xa lên mặt đê chỉ thấy thảm cỏ xanh mướt chạy dài hút mắt.Dưới ánh nắng ban mai làm cho bức tranh càng thêm rực rỡ.Mặc dù bức tranh ấy đã có sự cảm nhận của con người: "Chỉ thấy nắng lên thoa mát”. Nhưng sẽ chưa đầy đủ, chưa trọn vẹn nếu không có hai chữ “dáng mình” ở cuối khổ thơ. Đến đây nhân vật đối thoại của nhân vật trữ tình đã xuất hiện và bức tranh xuân ấy mới thực sự hoàn hảo. Hai chữ cuối khổ thơ thứ nhất còn cho ta một thông điệp: đây là đôi lứa đã yêu nhau, thậm chí đã là vợ chồng, có như thế mới dám xưng gọi nhau bằng "mình".
Nếu khổ một bài thơ là bức tranh xuân tuyệt đẹp, là bối cảnh thì khổ hai sẽ cho ta hiểu được tâm trạng của con người trong bối cảnh ấy:
Em ngắm hoài lên đê xanh/ Anh ngó hoài sang con mắt.
Phải chăng người con gái đã bị bức tranh xuân hút hồn nên không để ý gì đến người bên cạnh? Dường như không phải vậy! Người con gái cứ ngắm hoài lên đê xanh nhưng vẫn biết người bên cạnh đang ngó hoài sang con mắt của mình. Đó là cái thần tình của tình yêu! Ca dao xưa có câu: "Thò tay mà ngắt ngọn ngò/ Thương anh đứt ruột giả đò ngó ngơ”. Cô gái ở đây cũng giả đò “ngắm hoài lên đê xanh” nhưng tâm hồn thì để hết vào người bên cạnh.Người con trai ở đây chỉ “ngó hoài sang con mắt” nhưng vẫn cảm nhận được cảnh đẹp tuyệt vời của bức tranh xuân. Dường như cảnh đẹp mùa xuân đã được cô gái cảm nhận và phản chiếu qua cửa sổ tâm hồn của mình là đôi mắt. Khi yêu chỉ cần nhìn vào đôi mắt người yêu là thấy tất cả.
Hai câu thơ đầu của khổ hai là tâm trạng của đôi lứa yêu nhau được tác giả diễn tả hết sức khéo léo.
Câu thơ thứ ba của khổ hai đã chuyển cảm xúc của người đọc sang một hướng khác: "Chỉ thấy bờ mi em rung". Câu thơ tưởng như chỉ miêu tả khách quan một hình ảnh cụ thể nhưng lại giàu sức biểu cảm. Đằng sau hình ảnh bờ mi em rung người đọc tha hồ mà tưởng tượng. Cô gái ở đây chắc hẳn có một đôi mắt rất đẹp, một bờ mi dài và hơi cong. Đôi mắt ấy đã phản ánh một tâm hồn rất tinh tế. Hình ảnh ấy còn cho thấy cô gái ở đây đang có một nỗi niềm chất chứa trong lòng. Nỗi niềm ấy chỉ nén được tiếng khóc không bật ra nhưng đôi mắt và bờ mi lại nói lên tất cả. Câu kết của bài thơ đã xác nhận điều ấy: "Bấy giờ mới tin cỏ ướt".
Nếu câu thơ thứ hai của bài thơ là một hàm ngôn "Nhìn xa ai hay cỏ ướt" thì câu kết bài thơ đã giải mã cho hàm ngôn ấy. Cỏ ướt thật nhưng nhìn xa thì không hay là cỏ ướt. Vì mưa cứ như không. Em khóc thật đấy nhưng không khóc thành tiếng, nếu anh nhìn xa, anh hời hợt thì không thấy được đâu! May thay chàng trai ở đây có một tâm hồn nhạy cảm, nhìn vào đôi mắt của người yêu thấy được bờ mi em rung, thấy được bờ mi em ướt, hiểu được nỗi niềm của em. Bấy giờ mới tin cỏ ướt, bấy giờ mới tin vào tình yêu dào dạt của em. Câu kết của bài thơ là một cái kết mở.
Trần Quốc Thực quê ở Hà Nam nguyên là biên tập viên Báo Văn nghệ. Bài thơ "Cỏ ướt" rút trong tập “Miền chờ” (Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới-1990) là một thông điệp của mùa xuân, mùa xuân của đất trời, mùa xuân của lòng người.
HỒ TRỌNG XÁN