Tai nạn lao động luôn rình rập
Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 04:16, 12/03/2014
Hiện nay vẫn còn không ít doanh nghiệp chấp hành chưa nghiêm các quy định, cộng với sự chủ quan của người lao động nên tai nạn lao động vẫn luôn xảy ra.
Công nhân Công ty TNHH Cơ khí Quảng Long Xương vận hành máy nhưng không sử dụng
các trang thiết bị bảo hộ lao động
Rủi ro
Ngày 5-3 vừa qua, chúng tôi cùng đoàn liên ngành của tỉnh đến kiểm tra ATVSLĐ, PCCN tại Công ty TNHH Cơ khí Quảng Long Xương (Nam Sách). Hình ảnh đầu tiên đoàn kiểm tra chứng kiến khi vừa bước vào công ty là cảnh một công nhân lái xe nâng và để cho một người khác đứng chênh vênh trên cần nâng hàng. Thực tế hiện trường sản xuất tại đây cũng cho thấy, mặc dù cơ khí là việc nặng nhọc, có nhiều máy, phương tiện được quy định nghiêm ngặt về an toàn nhưng còn khá nhiều công nhân không đội mũ bảo hộ lao động; tại bộ phận phun sơn có một số công nhân không đeo khẩu trang. Kiểm tra sổ sách còn cho thấy, công ty này không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho công nhân.
Theo bà Phạm Thị Thu Hiền, Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: "Qua thanh tra, kiểm tra việc thực hiện ATVSLĐ và PCCN đã thấy còn không ít doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm vấn đề này. Có doanh nghiệp không hề xây dựng các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc và môi trường xung quanh. Không có bảng chỉ dẫn ATVSLĐ hoặc có nhưng để ở vị trí khuất tầm mắt. Có doanh nghiệp không trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để có thể ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra TNLĐ. Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn không được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng hoặc không được kiểm định định kỳ".
NLĐ không được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, có người không được trang bị bảo hộ lao động, bất cẩn khi làm việc... cũng khiến TNLĐ diễn biến phức tạp. Gần đây nhất, ngày 6-3, trong khi đang dỡ nhà thuê cho ông Trịnh Văn Sổ (ở số nhà 692 Trần Phú, thị trấn Nam Sách), do không có dây bảo hiểm, anh Phan Văn Thủy (sinh năm 1985, trú tại thôn Miếu Lãng, xã Đồng Lạc, Nam Sách) đã bị ngã từ tầng 2 xuống đất và chết trên đường đi cấp cứu. Trước đó, ngày 23-2, khi đang làm việc tại bãi đê thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn (Thanh Hà), anh Đoàn Văn Dũng (sinh năm 1975, ở xã Thanh Sơn) trèo lên máy xúc trượt chân ngã và bị gầu máy xúc đập vào người tử vong... Đặc biệt, trong năm 2013, toàn tỉnh đã ghi nhận 82 vụ TNLĐ, làm chết 12 người. So với năm 2012, số vụ TNLĐ dẫn đến chết người tuy không tăng nhưng lại tăng 3 người chết. Các vụ TNLĐ trong năm 2013 chủ yếu do thiết bị sản xuất không bảo đảm an toàn (là nguyên nhân xảy ra 10 vụ); do không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân (xảy ra 9 vụ); không có quy trình, biện pháp làm việc bảo đảm an toàn (17 vụ)... Vụ việc xuất phát từ các nguyên nhân bất cẩn của chủ sử dụng lao động và công nhân không chấp hành nghiêm quy định về ATVSLĐ phải kể đến vụ sập giàn giáo tại công trường thi công cầu sông Chanh (Ninh Giang) ngày 11-11-2013 làm 3 người chết. Vụ TNLĐ xảy ra ngày 7-3-2013 tại Công ty CP Thép Hòa Phát lại xuất phát từ sự bất cẩn của chính nạn nhân. Khi đó, anh Mạc Duy Tú, công nhân đang làm việc tại khu lò cao luyện gang, do bất cẩn đã bị 2 thang tời gầu múc xỉ thép kẹp dẫn đến tử vong...
Giải pháp
Nhiều năm trở lại đây, mất an toàn lao động là vấn đề đáng báo động. Chính vì vậy công tác ATVSLĐ được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều hoạt động kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ tại nhiều doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động, NLĐ. Trước đó, tính riêng năm 2013 toàn tỉnh đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 289 cán bộ làm công tác lao động, thương binh và xã hội của 265 xã, phường, thị trấn và 12 huyện, thị xã, thành phố; huấn luyện xây dựng mô hình quản lý ATVSLĐ cho 300 cán bộ an toàn và hỗ trợ 10 doanh nghiệp xây dựng thí điểm mô hình quản lý ATVSLĐ; hỗ trợ, huấn luyện ATVSLĐ cho 1.850 cán bộ an toàn, người lao động các doanh nghiệp; tổ chức 28 lớp tập huấn sơ cấp cứu TNLĐ cho 970 an toàn, vệ sinh viên tại các doanh nghiệp. Các ngành chức năng còn giám sát môi trường lao động tại 45 doanh nghiệp; phối hợp khám sức khỏe cho hơn 25 nghìn người tại 55 cơ sở; khám bệnh nghề nghiệp cho 540 lao động có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp.
Để giảm số vụ TNLĐ, ngoài những nỗ lực của các ngành chức năng thì người làm công tác ATVSLĐ, NLĐ, người học nghề, tập nghề phải được thường xuyên huấn luyện về ATVSLĐ. Các doanh nghiệp phải lập phương án bảo đảm ATVSLĐ tại nơi làm việc. Kiểm tra, rà soát các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động để kiểm định trước khi đưa vào sử dụng. Xây dựng biển chỉ dẫn về ATVSLĐ đối với máy, thiết bị, nơi làm việc và đặt ở nơi dễ đọc, dễ thấy. Trang bị đầy đủ phương tiện kỹ thuật, y tế, phương tiện bảo vệ cá nhân đạt tiêu chuẩn về chất lượng cho NLĐ trong quá trình hoạt động sản xuất. Đồng thời, cần có chế tài xử phạt đủ mạnh để xử lý nghiêm những doanh nghiệp không chấp hành tốt các quy định về ATVSLĐ hoặc để xảy ra TNLĐ nhiều lần.
VIỆT CƯỜNG