Ninh Giang phòng, chống dịch cúm gia cầm

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:02, 06/03/2014

Dịch cúm gia cầm đang có chiều hướng bùng phát nhanh, các ngành chức năng và người chăn nuôi ở Ninh Giang tích cực phòng, chống dịch...



Ông Vũ Văn Cảnh (xã Hoàng Hanh, Ninh Giang) đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng,
chống dịch bệnh cho đàn gia cầm

Trước tình hình dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm đã và đang bùng phát ở huyện Thanh Hà và Gia Lộc, các ngành chức năng và người chăn nuôi ở huyện Ninh Giang đang tích cực triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Trang trại của gia đình ông Vũ Văn Cảnh, nằm giáp chợ Bùi, xã Hoàng Hanh được xây dựng khá quy mô với hàng chục gian chuồng chăn nuôi. Trước Tết Nguyên đán, gia đình ông đã xuất 1 lứa gà gần 5.000 con. Hiện tại, trang trại chăn nuôi của ông còn 500 cặp ngan bố mẹ giống (của Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thuỵ Phương, Hà Nội, 750 con vịt đẻ Super (Đại Xuyên) và gần 400 con ngan thương phẩm. Mặc dù trên địa bàn xã chưa xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng ông Cảnh cũng như nhiều hộ chăn nuôi ở Hoàng Hanh rất lo lắng. Ông Cảnh cho biết: "Với kinh nghiệm chăn nuôi chục năm nay của tôi thì những thời điểm mưa phùn, lạnh như hiện nay gia cầm rất dễ mắc bệnh. Để chăn nuôi an toàn, góp phần nâng cao thu nhập thì việc phòng dịch phải được quan tâm hàng đầu. Chuồng nuôi phải thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, bảo đảm mật độ nuôi hợp lý. Gia súc, gia cầm phải được bổ sung các loại vitamin tổng hợp, men tiêu hóa, định kỳ phun thuốc tiêu độc, khử trùng, đặc biệt khi nhập đàn về thì báo cáo với cán bộ thú y xã để đăng ký vắc - xin, sau 1 tuần thì tiêm vắc - xin phòng dịch tả, sau 2 tuần thì tiêm vắc - xin H5N1".

Ông Cảnh cho biết thêm: "Chỉ cách đây 10 ngày trở về trước, lượng giống ngan, vịt được ấp ra lò không đủ để cung cấp cho tiểu thương cũng như một số trang trại, gia trại, thì ngay sau khi dịch cúm gia cầm bùng phát, lượng khách hàng đến mua con giống ngày một giảm dần. Giống sản xuất ra bán khá chậm, giá con giống cũng vì thế mà giảm xuống còn 1/3 so với trước. Hiện tại ngan giống giảm từ 15 nghìn đồng/con xuống còn 5.000 đồng/con; vịt giống Super cũng giảm từ 16 nghìn đồng/con xuống còn 6.000 đồng/con. Giá gia cầm thương phẩm cũng giảm xuống dưới 40 nghìn đồng/kg khiến người chăn nuôi thua lỗ".

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Bách Được, Chủ tịch UBND xã Hoàng Hanh cho biết: Những năm gần đây, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở địa phương phát triển mạnh, đặc biệt ở các khu chuyển đổi. Nhiều gia đình nuôi gia cầm, thuỷ cầm với quy mô lớn lên tới hàng nghìn con. Trước những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, chính quyền xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm và phòng, chống dịch bệnh ở người. Để nâng cao ý thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về pháp lệnh thú y, triển khai thực hiện công tác tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, xã  phối hợp chặt chẽ với Trạm Thú y huyện Ninh Giang chủ động thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ, kịp thời trong phòng, chống dịch.

Thời tiết chuyển mùa, mưa phùn kết hợp với rét đậm, rét hại kéo dài nên nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, lở mồm, long móng ở gia súc có khả năng phát sinh, lây lan rất cao. Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, ngay từ đầu năm 2014, UBND huyện Ninh Giang đã tăng cường chỉ đạo chính quyền cơ sở, giao trách nhiệm cho trưởng ban chăn nuôi thú y xã, thị trấn, các tổ chức đoàn thể kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các trường hợp dịch bệnh phát sinh, báo cáo kịp thời để có biện pháp xử lý. Bà Nguyễn Thị Liên, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết: "Trạm vừa cấp phát 264 lít hóa chất tiêu độc khử trùng từ nguồn hỗ trợ phòng, chống dịch của tỉnh cho 28 xã, thị trấn và hướng dẫn các hộ chăn nuôi trên địa bàn thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng làm sạch môi trường, khu vực giết mổ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm. Đồng thời khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng, từ vùng an toàn dịch. Cải tạo chuồng nuôi bảo đảm khô ráo, sạch sẽ; tiêm phòng đầy đủ, đúng quy trình các loại vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; tuyệt đối không thả rông gia cầm ngoài đồng.

Hiện nay, Trạm Thú y huyện đã đăng ký với Chi cục Thú y tỉnh lấy về 35 nghìn liều vắc-xin dịch tả, tụ dấu tiêm phòng cho đàn lợn, 500 liều vắc-xin tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò và 1.000 liều vắc - xin phòng dại cho đàn chó. Đối với đàn gia cầm, Trạm Thú y huyện cùng với các xã, thị trấn đang tổ chức điều tra, thống kê tổng đàn gia cầm hiện có và chuẩn bị các điều kiện để triển khai tốt đợt tiêm vắc - xin cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm trong những ngày tới.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Liên thì điều quan trọng nhất chính là sự chủ động, ý thức của người chăn nuôi, có như vậy thì công tác phòng, chống dịch bệnh mới thực sự có hiệu quả, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu dịch bệnh xảy ra.

MINH PHƯƠNG