Mưu sinh mùa lễ hội
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 03:09, 08/03/2014
Đi liền với sự đa dạng, phong phú của các lễ hội thì cũng có vô vàn cách mưu sinh của người dân.
Những tháng lễ hội đầu năm, nhiều người tranh thủ bán đồ lễ, đồ ăn hay trông xe tại cổng đền,
chùa để kiếm thêm thu nhập. Trong ảnh: Bán hàng lưu niệm tại lễ hội chùa Muống, xã Ngũ Phúc (Kim Thành)
Bà Bùi Thị Tâm (45 tuổi) ở thôn Hà Hải, xã Hà Kỳ (Tứ Kỳ) đã có 20 năm làm nghề bán đồ lưu niệm tại các lễ hội. Không một lễ hội của địa phương nào trong tỉnh mà thiếu quầy hàng của bà. Địa phương nào có lễ hội, diễn ra vào ngày nào, ở đâu hầu hết bà đều nhớ. Tại lễ hội chùa Muống (Kim Thành) năm nay, bà Tâm vẫn bán mặt hàng lưu niệm quen thuộc. Bà chia sẻ: "Vợ chồng tôi cứ đi hết các lễ hội này tới các lễ hội khác, tranh thủ mấy tháng lễ hội đầu năm để kiếm thêm thu nhập. Hết mùa lễ hội, chúng tôi lại về quê làm ruộng, không có nghề phụ thì làm quanh năm cũng chẳng đủ ăn". Cứ như vậy, hôm nào có lễ hội ở đâu, ngay từ 4 giờ sáng, vợ chồng bà đã dọn hàng vào chiếc xe kéo rồi đi tới lễ hội, tới đêm mới về tới nhà. Mỗi tháng vợ chồng bà đi cả chục cái lễ hội trong tỉnh, thu nhập cũng được khoảng 3 triệu đồng.
Vào mùa lễ hội, không chỉ người dân ở nơi tổ chức lễ hội mà nhiều người từ nơi xa cũng đến tìm kế mưu sinh. Cũng ở lễ hội chùa Muống năm nay, ông Nguyễn Văn Hưng (40 tuổi) quê ở Khoái Châu (Hưng Yên) lại góp mặt với thùng kem giữa nhiều hàng quán. Trên chiếc xe máy cũ, ông đi bán kem ở hầu khắp các lễ hội trong tỉnh và những tỉnh, thành phố lân cận. Ban ngày ông đi bán kem, tối đến ông lại xin ở trọ nhà người dân trong vùng, để sáng hôm sau lại bắt đầu hành trình mưu sinh của mình. Ông Hưng đã gắn bó với nghề này được hơn chục năm nay. Theo ông, nghề nào cũng phải có cái duyên, ngay cả nghề buôn bán nay đây, mai đó này cũng vậy. Cũng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhà có 3 người con, vợ ông lại bị bệnh, chỉ làm được việc vặt trong nhà, thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào 5 sào ruộng khoán khiến ông phải mưu sinh nay đây mai đó. Hết 3 tháng lễ hội, ông lại về quê chăm lo công việc đồng áng, phụ giúp gia đình. "Đây là năm thứ 10 tôi bán hàng ở lễ hội chùa Muống, hết hội này tôi lại xuống Hải Phòng. Cũng chỉ vất vả 3 tháng lễ hội đầu năm thôi, thỉnh thoảng không có lễ hội thì về qua nhà, rồi lại đi. Tuy vất vả, nhưng kiếm thêm được thu nhập cho gia đình, 3 tháng lễ hội tôi cũng kiếm được chục triệu đồng", ông Hưng chia sẻ.
Hoàn cảnh không quá khó khăn như ông Hưng, bà Phạm Thị Cúc (51 tuổi), quê ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) bán đồ lễ ở lễ hội đền Tranh (Ninh Giang) không chỉ bán hàng để kiếm thêm thu nhập mà còn là cách để bà bày tỏ lòng thành với đức phật. Bà Cúc là người thành thạo trong việc chọn, bày đồ lễ. Vì vậy, ngoài bán hàng, bà còn tư vấn cho những người mua hàng biết nên mua những gì để làm lễ. Giá cả phù hợp lại có thêm hướng dẫn nên cửa hàng nhà bà được rất nhiều người ghé vào mua. Bà Cúc đã bán hàng ở lễ hội này được 15 năm, quen biết nhiều người ở địa phương. Bà Cúc tâm sự: "Bán hàng ở lễ hội cũng là một cách đi lễ chùa, giúp đỡ mọi người sắm đồ để làm lễ với tôi đã trở thành niềm vui, vì thế mà tôi cũng được nhiều người địa phương ở đây quý mến."
Ở mỗi địa phương đều có tổ chức các lễ hội. Lượng du khách gia tăng kéo theo số lượng người mưu sinh tại mùa lễ hội cũng tăng đáng kể. Lễ hội lớn có tới hàng chục cửa hàng còn những lễ hội nhỏ cũng phải có đến vài quầy hàng bày bán đủ các loại mặt hàng, từ đồ lễ tới ăn uống, thậm chí cả những dịch vụ vui chơi khác thu hút du khách. Khác với bán hàng ở những khu di tích, người bán hàng có thể buôn bán cố định ở một vị trí, và buôn bán quanh năm, thì những người bán tại các hội đình, chùa lại chỉ tranh thủ những tháng lễ hội đầu năm. Chỉ với một quầy hàng "di động" họ di chuyển từ lễ hội này, sang lễ hội khác, góp phần làm cho không khí lễ hội thêm náo nhiệt.
TRẦN HIỀN